Chính quyền sinh ra từ cướp đoạt và bạo lực
Chuyện nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chiếm cướp đất đai, tài sản là chuyện trở thành cơm bữa và là "thói quen" ở Việt Nam từ khi đảng Cộng sản cướp chính quyền.
Không chỉ là giai đoạn gần đây, mà ngay từ khi mới cướp được chính quyền, điều đó đã trở thành bản chất hành xử của một nhà nước được xây dựng trên họng súng.
Bắt đầu bằng cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) "long trời, lở đất" vì sự tàn bạo và bạo ngược đến mức cùng cực. Cuộc CCRĐ bắt đầu từ những năm tháng non trẻ từ khi cướp được chính quyền Tháng 8/1945, đã bước đầu phá bỏ tận căn những mối quan hệ sản xuất cũng như nếp văn hóa truyền thống tốt đẹp sống bằng tình yêu thương và trách nhiệm xã hội có từ ngàn đời người dân Việt Nam xây đắp.
Kể từ đó, bằng nhiều cách với những hình thức khác nhau, những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam từng bước tiến hành những cuộc cưỡng bức, cướp bóc tài sản người dân bằng mọi hình thức dưới sự lãnh đạo của họ.
Những cuộc "cải cách", "cải tạo công thương nghiệp" ở miền Bắc, rồi "đánh tư sản mại bản" ở miền Nam sau này, đều theo một chủ trương nhất quán và không khoan nhượng đối với tài sản, vật chất của cải của người dân.
Đối tượng của những vụ cướp bóc, bắt đầu từ ruộng đất của "giai cấp phong kiến bóc lột" - theo ngôn ngữ và cách gọi của Đảng Cộng sản, ruộng đất bị cướp đoạt về tay người cày, rồi dần dần chui vào miệng túi của nhà nước bằng các phong trào Hợp tác xã nông nghiệp. Tiếp theo là các nhà tư bản trong nước dần dần bị tiêu diệt nhằm xóa bỏ tàn dư của "kinh tế tư bản chủ nghĩa". Sau ngày chế độ Việt Nam Cộng hòa bị sụp đổ, Đảng CSVN tiến hành cuộc cướp đoạt tại miền Nam bằng chiến dịch "Đánh tư sản" sau những năm 1975.
Tất cả đều được tiến hành với những mỹ từ "tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng" là: Cách mạng về quan hệ sản xuất, Cách mạng về khoa học kỹ thuật và Cách mạng về tư tưởng văn hóa.
Sau gần nửa thế kỷ tiến hành "Cách mạng" với nhiều "thắng lợi rực rỡ", có lẽ điều mà nhà cầm quyền CSVN đạt được rõ ràng nhất, thắng lợi nhất là đưa đất nước từ chỗ "rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu" thành một đất nước tiêu điều và trơ trọi, tài nguyên khoáng sản bị khai thác theo kiểu tận diệt, bán lỗ để ăn. Cuộc cách mạng đó cũng thành công ở chỗ biến một xã hội có truyền thống yêu nước, xây dựng xã hội chung thành một xã hội vô cảm, khiếp nhược trước kẻ thù, đạo đức suy đồi đến tận cùng.
Kết quả là nền kinh tế kiệt quệ, đất nước tan hoang, hàng triệu người dân chịu hậu quả của chính sách "vĩ đại" này, đất nước ngập chìm trong nợ nần và tụt hậu. Hệ thống đạo đức xã hội bị xóa bỏ tận căn.
Tình trạng đất nước hiện nay có thể tổng kết được bằng những ngôn từ ai oán: Trong ngoài lục đục, trên dưới không yên, thiên hạ bất đồng, nhân tâm ly tán.
Và điều hiển nhiên là với thế đứng như vậy, nạn ngoại xâm đã sừng sững trước mắt, cơ đồ đất nước bị đe dọa nghiêm trọng, lãnh thổ Tổ Quốc đã và đang tiếp tục bị xâm lăng. Khốn nạn thay, những kẻ cầm quyền đã biểu lộ sự hèn hạ khiếp nhược ra mặt trước kẻ thù xâm lăng.
Trong khi đó, hệ thống cầm quyền ngày càng vĩ đại về số lượng và mạt rệp về phẩm chất cũng như hiệu quả. Phe nhóm lãnh đạo chỉ lo trấn lột, chiếm cướp của dân tộc, của nhân dân làm của riêng mình.
Những hành động của nhà cầm quyền CSVN thời gian qua, đã chứng tỏ điều người dân Việt đúc kết dành cho họ: Hèn với giặc, hung hãn với dân.
Để thực hiện thành công những "công trình vĩ đại" đó, không thể nói đến việc thi hành chính sách tiêu diệt tôn giáo ở Việt Nam.
Cuộc "cách mạng xóa bỏ tôn giáo"
Về tôn giáo, đây là một đối tượng không khoan nhượng của Đảng Cộng sản xuyên suốt trong quá trình "cách mạng" bởi nó chịu tác động trực tiếp và sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lenin vô thần. Đó là đối tượng trực tiếp trong "Cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa".
Nếu như cuộc "Cách mạng về quan hệ sản xuất" được tiến hành bằng những phong trào cướp đoạt tập thể, cướp đoạt tinh vi và cướp đoạt có vũ trang, thì cuộc "Cách mạng văn hóa và tư tưởng" được tiến hành bằng nhiều biện pháp khắc nghiệt, từ trắng trợn đến tinh vi.
