Phạm Chí Dũng
Theo VOA--27/11/2017
Tháng 6/2017 Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Luật Hình sự.
2/12/2017 sẽ là ngày diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ của Liên minh châu Âu (EU) với chính quyền Việt Nam tại Hà Nội. Chỉ trước đó 2 ngày - 30/11/2017 - “tòa án nhân dân” sẽ xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - nhà hoạt động nhân quyền tranh đấu cho người dân miền Trung phản kháng Formosa, đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh “Người phụ nữ can đảm quốc tế” vào tháng 3/2017.
Tin xấu đối với giới chóp bu Hà Nội là khác hẳn với những lần đối thoại nhân quyền trước đây giữa EU và Việt Nam, kết quả của cuộc đối thoại nhân quyền này sẽ là một cơ sở rất quan trọng, nếu không nói là được đặt lên hàng đầu, để Phái đoàn EU tại Việt Nam báo cáo cho EU nhằm quyết định có thông qua hay không Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục ký và bỏ phiếu, phê chuẩn ở nghị viện các nước châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng “mất cả chì lẫn chài”.
Phe nào cũng cần EVFTA
Tháng Mười Một năm 2017. Đang có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy chính thể độc đảng ở Việt Nam mở một chiến dịch mới nhằm vận động EU nhanh chóng thông qua EVFTA, trong khi chưa có động thái bắt bớ thêm giới hoạt động nhân quyền tại đất nước này trong tháng 11/2017, trái ngược với 8 tháng trước đó đã xảy ra bắt người bất đồng chính kiến rất hung hãn và đều đặn vào mỗi tháng.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC Đà Nẵng vào đầu tháng 11/2017 và cả sau hội nghị này, vài ba cuộc hội thảo về EVFTA được chính quyền Việt Nam tổ chức, cùng lúc nhiều tờ báo nhà nước bất chợt đăng tin bài dồn dập về EVFTA với nội dung tập trung vào những cái lợi về kinh tế của Việt Nam khi tham gia vào hiệp định này. Động thái này rất tương đồng với bầu không khí “tích cực chuẩn bị tham gia EVFTA” vào cuối năm 2015 - khi hiệp định này hoàn tất đàm phán song phương, và vào năm 2016 - khi một số quốc hội ở châu Âu bắt đầu tiến trình xem xét EVFTA để quyết định có thông qua hay không.
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm - gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Cho đến Hội nghị APEC vào tháng 11/2017. Trước khi diễn ra hội nghị này, Việt Nam đã hy vọng Hiệp định TPP-11 (không có Mỹ) sẽ được ký kết ngay tại Đà Nẵng. Tuy nhiên thực tế diễn biến khá trái ngược: TPP suýt nữa đổ vỡ lần hai khi Canada bất đồng với một số nước về một số điều khoản. Và cho dù sau đó TPP có được đổi thành tên mới là CPTPP, phía Việt Nam cũng thấy rõ là chẳng còn được bao nhiêu lợi lộc khi tham gia hiệp định này mà không có thị trường Mỹ, bởi các chỉ số xuất khẩu và GDP của Việt Nam, nếu có tham gia TPP-11 hay CPTPP, đều giảm từ 1/2 đến 1/3 so với TPP-12 (có Mỹ).
Giờ đây, chính thể Việt Nam chỉ còn duy nhất EVFTA là triển vọng hơn cả, trong lúc 14 - 15 FTA (hiệp định thương mại tự do) còn lại với các nước hoặc bất lợi cho Việt Nam, hoặc có giá trị xuất siêu bằng 0, hoặc còn đang đàm phán.
Mặc dù Việt Nam là một xứ sở “đặc thù xã hội chủ nghĩa” bởi những cuộc đấu đá nội bộ triền miên và khốc liệt, nhưng cũng là một chế độ đang rơi vào hoàn cảnh đã cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và đang nhanh chóng cạn kiệt về ngân sách, kéo theo khối nợ công lên đến 210% GDP, cùng một nền kinh tế suy thoái đến năm thứ 9 liên tiếp mà rất có thể kéo theo sự sụp đổ của chân đứng chính trị. Tình trạng đó đã khiến các phe phái dù xung đột ghê gớm với nhau về quyền lực và lợi ích nhưng luôn đồng thuận ở một điểm: cần khẩn cấp TPP và EVFTA.
Công đoàn độc lập, nhân quyền và môi trường
Tuy nhiên thói “kiêu ngạo cộng sản” vẫn chỉ muốn được không muốn cho. Ngày 16/11/2017, Phái đoàn EU tại Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ một số nhà hoạt động dân sự để tham vấn về vấn đề nhân quyền nhằm chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ của EU với chính quyền Việt Nam vào ngày 2/12/2017. Nhưng ngay sau cuộc gặp này, ba nhà hoạt động dân sự là Nguyễn Quang A, Phạm Đoan Trang, Bùi Thị Minh Hằng đã bị công an bắt cóc và câu lưu.
Đặc biệt, hành động Công an Hà Nội bắt giữ Phạm Đoan Trang ngay trước tòa nhà Lotte - nơi đặt trụ sở của Phái đoàn Liên minh châu Âu - giống hệt một cú răn đe dằn mặt, bất chấp giới ngoại giao và chính phủ Việt Nam có hứa hẹn trời trăng mây nước gì chăng nữa.
Hiện thời, ba điều kiện lớn mà EU đang đặt ra trong EVFTA đối với Việt Nam là Việt Nam phải cho phép hình thành công đoàn độc lập, cải thiện nhân quyền và xử lý vấn đề môi trường.
