Năm Cù Lần (Danlambao) - Mới đây, dân mạng xôn xao với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của ông PGS.TS Bùi Hiền. Ông này cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư… Cũng theo ông PGS.TS này: "Luật giáo dục" phải viết là "luật záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...
Chữ quốc ngữ ngày nay là một bộ chữ dựa trên nền tảng những ký tự Latinh. Trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Châu Âu). Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc Ngữ. Đặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và tổ chức in ấn lần đầu tiên cuốn Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh.
Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes năm 1651 trong cuốn từ điển Việt-Bồ-La đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải chờ đến từ điển Việt-Bồ-La xuất bản năm 1772, tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Pigneau de Behaine thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống hiện nay.
Sự kiện đánh dấu vị thế chữ Quốc ngữ là khi người Pháp hoàn thành xâm chiếm Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19. Ngày 22 tháng 2 năm 1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nhotrong các công văn ở Nam Kỳ. Nghị định 82 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký ngày 06/04/1878 cũng đề ra mốc hẹn trong bốn năm (tức năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ. Sang thế kỷ 20 thì chính phủ Đông Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính giảng dạy ở Bắc Kỳ từ năm 1910. Việc cổ động cho học "chữ Quốc ngữ" ở toàn cõi nước Việt gắn với các phong trào cải cách trong giai đoạn 1890 - 1910 như Hội Trí Tri, phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục và ngành báo chí mới hình thành, đã thừa nhận và cổ vũ học "chữ Quốc ngữ", coi là phương tiện thuận lợi cho học hành nâng cao dân trí (Nguồn Wikipedia).
Sau đó, chữ Quốc ngữ luôn được điều chỉnh, sửa chữa và đã hoàn thiện như ngày hôm nay. Đó là công lao của nhiều học giả uyên bác, của nhiều người trí thức, của nhiều thế hệ…
Thế nhưng, ông PGS.TS Bùi Hiền đã phát hiện nhiều bất hợp lý của chữ Quốc ngữ, nên ông đã đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ để thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng (dẫn mắc lỗi chính tả), giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31, dễ nắm được quy tắc, dễ nhớ. Ngoài ra, còn tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính.
Không biết đề án cải tiến chữ Quốc ngữ của ông Bùi Hiền như thế nào, nhưng nếu được bọn “đỉnh cao trí tuệ” đem ra áp dụng thì sẽ diễn ra tình trạng khủng hoảng xã hội với một mức độ không thể lường trước. Nhưng trước hết tôi xin mạn phép đưa ra những hậu quả ghê gớm, nếu chuyện “cải tiến hay cải lùi” này được thực thi.
1. Những người có học trên cả nước sẽ trở thành mù chữ.
2. Sau vài năm được “xóa mù”, những người học chữ Quốc ngữ mới sẽ viết loạn chính tả, do chưa quen với cách ráp vần mới, cũng như cách dùng thanh sắc, hỏi, ngã, nặng, huyền.
3. Phải đào tạo giáo viên dạy chữ Quốc ngữ mới.
4. Hàng triệu cuốn sách chữ Quốc ngữ hiện hành được cho vào sọt rác.
5. Phải biên soạn Bộ từ điển Việt Nam, Việt Nam-nước ngoài (Việt-Anh chẳng hạn) mới; các nước khác cũng phải làm cái việc tương tự nếu muốn bang giao với Việt Nam. Và người nước ngoài đã học thành thạo tiếng Việt cũng phải gặp rắc rối vì nói tiếng Việt được, nhưng không biết viết.
6. Phải bỏ ra hàng triệu triệu tỉ đồng để biên soạn lại bộ sách giáo khoa; in ấn và xuất bản lại các loại sách khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên và các công trình khoa học khác…
7. Hàng triệu người phải bỏ thời gian đi học lớp “xóa mù”. Người ở tầng lớp bần cùng trong xã hội như công nhân, nông dân, buôn gánh bán bưng, làm ôsin, dịch vụ… do phải bận rộn việc mưu sinh, cơm áo gạo tiền không thể dành thời gian đi học. Trước đó, họ có thể học xong lớp 2, lớp 3… nói chung là họ có thể đọc và viết, nhưng sau đó họ bị “tái mù chữ” và hoàn toàn không thể tiếp cận thông tin mới trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Không biết nếu được áp dụng, đề xuất của ông PGS.TS sẽ đạt kết quả như thế nào, hay là nó lòi ra hàng nghìn bất hợp lý khác.
Theo đánh giá của tôi, việc đề xuất này là một việc điên rồ. Nhưng nó lại xuất phát từ một ông PGS.TS có một não trạng bất bình thường? Nhưng lại càng bất bình thường hơn khi ý tưởng này đã được in thành cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển (tập 1) dày 2.200 trang, do nhà xuất bản Dân trí phát hành, nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9. Đây có phải là một hiện tượng “kiệt xuất của đám đỉnh cao trí tuệ”?
Vỡ diễn “bi hài” này sẽ kết thúc ra sao? Nhưng nhưng trước mắt, đề xuất của tay PGS.TS này đã làm cho cộng đồng mạng cười rớt cả hàm răng.
27/11/2017
No comments:
Post a Comment