Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt được nhà thầu Trung Quốc lắp đặt
Toàn bộ các thiết bị thông tin tín hiệu được sử dụng đều sử dụng tiếng Trung Quốc, nên nhiều cán bộ không hiểu công năng sử dụng.
Tiền nào của ấy
Theo phản ánh trên báo Tuổi trẻ, dự án hệ thống tín hiệu tự động ở hàng loạt các ga nhằm tự động hóa việc tàu tránh nhau, được đầu tư (công nghệ Trung Quốc, Pháp) có tổng mức đầu tư lên tới 2.423 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc.
Nhà thầu Cục 6 Đường sắt Trung Quốc là đơn vị lắp đặt (còn có tên gọi là hệ thống điện khí tập trung liên khóa rơle 6502, gọi tắt: thiết bị 6502).
Dù được đầu tư hàng nghìn tỷ, nhưng liên tiếp xảy ra sự cố, cuối năm 2016 tới đầu năm 2017 tại ga Văn Điển (sử dụng thiết bị tín hiệu SSI) cũng đã xảy ra các vụ tàu trật bánh toa xe hàng, uy hiếp đến an toàn chạy tàu.
Tới tháng 4/2017, các sự cố tương tự lan ra nhiều ga sử dụng tín hiệu SSI cũng như 6502 như Dĩ An (Bình Dương), Yên Viên, Giáp Bát, Văn Điển (Hà Nội)...
Chia sẻ với Đất Việt, về thông tin trên, ngày 17/11, ông Trần Văn Thắng - Trực ban ga Sông Phan (tỉnh Bình Thuận) cho biết: "Bây giờ, các thiết bị tín hiệu nói chung vẫn đang hoạt động bình thường, trừ trường hợp thiên tai không thể nói trước, tuy còn có những trục trặc.
Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt được nhà thầu Trung Quốc lắp đặt
Có nhiều trường hợp trục trặc về cầu trì thì chúng tôi tự sửa, tự thay và bảo dưỡng, chứ còn đợi bảo hành thì rất lâu. Bình thường rất nhiều lần đường truyền không đưa tín hiệu ra được, khi đó, phải ra quay bằng tay, để tránh xảy ra sự cố. Nghĩa là mang tiếng tự động nhưng vẫn phải làm thủ công bằng tay.
Đường truyền cáp được chôn dưới đất, nên tôi thấy mọi việc đều tự động, nhưng lại có rất nhiều trục trặc nhỏ. Thiết nghĩ, dù là trục trặc nhỏ thì phải do thiết bị chất lượng kém thì mới xảy ra hiện tượng đó, như móc trạm, cáp đứt, nứt mối hàn...
Thực tế thì hệ thống tự động nếu thiết bị hiện đại thì những trục trặc nhỏ rất ít khi xảy ra, nó cũng thể hiện công nghệ lắp đặt của Trung Quốc không hiện đại lắm.
Hàng ngày là chúng tôi phải kiểm tra thực tế độ an toàn tại hiện trường, chứ không chủ quan, lơ là, đặc biệt kiểm tra kỹ càng từng ghi, để phát triển trở ngại".
Bên cạnh đó, theo ông Thắng, thiết bị thông tín hiệu của các nước hiện đại như Nhật Bản, Pháp thì sẽ tốt hơn, cũng như chiếc điện thoại di động Oppo cũng khác Iphone, tiền nào của ấy.
Nỗi khổ của người trực ban là mỗi người, mỗi nghề, mỗi nghiệp, làm trục trặc thì bị trách cứ, kiểm điểm, không ai biết do con người hay do thiết bị.
Ông Thắng cũng đề cập đến việc theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt năm 2015 nêu: "Cấm đón hai tàu vào ga cùng một lúc hoặc cấm đón một tàu và gửi một tàu cùng chiều một lúc".
Nhưng thiết bị 6502 lắp tại ga Suối Vận lại có thể thực hiện được thao tác đón hai tàu vào ga một lúc, Gia Huynh, Sông Phan cũng tương tự.
Mới đây ga Sông Phan vừa rồi cũng quán triệt không cho mở tình trạng như vậy, thực trạng đó không thể lặp lại, kiểm tra kỹ càng từng tàu. Nếu mở được thì cũng mở được, nhưng đã được kiểm soát chặt chẽ, mà với trường hợp ga Suối Vận là mở tín hiệu kéo dài đường chạy thì phải có tín hiệu dẫn đường.
Thiết bị toàn tiếng Trung Quốc
Cũng đưa ra chia sẻ về vấn đề này, ông Du - một nhân viên của Công ty xí nghiệp Sài Gòn, trực ban ga Bảo Chánh (Đồng Nai) cho biết: "Trong thời gian sử dụng từ khi lắp đặt đến nay thiết bị đếm trục bị lỗi nhưng chúng tôi vẫn xử lý được.
Nhưng dĩ nhiên việc trục trặc như vậy sẽ ảnh hưởng đến độ an toàn của các tàu ra vào ga, việc sửa chữa cũng tốn kém.
Nếu hỏng các trạc phải gửi về Công ty, xong sau đó gửi về Trung Quốc sửa, rồi lại chuyển về Việt Nam, còn tiền sửa do Công ty thanh toán, thời gian vô cùng lâu.
Về việc hai tàu vào ga cùng một lúc, theo ông Du, có hai hướng Nam - Bắc, Nam có đường chạy kéo dài, bắt buộc phải mở tín hiệu dẫn đường. Thực tế, thiết bị tự động về nguyên lý là an toàn, nhưng vì thiết bị mới mà chưa được học hành đến nơi đến chốn nên chưa hiểu sâu về thiết bị nên còn lúng túng.
"Nhiều khi có sự cố chúng tôi xử lý không được, vì thiết bị toàn tiếng Trung Quốc, ví dụ như máy đóng đường toàn tiếng Trung Quốc, chúng tôi cũng không đọc được, chỉ là nhờ kinh nghiệm mà dịch từ thiết bị cũ sang, còn làm rõ các tuyến mạch thì khó, rất dài.
Cho nên chúng tôi chỉ đọc được các mạch ngắn, cứ suy đoán từ thiết bị cũ đưa sang rồi suy luận, chứ trong bản vẽ toàn tiếng Trung Quốc không hiểu gì.
Mà ở hiện trường cũng không phải ai nắm bắt được, có người biết, người không nên người nào biết thì chỉ cho người kia, đảm bảo cho các chuyến tàu", ông Du cho biết thêm.
Châu An
No comments:
Post a Comment