Thursday, February 9, 2017

Hoàng Kiều và "nền văn hoá bệnh hoạn"

Trần Nhật Phong (Danlambao) - Trong hơn 20 năm qua, Hoàng Kiều làm ăn ở Trung Quốc và Việt Nam nhiều hơn là ở Mỹ, người Việt có câu “sống ở đâu, quen văn hóa nơi đó” câu nói này quả thật không sai với trường hợp ông Hoàng Kiều. Dưới chế độ giáo dục của khối Cộng Sản, kể từ khi mở cửa ra thế giới bên ngoài, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, đều lâm vào tình trạng “văn hóa hỗn tạp”, do yếu kém về giáo dục, và kiểm soát báo chí không cho phép đăng những tin tức “nhạy cảm”, nền báo chí bị kiểm duyệt đã phải đi tìm “nguồn độc giả” bằng cách tạo ra những tai tiếng (scandal) của giới có tiền bạc hay giới showbiz để câu view, kiếm độc giả và thúc đẩy quảng cáo...

*

Nhân vụ lùm xùm của ông Hoàng Kiều với những lời tuyên bố vung vít, một số bạn trẻ từ Sài Gòn đã than phiền với tôi rằng “chú khen văn hóa của VNCH ngày xưa đẹp, lão Hoàng Kiều cũng xuất thân từ nền văn hóa đó, cháu thấy… ngứa mắt thì đúng hơn”.

Lời than phiền không phải không có lý, nhìn những gì ông Hoàng Kiều làm hiện nay, hoàn toàn không khác gì những cô gái muốn được nổi tiếng để kiếm tiền, trong khi bản thân ông ta là một người hái ra tiền nhiều và được gọi là “tỷ phú”.

Tôi không quen biết Hoàng Kiều, nhưng quen thân với Mai Lỹnh, em ruột Hoàng Kiều người vừa qua đời năm ngoái, Mai Lỹnh và Lưu Hồng Sơn (chồng cũ “Tuyết Ngựa” trung tâm Mưa Hồng) là 2 người đã từng vào Việt Nam rất sớm để làm ăn, định nhập xe hơi cũ từ Mỹ về Việt Nam ở thập niên 90, cuối cùng cả hai đều bị nhà sản tống vào tù hơn 10 năm.

Mai Lỹnh từng kể tôi nghe về Hoàng Kiều, từ lúc làm Janitor (người làm vệ sinh) trong ngân hàng máu khá nhỏ ở Hoa Kỳ, sau đó sang lại ngân hàng máu này để kinh doanh, rồi từ đó “phất” lên, Hoàng Kiều từ thập niên 90 đã bay đến Thượng Hải, nhập máu từ Trung Quốc, rồi cung cấp cho một số bệnh viện lớn ở Hoa kỳ, và nhờ vậy Hoàng Kiều đã trở thành “tỷ phú”. 

Suốt hơn 20 năm Hoàng Kiều làm ăn ở Trung Quốc, sau đó trong vài chuyến về Việt Nam, bị người quen, quan chức nhà sản chiêu dụ, thế là Hoàng Kiều đầu tư vài triệu bạc (hình như là 6 triệu USD), cuối cùng mất trắng, phải chạy về Mỹ và thề rằng sẽ không bao giờ đầu tư trong Việt Nam, chỉ về ăn chơi mà thôi, mặc dù Hoàng Kiều còn vài căn nhà trong Việt Nam vẫn chưa bị… cướp. 

Tóm lại, trong hơn 20 năm qua, Hoàng Kiều làm ăn ở Trung Quốc và Việt Nam nhiều hơn là ở Mỹ, người Việt có câu “sống ở đâu, quen văn hóa nơi đó” câu nói này quả thật không sai với trường hợp ông Hoàng Kiều. 

Dưới chế độ giáo dục của khối Cộng Sản, kể từ khi mở cửa ra thế giới bên ngoài, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, đều lâm vào tình trạng “văn hóa hỗn tạp”, do yếu kém về giáo dục, và kiểm soát báo chí không cho phép đăng những tin tức “nhạy cảm”, nền báo chí bị kiểm duyệt đã phải đi tìm “nguồn độc giả” bằng cách tạo ra những tai tiếng (scandal) của giới có tiền bạc hay giới showbiz để câu view, kiếm độc giả và thúc đẩy quảng cáo.

Do đó những con người sống dưới 2 thể chế này, kể từ khi được “mở bao tử”, thì chỉ biết làm thế nào để kiếm thật nhiều tiền, bất kể luật pháp, bất kể đạo đức xã hội, bất kể luân lý gia đình, miễn kiếm ra tiền, và từ đó, những trò “khôn vặt”, những “chiêu thức được nổi tiếng”, những “lừa bịp” xuất hiện đầy rẫy khắp nơi.

