HÀ NỘI (NV) – Theo “đề xuất” của Bộ Y Tế CSVN trong dự án luật về máu gửi Bộ Tư Pháp của chế độ thẩm định tính cách pháp lý trong đó có “nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần.”
Tin này khi vừa loan tải đã khiến dư luận trong nước phẫn nộ vì họ không ngờ lại có một thứ “đề xuất” bất bình thường như thế. Khoảng 67% người được tờ VNExpress thăm dò dư luận chống lại cái đề xuất cưỡng bách người ta phải hiến máu mỗi năm một lần.
Theo tin tức của tờ Dân Trí, “Bộ Y tế CSVN ‘đề xuất’ 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu. Giải pháp 1, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu; Giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.”
Theo đề xuất vừa kể, “Việc hiến máu được thực hiện trên cơ sở cân nặng của người hiến máu: Người có cân nặng từ 42 kg đến dưới 45 kg được phép hiến không quá 250 ml máu toàn phần mỗi lần; người có cân nặng 45 kg trở lên được phép hiến máu toàn phần không quá 09 ml/kg cân nặng và không quá 500 ml mỗi lần.”
Tính ra, với dân số cả nước khoảng khoảng 90 triệu người, nếu áp dụng chính sách thứ nhất thì một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30.3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14.2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu).
Còn nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và “trong điều kiện lý tưởng” là có 18.2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2,000 tỷ đồng. Trong đó, “quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi thêm khoảng 524 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 1,250 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 217 tỷ đồng cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.”
Trên thế giới, không có quốc gia nào ra luật hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, kể cả Trung Quốc, mà chỉ có những lời kêu gọi sự tự nguyện trong cách chiến dịch vận động.
Trước sự phẫn nộ của dư luận trên các mạng xã hội và ngay cả trên một số báo chính thống, ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Pháp Chế, Bộ Y Tế Hà Nội “khẳng định trong dự thảo luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y Tế chưa đề cập gì đến đề xuất công dân bắt buộc hiến máu năm một lần mà vẫn trên cơ sở hiến máu tình nguyện,” theo tường thuật của VNExpress hôm 9 tháng 1, 2017.
Ông này nói thêm rằng, “Nếu bắt buộc hiến máu là liên quan đến quyền con người, không dễ gì bắt buộc được. Tham khảo luật pháp quốc tế thì cũng không có nước nào quy định hiến máu bắt buộc.”
Theo bản tin của VNExpress, “Việc hiến máu tình nguyện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh. Năm 2016 cả nước tiếp nhận gần 1.4 triệu đơn vị máu, 1.52% dân số hiến máu. Khi tỷ lệ 2% dân số hiến máu thì phong trào hiến máu đạt ngưỡng thỏa mãn nhu cầu điều trị của người dân.”
Nhiều năm trước, các bệnh viện tại Việt Nam thiếu máu trầm trọng cho các trường hợp cấp cứu và giải phẫu. Lượng máu có được phần lớn tùy thuộc vào một đội quân “bán máu” chuyên nghiệp. Những người nghèo, cùng khốn trong xã hội cần tiền để mua gạo đã đến các cơ sở hiến máu để bán. Người ta từng thấy có những ký sự về những “làng bán máu” ở dưới chân cầu Hồng Phú, phường Quang Trung, thị xã Phủ Lý (miền Bắc), hoặc xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh ở miền Nam.
Những năm trước đây, các bệnh viện truyền máu huyết học ở Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thường trực có một đoàn người túc trực để bán máu. Vì bị giới hạn số lần bán máu, họ đã phải di chuyển vòng quanh từ nơi này sang nơi khác và xuất hiện một nhóm người gọi là “cò máu.”
Bộ Y Tế CSVN từng đưa ra nhiều quy định được cho là quái đản, bị dư luận chỉ trích dữ dội buộc phải bỏ. Năm 2014, bộ này ra một nghị định cấm người “ngực lép” chạy xe hai bánh. Có người phản ứng trên mặt báo rằng “ngực lép thì tội tình gì mà bị cấm.”
Năm 2013 thì cấm người có bàn tay 6 ngón không được thi bằng lái xe dù điều này không hề ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe của người lái xe. (TN)
No comments:
Post a Comment