Đây là cuộc "cách mạng" mang đẫm tính cách rừng rú và cưỡng bức, dối trá bởi bên ngoài, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên, nhà cầm quyền CSVN tuyên bố "Người dân được tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng", những tài sản của các tôn giáo được nhà nước bảo hộ.
Trên thực tế, các tôn giáo ngay từ những ngày đầu bị đánh phá tơi bời nhằm xóa trắng phần tâm linh của người dân, chỉ mục đích là biến họ thành đàn cừu ngoan ngoãn đi theo Đảng mà tụng niệm cái gọi là "Chủ nghĩa Mác - Lenin" lấy bạo lực làm đầu.
Nhiều đền chùa, miếu mạo... của người dân bị đập phá bằng mọi cách. Nhiều nơi như vùng Nghệ Tĩnh, hệ thống chùa chiền bị phá hoại bằng sạch.
Song song với chiến dịch phá bỏ đền chùa, tiêu diệt Phật giáo thì nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện một chính sách khá tinh vi và tàn bạo đối với người công giáo Việt Nam. Bởi Giáo hội Công giáo Việt Nam, đến thời kỳ Cộng sản nắm quyền, đã trải qua nhiều biến cố lịch sử đau thương, bị bách hại hết sức điêu linh dưới thời phong kiến. Do vậy sức phản kháng và tính tổ chức của Giáo hội Công giáo rất chặt chẽ vào khá mạnh mẽ.
Tuy nhiên, dù mạnh mẽ đến đâu, thì dưới họng súng của người Cộng sản, hàng loạt nhà thờ vẫn bị phá hoại, đất đai bị chiếm cướp trắng trợn. Các tu viện, chủng viện đào tạo các chức sắc tôn giáo bị đóng cửa.
Điều rất hài hước là qua một quá trình mấy chục năm nhà nước luôn kêu gào "bảo hộ quyền tự do tôn giáo cũng như tài sản hợp pháp của tôn giáo" thì cho đến hiện nay, những thập niên đầu của thế kỷ 21, giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn còn bị cướp chiếm, mượn không trả, chia chác... 2.500 cơ sở tôn giáo của mình.
Dòng Thánh Phaolo Hà Nội là một trong các trường hợp đó.
Dòng Thánh Phaolo Hà Nội trong cuộc cưỡng bức
Dòng Thánh Phao Lô thành Chatres tại có mặt tại Việt Nam từ năm 1860. Riêng tại Hà Nội, năm 1883 đã có cộng đòan đầu tiên của Dòng Thánh Phaolo Hà Nội. Như vậy là cho đến nay, Dòng Thánh Phaolo Hà Nội đã có 133 năm có mặt xây dựng và trưởng thành ở đây, gấp đôi số tuổi của nhà nước Cộng sản tại Việt Nam tại miền Bắc và gấp ba lần chế độ Cộng sản trong cả nước.
Cơ sở của Dòng Thánh Phaolo Hà Nội đã được bỏ tiền ra mua từ những năm 1883 là rất rộng lớn nhằm phục vụ người dân. Cơ sở Dòng được xác định bởi 3 mặt đường: Rollaandes, Jaureguiberry, Carreau. Ngày này tương ứng là Đường Hai Bà Trưng, Quang Trung và Lý Thường Kiệt.
Tài sản và đất đai của Dòng Thánh Phaolo Hà Nội được cấp bằng khoán điền thổ số 494, tờ 94, cuốn số 3, tại Hồ sơ Điền thổ Hà Nội - Đồng Khánh ngày 23/9/1949.
Thế rồi những người Cộng sản cướp được chính quyền và tiến hành "bảo hộ" tài sản của tôn giáo theo cách của họ.
Ngay sau khi về đến Hà Nội tháng 10/1954, chỉ hơn hai tháng sau, ngày 31/12/1954 chính phủ Hồ Chí Minh đã tiến hành cho Viện Vi trùng học Việt Nam đến thuê một ngôi nhà của Dòng có trả tiền trong thời hạn 2 năm.
Văn bản ký kết giữa hai bên với giấy trắng, mực đen hẳn hoi và đóng dấu cẩn thận bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp.
Kể từ đây, con sói đã bắt đầu gửi được một chân vào nhà dòng.
Hết thời hạn 2 năm, Viện Vi trùng học Việt Nam không cần thêm ý kiến nào mà cứ vậy sử dụng mà cũng chẳng trả tiền thuê nhà.
Thế rồi con cáo vào chiếm cả cái hang cách ngang nhiên. Hẳn nhiên đằng sau nó là cả hệ thống chính trị, chính quyền với chủ trương không khoan nhượng với tôn giáo.
Với nhóm nữ tu bé nhỏ, việc một nhà nước đầy súng đạn đến dọa nạt là chuyện vô cùng hệ trọng và sợ hãi. Họ đã kêu cứu nhiều năm theo đúng "quy định của pháp luật". Nhưng hỡi ôi, cái gọi là luật pháp chỉ dành cho giai cấp thống trị chuyên cướp đoạt này thì việc kêu cứu của họ chỉ là tiếng cuốc gọi hè như hàng vạn tiếng kêu khác trên đất nước này.
Và các nữ tu bắt đầu một chương dài sống trong đe dọa, tủi nhục và luôn là miếng mồi của nhà cầm quyền cộng sản đối với số đất đai, tài sản mà họ đã và đang là chủ sở hữu.
(Còn nữa)
Hà Nội, ngày 25/7/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment