Trung tâm dạy nghề huyện Cư Jút, nơi ông Lạc và ông Phát làm lãnh đạo. Ảnh: Báo Mới
Ở Việt Nam có 225,000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp và khoảng 63% sinh viên không có việc làm sau khi rời ghế nhà trường. Vậy nhưng, có rất nhiều cán bộ không học hành đàng hoàng, chỉ với tầm bằng giả vẫn có thể ngồi ở những vị trí mà nhiều người thèm muốn.
Tờ Tiền Phong cho biết, Phòng An ninh điều tra tỉnh Gia Lai phát hiện ra đường dây sản xuất bằng giả. Từ đó, công an phanh phui ra 3 cán bộ của tỉnh Đắk Nông sử dụng bằng giả để được thăng chức và tăng lương.
Điều đặc biệt là cả ba người này đều ở chung một huyện, trong đó có hai người làm chung cơ quan. Đó là ông: Cao Văn Lạc-Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Cư Jút; ông Hà Phước Phát, Tổ trưởng Hành chính Tổng hợp Trung tâm dạy nghề huyện Cư Jút và bà Trần Thị Hạnh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Cư Jút.
Ngay sau khi việc sử dụng bằng giả để thăng chức, tăng lương bị phát hiện, có hai người “khiển trách về mặt đảng và chính quyền”, còn một người không bị làm sao cả.
Hai người bị “khiển trách” là ông Cao Văn Lạc và Hà Phước Phát. Trong khi đó, bà Trần Thị Hạnh không hề mảy may sứt mẻ. Giải thích điều này, ông Lê Văn Mừng-phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cư Jút cho biết, hai ông Lạc và Phát bị kỷ luật là do sử dụng chứng chỉ “nghiệp vụ sư phạm giả. Còn bà Hạnh chỉ mới chụp hình, cung cấp tin tức cho ông Lạc để nhờ ông làm bằng giả. Sự việc chưa hoàn tất nên chưa thể bị coi là có tội. Do vậy, bà Hạnh không bị kỷ luật.
Phóng viên báo Tiền Phong liên lạc với ông Hà Phước Phát, ông này cho rằng mình là nạn nhân. Ông Phát cho biết, trước đây ông cùng ông Lạc, bà Hạnh cùng nộp hồ sơ đăng ký học Nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, cả 3 người này đều không học ngày nào.
Bỗng đến cuối năm 2015, ông Phát “bất ngờ” nhận được “Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm” có dấu đỏ do một trường Đại học ở tận Hà Nội cấp. Sau khi nhận được bằng cấp “từ trên trời rơi xuống”, ông Phát giấu kín trong tủ. Mãi đến khi công an Gia Lai phát hiện ra đường dây làm bằng giả, rồi phanh phui ra cả ba người nói trên, ông đem cái chứng chỉ giả ấy ra nộp cho công an chứ không hề biết nó “thật hay giả”.
Theo thống kê của tỉnh Dak Nông, từ năm 2015 đến nay phát hiện ra khoảng 20 trường hợp làm bằng giả để nộp cho cấp trên nhằm thăng chức, tăng lương. Vậy trên cả nước, con số này là bao nhiêu?
Hàng loạt câu hỏi tiếp tục được người dân đặt ra: những con người không có trình độ, kém đạo đức này sẽ đưa đất nước đi về đâu? Tại sao một đất nước Việt Nam không thiếu người đủ tài đức, mà vẫn phải cam chịu bị lãnh đạo bởi những kẻ bất tài, vô đạo đức trong gần nửa thế kỷ?
Ngọc Quân/SBTN
No comments:
Post a Comment