“Mưa lâu thấm đất”, hơn 20 năm qua, tôi tạm gọi những điều trên là nền “văn hóa bệnh hoạn” đã trở thành quen thuộc với 2 xứ sở này, những người sống trong xã hội như vậy họ xem những điều đó là bình thường, những chuyện vô đạo đức, những chuyện “trời ơi đất hỡi” được họ xem là... không có gì sai trái. 

Hoàng Kiều làm ăn trong xã hội như vậy nhiều năm, nên trong mắt của ông ta đó là chuyện bình thường, sử dụng một cô gái trẻ bằng tuổi cháu của mình, biến thành “người tình” rồi “chia tay”, cuối cùng thì dùng hình ảnh, sự kiện giữa ông ta và cô gái này, trong nỗ lực cố gắng tạo ra “hiệu ứng đám đông” để quảng bá cho những sản phẩm dược thảo của ông ta. 

Cách “chơi” của ông ta quả thật phù hợp với những xứ sở như Trung Quốc và Việt Nam, những nơi mà nền báo chí bị kiểm duyệt các “thông tin nhạy cảm” và “xả cảng” cho những các tai tiếng của giới có tiền bạc và showbiz. 

Đương nhiên, cách “chơi” của Hoàng Kiều không phải là điển hình của nền giáo dục nghiêm túc, mà chỉ là điển hình cho thứ “văn hóa bệnh hoạn” ở các xứ sở mà ông ta đã từng làm ăn lâu năm và bị ảnh hưởng. 

Đối với nhiều người trẻ trưởng thành trong môi trường như vậy, đôi khi Hoàng Kiều trở thành “thần tượng” trong mắt họ, và các mác “tỷ phú” của Hoàng Kiều lại càng khiến cho họ “đào sâu” nền “văn hóa bệnh hoạn” đó nhiều hơn nữa, ai chạm đến thì họ sẵn sàng sừng cổ “có làm được như Hoàng Kiều không mà… chém Gió”. 

Thật sự nếu các bạn trẻ nhìn ra bên ngoài, những “tỷ phú” của các nền văn minh tân tiến, cái họ làm và để lại là những giá trị lâu bền cho xã hội và cho tương lai của cộng đồng nhiều hơn, những tỷ phú lâu đời như Warren Buffet, cho đến những tỷ phú thời đại như Bill Gate, Mark Elliot Zuckerberg, Tim Cook, ngoại trừ tạo ra hàng trăm ngàn việc làm trên thế giới, họ luôn tìm kiếm những giá trị lâu dài cho nhân loại nhiều hơn là sử dụng những “chiêu thức” như Hoàng Kiều, ngay cả những “tỷ phú” trùm ma túy như “El Chapo”, kiếm tiền bằng những trò “bàng môn tả đạo”, nhưng còn biết xây trường học miễn phí, bệnh viện miễn phí cho người nghèo, những giá trị để lại của họ, dù làm ăn “chính đạo”, hay làm ăn theo “bàng môn tả đạo”, đều bắt nguồn từ nền giáo dục căn bản bình thường của các xã hội văn minh, không “lệch lạc” như nền” văn hóa bệnh hoạn” đã và đang dẫn dắt các xã hội như ở Việt Nam và Trung Quốc hiện nay. 

Hoàng Kiều, Phạm Nhật Vượng, Dr Thanh thậm chí là Cường “Dollar” chỉ là những kẻ làm giàu bằng “quan hệ” với quan chức, làm giàu bằng sự ‘khôn vặt” của con buôn, chứ không phải làm giàu bằng trái tim của một con người biết đóng góp cho các giá trị lâu bền của xã hội, do đó khi họ biến mất khỏi xã hội, cái họ nhận được chỉ là những thứ “danh tiếng” không tốt đẹp như “già dịch”, “khôn lỏi”, “điếm đàng”, “keo kiệt”, chứ không thể nào để lại được tiếng thơm cho đời. 

Thế nhé các bạn trẻ, vào đời kiếm ăn, hay lăn vào xã hội để sinh tồn, đôi khi có những nguyên tắc mang tính trừu tượng, nhưng lại là những “dấu ấn” mà các bạn để lại cho đời, những nguyên tắc này tuy không hề trói buộc các bạn cái gì, nhưng sẽ ghi nhận lại giá trị của các bạn để lại trong xã hội, và đó người ta gọi là “xã hội văn minh”, hoàn toàn khác biệt với “xã hội bệnh hoạn” mà các bạn đang phải sống một cách chật vật. Thân ái.

9.2.2017

No comments:

Post a Comment