Có thể xem loạt bài “Tài chính dầu khí và ‘vũng lầy’ PVN” đăng vào giữa Tháng Ba, 2017, là sự khởi đầu cho chiến dịch tổng công kích của truyền thông nhà nước dành cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN).
Để sau đó hẳn phải là “cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc” với căn cứ là “báo nói như vậy…”
Đây mới chỉ là vài bài đầu tiên của Thanh Niên, sau đó sẽ “còn tiếp.” Và những bài đầu tiên mới chỉ đề cập một vụ việc khá “nhẹ nhàng”: Những sai phạm ở Tổng Công Ty Tài Chính Cổ Phần Dầu Khí (PVFC) đã tạo thêm một “vũng lầy” cho PVN có phần nghiêm trọng hơn cả khoản thua lỗ của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) và khoản góp vốn mất trắng theo OceanBank. Phần thiệt hại của PVFC là trên 500 tỷ đồng.
500 tỷ đồng tất nhiên vẫn chưa bằng với số mất trắng 800 tỷ đồng mà PVN đã góp vào OceanBank, và còn thua xa con số thất thoát 9,000 tỷ đồng tại các Ngân Hàng Xây Dựng trong vụ đại án Phạm Công Danh.
Nhưng xin nhắc lại, PVFC mời chỉ là đối tượng đầu tiên bị “đánh.” Nếu không có gì thay đổi, chính trường được hứa hẹn sẽ diễn biến những cú đánh tiếp theo, dành cho những “cá mập” trong ngành dầu khí còn lớn hơn hẳn PVFC.
Cũng cần nhắc lại, tín hiệu PVN bị “đánh” đã xuất hiện ngay trước Hội nghị trung ương 4 về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” vào Tháng Mười, 2016, nhưng sau đó bất chợt “chìm” đi, cùng lúc chẳng nghe tin tức khai báo gì của Vũ Đức Thuận trong trại giam Bộ Công An. Nhưng sau Tết Nguyên Đán 2017, lại xuất hiện tín hiệu PVN sắp bị “mổ.” Có thông tin cho rằng chính Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương là cơ quan “nắm rất chắc vụ PVN.”
Khác hẳn Ban Nội Chính Trung Ương của Cựu Ủy Viên Trung Ương Kiêm Trưởng Ban Nguyễn Bá Thanh, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương lại được chủ nhiệm bởi một ủy viên Bộ Chính Trị là ông Trần Quốc Vượng – người trước đây là chánh văn phòng trung ương đảng và được xem là “cánh thân hữu” với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ sau Đại Hội 12 và kể cả từ sau mệnh lệnh “việc cần làm ngay” của ông Trọng phát ra từ Tháng Sáu, 2016, câu chuyện cần mô tả là cho đến giờ Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương vẫn chưa có nổi một thành tích đáng kể nào, ngoài việc kiểm tra xe hơi của Trịnh Xuân Thanh và một số công việc mang tính hành chính khác.
Do vậy, vụ PVN có thể là một cơ hội để ông Trần Quốc Vượng “lấy điểm” trước Tổng Bí Thư Trọng, nhất là trong quan điểm của ông Trọng vẫn ngầm mang hơi hướng so sánh giữa Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng Cộng Sản Việt Nam với Ủy Ban Kỷ Luật Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Làm thế nào để Trần Quốc Vượng có thể trở nên Vương Kỳ Sơn?
Và làm thế nào Việt Nam tạo dựng được một chiến dịch “Săn Cáo” khá thành công như Tập Cận Bình đã làm từ năm 2013 cho đến nay?
Đó hẳn là ấp ủ tràn đầy của ông Nguyễn Phú Trọng mà các đối thủ chính trị của ông, dù đương chức hay đã về hưu, phải luôn dè chừng.
Cho tới nay, dù chưa có gì thật sự nổi trội trong Thường Vụ Đảng Ủy Công An Trung Ương, nhưng Tổng Bí Thư Trọng vẫn cơ bản “nắm” được hệ thống truyền thông báo nhà nước thông qua Phó Trưởng Ban Thường Trực Ban Tuyên Giáo Trung Ương Kiêm Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn.
Thanh Niên hẳn là một tờ báo không chỉ về truyền thống là “cánh tay phải của đảng,” mà còn phải làm sao để đảng phục hồi độ tin cậy, nhất là sau vụ tung tóe của tờ báo này khi nhận tiền quảng cáo của đại gia để đánh nước mắm truyền thống và khiến người sản xuất điêu đứng mà đảng vẫn để yên cho tổng biên tập tờ báo này.
Sau loạt bài mở màn trận công kích đối với Bí Thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, báo Thanh Niên tiếp tục chinh phục lãnh địa của PVN tập đoàn được xem là giàu nhất Việt Nam với gần $35 tỷ tài sản và 166 ngàn tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng lấy lãi.
Bàn cờ chính trị đang biến thế từng tuần và có thể đảo lộn lớn trong thời gian tới. Cho dù PVN bị xem là “vũng lầy,” hẳn không ít thế lực chính trị vẫn muốn cơi nới nhà cao tầng ngay trên vũng lầy đó.
No comments:
Post a Comment