Song Chi—02/01/2017 - 15:11
NGƯỜI DÂN MỸ ĐANG HÀNH ĐỘNG
Chỉ hơn 10 ngày kể từ khi Donald Trump nhậm chức Tổng Thống, thế giới đã kịp chứng kiến một sự khủng hoảng từ nước Mỹ lan rộng ra nhiều nước khác do những việc làm, những sắc lệnh mà Tân Tổng thống vừa ký.
Nói về Donald Trump, có lẽ nhiều người Việt và nhiều bài báo, ý kiến của các nhà bình luận, các nhà báo Mỹ và quốc tế đã nói rồi. Ở đây, trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến phản ứng của nhiều người dân Mỹ, người châu Âu và người Việt đối với “hiện tượng” Donald Trump.
Khi Donald Trump đắc cử, những người ủng hộ, bỏ phiếu cho ông ta đã reo mừng chiến thắng và ngược lại, những người đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, đối thủ của ông ta thì sửng sốt, buồn rầu. Chính cựu Tổng thống Barack Obama cũng shocked và chắc chắn là cũng buồn nhiều hơn vui, vì ông biết rằng nếu Donald Trump lên, toàn bộ di sản của ông trong 8 năm ngồi ở Nhà Trắng sẽ bị Trump vứt vào sọt rác (thực tế diễn ra đúng là như vậy). Nhưng ông đã giấu đi những cảm xúc của mình, an ủi nhân viên trong Nhà Trắng, an ủi người dân Mỹ đại ý dù ai lên làm Tổng thống, nước Mỹ rồi cũng sẽ ổn, vì sức mạnh của một xã hội dân chủ, và vì ông tin vào người dân Mỹ.
Với lòng yêu nước, với niềm tin vào người dân Mỹ vào sức mạnh của một xã hội Mỹ, cựu Tổng Thống Barack Obama, những nghị sĩ của cả hai đảng đã từng phản đối Donald Trump và ngay cả bà Hillary Clinton, người bị thua đau đớn, đã gạt bỏ tị hiềm, đến dự lễ nhậm chức của Donald Trump và mong mỏi rằng Tổng thống mới sẽ tìm cách hàn gắn những chia rẽ, sẽ hành động vì nước Mỹ và nhân dân Mỹ.
Nhưng ngay trong bài diễn văn nhậm chức, Tân Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump đã khiến cho họ cũng như những người Mỹ từng không ủng hộ ông và thế giới sững sờ. Bởi vì trong cái bài diễn văn ấy Donald Trump lại tiếp tục ngôn ngữ, giọng điệu y như lúc đang tranh cử, tiếp tục chỉ trích, chê bai những người tiền nhiệm (những người đang ngồi ngay ở dưới, cách ông chỉ chừng mươi thước) và giới chính trị Washington, hô hào một chính sách bảo hộ bảo thủ về kinh tế lẫn đường lối ngoại giao “co cụm”, tất cả vì nước Mỹ “America first”, không nói gì nhiều đến vai trò của nước Mỹ với thế giới hay những giá trị chung của nhân loại.
Rồi Donald Trump ngồi vào Nhà Trắng. Và bắt đầu một loạt hành động, biện pháp, sắc lệnh gây tranh cãi, thực hiện đúng như những gì Trump đã từng tuyên bố lúc tranh cử, đó là bãi bỏ Obamacare, rút khỏi Hiệp định TPP, “đóng băng” mọi hoạt động nghiên cứu về biến đổi khí hậu, tiến hành xây tường ngăn giữa biên giới Mexico và nước Mỹ, ban bố sắc lệnh cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo vào Mỹ trong 90 ngày và cấm người tị nạn, vào nước này trong 120 ngày, kể cả những người có thị thực còn thời hạn và được tị nạn hợp pháp…
Ngay sau đó chúng ta thấy gì? Sự hỗn loạn, chia rẽ tăng lên trong xã hội Mỹ, sự bất bình, hoang mang, mất lòng tin vào nước Mỹ, vào các giá trị Mỹ và các mối quan hệ lâu đời từ các nước đồng minh của Mỹ ở Canada, Úc, châu Âu, cho tới khối NATO, EU…
Nhưng chúng ta cũng thấy gì? Người dân Mỹ thuộc mọi tầng lớp ngay lập tức phản ứng, hành động. Ngay sau lễ nhậm chức của Donald Trump là hàng triệu người ở các bang, các thành phố khác nhau đã xuống đường trong ngày Women’s March để biểu tình phản đối, trong đó có rất nhiều khuôn mặt nghệ sĩ, người nổi tiếng, với những hình ảnh đầy ấn tượng được truyền thông ghi lại. Cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy, và không chỉ ở nước Mỹ mà còn lan ra nhiều nơi khác trên thế giới, thậm chí ở cả… Antarctica, Bắc Cực.
