BẮC KINH (NV) – Trung Quốc và Việt Nam đã thảo luận “tích cực” về khu vực Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, không bên nào chỉ trích bên kia, theo một viên chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc.
Nói với báo chí sau cuộc thảo luận giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang hôm 11 Tháng Năm 2017, ông Liu Zhemin (Lưu Chấn Dân) thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho hay vấn đề Biển Đông cũng đã được nêu ra trong cuộc thảo luận, theo tường thuật của Reuters.
Ông Trần Đại Quang dẫn đầu một phái đoàn thăm viếng Trung Quốc đồng thời tham dự diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” từ ngày 11 đến 15 Tháng Năm 2017.
Trung Quốc tổ chức diễn đàn này để cổ võ tham vọng lấy Trung Quốc làm đầu tàu kết nối với một dọc các nước đến Âu châu phát triển kinh tế và mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trên bình diện toàn cầu.
‘Vấn đề (Biển Đông) đã được thảo luận nhưng với giọng điệu tích cực.’ Lưu Chấn Dân nói với báo chí. Ông Lưu giải thích thêm rằng “Theo tôi nghĩ, cuộc thảo luận về Biển Đông lần này là một tin rất tích cực. Không có bên nào đả kích bên kia. Không có lời nào đi ra ngoài khuôn khổ.”
Tân Hoa Xã chỉ có một bản tin ngắn về cuộc thảo luận giữa hai ông Tập Cận Bình và Trần Đại Quang khi viết rằng “Ông Tập Cận Bình nói hai bên nên hợp tác chặt chẽ với nhau để áp dụng các sự đồng thuận đã được các nhà lãnh đạo thỏa thuận, thắt chặt sự hợp tác trên nhiều lãnh vực khác nhau, nâng cao thỏa hiệp đối tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới.”
Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) viết rằng “Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhằm định hướng chiến lược, chỉ đạo thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, kịp thời trao đổi, giải quyết các vấn đề nảy sinh, duy trì cục diện hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định cho quan hệ Việt-Trung”.
Dịp này, TTXVN cho biết, ông Trần Đại Quang không quên nhắc lại là “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, có nhiều nét tương đồng, quan hệ hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” …. Chủ tịch nước khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng, chân thành mong muốn phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước Trung Quốc, đây là sự lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.”
Mới tháng trước, Hà Nội lên tiếng phản đối Bắc Kinh ra lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông từ Tháng 5 đến đầu Tháng 8 là “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”. Việt Nam phản đối Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm cướp của Việt Nam từ thập niên 1980 và biến các nơi này thành các căn cứ quân sự khổng lồ khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông.
Mỗi khi có tin tức gì về các hoạt động của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội đều cho phát ngôn viên lập lại lời tuyên bố chủ quyền lãnh thổ có các bằng chứng lịch sử “không thể tranh cãi” dù bị Bắc Kinh lờ đi.
Từ đầu Tháng Năm 2014, Bắc Kinh đưa giàn khoan nước sâu khổng lồ tới phía nam quần đảo Hoàng Sa dò tìm dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cuộc đối đầu trên biển giữa hai nước kéo dài hai tháng rưỡi cho đên khi Bắc Kinh rút giàn khoan HD 981 về. Sự căng thẳng giữa hai nước bị chùng xuống một thời gian ngắn rồi dần dần ấm trở lại qua các cuộc thăm viếng qua lại giữa các lãnh tụ cấp cao của hai bên.
Trong bản tin chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của ông Trần Đại Quang với tựa đề “Nâng cao hiệu quả hợp tác Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, TTXVN kể lể rằng “Hai bên tiếp tục tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, nổi bật là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1/2017) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (9/2016); cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC tại Peru (11/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Lý Khắc Cường nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 11 tại Mông Cổ (14/7); chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Ủy viên Trưởng Nhân đại Trung Quốc Trương Đức Giang (11/2016) và nhiều chuyến thăm cấp Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ.”
Theo Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam, năm 2016, mậu dịch hai chiều Việt Nam-Trung Quốc được gần $72 tỷ (tăng 7.9% so với năm 2015). Trong đó, Việt Nam xuất cảng gần $22 tỷ, nhập cảng gần $50 tỷ, thâm thủng $28 tỉ.
Dư luận và truyền thông tại Việt Nam từng có lời kêu gọi “thoát Trung” sau cuộc đối đầu trên biển năm 2014 nhưng càng ngày Việt Nam càng lún sâu vào sự lệ thuộc nền kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương 3 tháng đầu năm 2017 được gần $19 tỷ (tăng 27.5% so với cùng kỳ năm 2016), theo TTXVN. (TN)
No comments:
Post a Comment