Ngay cả Hiệp định CPTPP (tên gọi mới từ TPP) cũng bao gồm nội dung phải có công đoàn độc lập đối với Việt Nam.
“Đời đổi - não không đổi”
Hiện tượng hàng loạt quan chức ngoại giao cao cấp của một số nước Tây Âu - Bộ Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström và Thứ trưởng ngoại giao Bỉ Dirk Achten - đến Việt Nam trong thời gian này và liên quan đến EVFTA cho thấy giới chóp bu Việt Nam một lần nữa bắt được tín hiệu tái khởi động thương thảo về hiệp định này, và lần này là các cuộc bàn bạc để thuyết phục quốc hội các nước châu Âu thông qua EVFTA. Rất có thể là tận dụng kết quả “đăng cai tổ chức thành công Hội nghị APEC 2017” (trong thực tế, kết quả thành công gần như duy nhất là không xảy ra vụ khủng bố nào), Hà Nội đã mau mắn và đon đả mời mọc các nước châu Âu, đặc biệt là những nước có vai trò khá quan trọng EU như Thụy Điển, Bỉ… đến Việt Nam để được nghe hứa hẹn thêm một lần nữa về “Việt Nam sẽ đáp ứng các yêu cầu của EVFTA” và “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người”.
Tâm thế mời mọc châu Âu của chính thể Việt Nam càng ẩn chứa động cơ khẩn cấp sau khi xảy ra vụ khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt liên đới mật thiết vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” ngay tại Berlin - một trận động đất chính trị mà có thể phá tan tương lai EVFTA và khiến phần lớn châu Âu quay lưng với Việt Nam - một nhà nước bị nhiều người dân trong nước xem là “vô số luật nhưng chỉ có luật rừng”.
Giới quan chức ngoại giao Tây Âu - những người vốn đã từng tỏ ra dĩ hòa vi quý với Việt Nam trong không khí xã giao bất tận vô nghĩa cùng những cuộc đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam chỉ nghe hứa không thấy làm - dường như một lần nữa “chiều” Việt Nam bằng những chuyến thăm nước này vào tháng 11/2017.
Thế nhưng thêm một lần nữa, những quan chức Tây Âu theo chủ trương đối thoại mềm dẻo mà thiếu hẳn độ cứng rắn cần thiết đã phải nhận một bài học “đời đổi - não không đổi” từ phía giới quan chức Việt Nam:
Ngày 21/11/2017, trong cuộc gặp tại Hà Nội với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam - cho biết việc hai bên ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) sẽ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc ký kết, phê chuẩn EVFTA và phát triển bền vững. Để triển khai PCA, trong tuần tới (dự kiến vào ngày 2/12/2017) sẽ diễn ra sự kiện quan trọng đối với hai bên là Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU.
Tuy nhiên trang Chinhphu.vn của Việt Nam đã thản nhiên đưa tin: “Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc chỉnh sửa các nội dung hợp tác kinh tế chỉ nên liên quan tới các vấn đề về PCA chứ không nên đưa các lĩnh vực khác như nhân quyền vào EVFTA”.
Khó có thể hiểu khác hơn, đó là một cách nói vỗ mặt thẳng thừng của quan chức Việt Nam đối với Tây Âu mà nhiều khả năng xuất phát từ tâm lý giới lãnh đạo Việt Nam đánh giá vai trò lẫn bản lĩnh của EU là thấp hơn hẳn Hoa Kỳ trong cơ chế và các kỳ đối thoại nhân quyền với Việt Nam, do đó dễ “ăn hiếp” hơn.
Phép thử lớn
Sẽ có một phép thử lớn về khả năng đối thoại nhân quyền EU - VN và tương lai EVFTA: vụ xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 30/11 sẽ diễn ra theo chiều hướng và kịch bản nào?
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt cách đây tròn một năm. Vào cuối tháng 6/2017, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị “tòa án nhân dân” giáng cho bản án cực kỳ nặng nề - 10 năm tù giam.
Không biết có phải ngẫu nhiên hay có chủ ý mà nhà cầm quyền đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xử phúc thẩm sát ngày đối thoại nhân quyền với EU.
Nếu bản án phúc thẩm theo kịch bản giảm lùi một con số đang kể so với án sơ thẩm, đó là dấu hiệu cho thấy tiến trình đàm phán nhân quyền giữa EU và nhà cầm quyền Việt Nam đang tiến triển và có thể tái hiện giai đoạn năm 2013 và 2014 - khoảng thời gian mà để được Mỹ chấp nhận cho vào Hiệp định TPP, chính thể Việt Nam đã phải trả tự do cho một nhà hoạt động nhân quyền trẻ là Nguyễn Phương Uyên ngay tại phiên tòa phúc thẩm ở Long An dù trước đó đã kết án đến 6 năm tù, để đến năm 2014 đã trả tự do trước thời hạn thụ án cho 12 tù nhân lương tâm. Đồng thời kịch bản đàm phán và dẫn đến việc có thể thông qua EVFTA là bắt đầu có hy vọng đối với chính thể Việt Nam.
Còn nếu bản án phúc thẩm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vẫn y án sơ thẩm là 10 năm tù giam, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ cải thiện nào, kéo theo EVFTA giữ nguyên trạng thái trì trệ để toàn bộ chính thể Việt Nam vẫn bị “treo” ở đó.
No comments:
Post a Comment