Sau khi sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump vừa ban ra, hàng nghìn người đã biểu tình phản đối tại các sân bay lớn trên khắp nước Mỹ như Los Angeles, New York, Chicago…
Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sally Yates từ chối bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cảnh nhằm vào công dân 7 nước Hồi giáo và bị Trump sa thải.
Bất chấp lệnh cấm nhập cảnh do Tổng thống Trump ban hành, giấy nhập cảnh do Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa Mỹ ban hành đã cho phép gần 1000 người tị nạn nhập cảnh vào nước này trong tuần trước.
Tổng chưởng lý của 16 bang tại Mỹ, bao gồm California, New York và Pennsylvania khẳng định trong một tuyên bố chung ngày 29.1 “sẽ dùng tất cả mọi công cụ trong quyền hạn để chống lại sắc lệnh vi hiến này”.
Bốn hãng công nghệ lớn nhất Mỹ là Google, Aple, Microsoft, Amazon vừa có văn thư cảnh báo nhân viên về sắc lệnh trên, cam kết cung cấp “sự tư vấn và trợ giúp pháp lý” cho những nhân viên có thể bị ảnh hưởng. Các công ty này. mà từ các CEO hàng đầu cho tới đội ngũ nhân viên đông đảo đang có rất nhiều người là dân nhập cư, nên đều chỉ trích sắc lệnh trên.
CEO Apple Tim Cook, nhà đồng sáng lập Google là ông Sergey Brin hay CEO của facebook Mark Zuckerberg đều lên tiếng.
CEO Starbucks Howard Schultz tuyên bố công ty ông sẽ có kế hoạch tuyển dụng 10.000 người tị nạn tại 75 quốc gia trong 5 năm, hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh trên.
Các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng trong ngày thứ 2 sau sắc lệnh của ông Trump ở các sân bay trên khắp nước Mỹ và cả ở trước Nhà Trắng, tòa nhà Trump Tower ở New York.
Hàng trăm luật sư Mỹ đổ về các sân bay trợ giúp miễn phí cho người nhập cư.
San Franciso, bang California thì nộp đơn kiện Tổng thống Donald Trump do Trump chỉ đạo chính quyền liên bang từ chối cấp tài chính cho các tiểu bang, thành phố bảo vệ người nhập cư không có giấy tờ khỏi việc bị trục xuất, được gọi là những "thành phố trú ẩn" ("sanctuary cities"). Họ nói thẳng rằng sắc lệnh đó là trái với Hiến pháp và trái với nước Mỹ.
Hơn 900 nhân viên ngoại giao Mỹ đã ký vào bản ghi nhớ phản đối lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Theo họ chính sách nhập cư mới này không chỉ không giữ cho nước Mỹ an toàn mà còn làm cho “kẻ thù” là bọn khủng bố có lý do để căm ghét và các nước trong khối Hồi giáo giận, không hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, trong khu vực và toàn cầu.
(Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council), thậm chí còn xếp chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những mối nguy với châu Âu!)
Chưa kể, đang có những lập luận cần phải đưa Trump ra tòa luận tội nữa kia.
Tất cả những điều đó nói lên cái gì?
Đó là sức mạnh của một xã hội dân chủ. Người Mỹ không ngồi yên khi nhìn thấy những giá trị lâu đời của nước Mỹ bị đe đọa. Họ xuống đường, họ lên tiếng, họ phản kháng, theo những gì mà lương tâm, lý trí, lòng yêu nước và yêu đồng loại mách bảo. Đối với họ, Tổng thống là do người dân bầu ra để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân và nếu Tổng Thống sai thì họ có quyền biểu tình, chỉ trích, thậm chí yêu cầu Quốc hội phế truất hoặc đưa ra tòa luận tội. Bởi vì họ, người dân Mỹ mới chính là chủ nhân của đất nước.
Còn người Việt Nam?
No comments:
Post a Comment