HÀ NỘI (NV) – Dự tính chỉ chọn 2,100 người sang Nam Hàn làm thuê, nhưng có đến hàng chục ngàn người từ Hà Nội, Nghệ An đến Sài Gòn tranh nhau dự thi, mong được một suất “đổi đời.”
Truyền thông Việt Nam loan tin, trong hai ngày 8 và 9 tháng 10, đồng loạt tại Hà Nội, Nghệ An và Sài Gòn, 21,600 người tham dự kỳ thi tiếng Hàn, do Trung Tâm Lao Ðộng Ngoài Nước, Bộ Lao Ðộng, cùng Cơ Quan Phát Triển Nguồn Lực Nam Hàn (HRD Korea) tổ chức, để chọn ra 2,100 người “đạt điểm đi Nam Hàn lao động.”
Theo báo Pháp Luật Sài Gòn, kỳ thi này được tái tổ chức sau 5 năm bị gián đoạn do phía Nam Hàn tạm ngưng tiếp nhận lao động người Việt Nam vì tình trạng bỏ trốn ở lại “vi phạm hợp đồng tăng cao.”
Mặc dù chi phí bình quân mỗi người bỏ ra để tham dự kỳ thi này khá lớn, từ tiền học tiếng Hàn, ăn, ở, đi lại bình quân khoảng 10 triệu đồng/người, chưa kể lệ phí thi 550,000 đồng/người, song số lượng người tham dự quá đông.
Nhiều người cho biết, họ mong muốn có cơ hội đến “thị trường lao động ngàn đô” (thu nhập bình quân $1,000/tháng) trong ngành công nghiệp của Nam Hàn.
Nhiều thí sinh đến trường thi rất sớm, trò chuyện cùng nhau cho bớt căng thẳng. Nếu vượt qua kỳ thi tiếng Hàn, kết quả thi và hồ sơ của họ sẽ được lưu trong 2 năm tại hệ thống của ban tổ chức để chủ sử dụng lao động có thể lựa chọn.
Với tỷ lệ 1 chọi 10, kỳ thi tuyển chọn lao động đi Nam Hàn lần này gay gắt không kém thi đại học. Nhiều người không kiên nhẫn chờ, trèo ngược rào để xem bảng danh sách, sơ đồ phòng thi, mặc dù có sự can thiệp của lực lượng thanh niên, an ninh kiểm tra.
Theo báo Tuổi Trẻ, sau kỳ thi này, Bộ Lao Ðộng sẽ tổ chức tiếp kỳ thi dành cho ngư dân “có nguyện vọng đi làm việc tại Nam Hàn theo chương trình EPS” vào tháng 11 tới. Dự kiến chỉ tiêu tuyển chọn 1,300 người.
Bà Hoàng Thị Oanh, phó giám đốc Trung Tâm Trung Tâm Ðào Tạo Lao Ðộng Xuất Khẩu tỉnh Vĩnh Phúc nhận xét, việc người dân đổ xô đi thi như thế này sẽ gây nhiều hệ lụy. Ngoài chi phí để tham dự kỳ thi, người dự thi còn phải chuốc thêm lo lắng, mất thời gian chờ đợi vì khi trúng tuyển, danh sách sẽ được cập nhật để các doanh nghiệp Nam Hàn lựa chọn. Do vậy, cơ quan quản lý nên có khuyến cáo, định lượng con số hợp lý, tránh để người dân định hướng sai vì mặc định sang Nam Hàn sẽ được đổi đời. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment