Friday, July 22, 2016

Tranh giả đã được… trả về cho chủ

Sáng ngày 22-7, vợ chồng nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã đến Bảo tàng Mỹ thuật tại Sài Gòn, số 97A Phó Đức Chính để nhận lại toàn bộ 17 bức tranh sau 10 ngày được triển lãm ở đây, mà không gặp bất cứ trở ngại gì từ phía bảo tàng, cũng như các cơ quan chức năng khác.


Vợ chồng ông Vũ Xuân Chung thu dọn tranh sáng 22-7 (ảnh: T.Vũ)
Hôm 19-7, một hội đồng chuyên môn kết luận 17 bức tranh trong bộ sưu tập “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” của ông Vũ Xuân Chung, đều là tranh giả và mạo danh tác giả. Tuy nhiên, 17 bức tranh được vợ chồng ông Vũ Xuân Chung mang ra một chiếc xe tải rồi sau đó rời khỏi bảo tàng bị ngăn cản. Và cũng như mọi lần khác, ông Chung từ chối trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên đang có mặt tại đây.
Ông Vũ Xuân Chung là chủ một cửa hàng đồ cổ ở Lê Công Kiều, quận 1, một người được đánh giá có 'số má' (từ lóng của dân Sài Gòn khi đánh giá về ai đó là một chuyên gia) trong giới sưu tập đồ cổ chuyên về đồ đá.
Giới chuyên môn về mỹ thuật ở Sài Gòn đã trả lời với báo chí rằng đây là một vụ việc có quá nhiều nghi vấn. Thứ nhất, với hiện trạng bộ tranh mà các hoạ sĩ và nhà nghiên cứu mới chỉ nhìn qua là đã biết tranh giả, thì không thể nào dễ dàng lọt qua mắt các nhà chuyên môn của Bảo tàng Mỹ thuật tại Sài Gòn để nghiễm nhiên treo triển lãm?
Thứ hai, người có chuyên môn mỹ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật tại Sài Gòn là phó giám đốc Nguyễn Thanh Bình thời điểm diễn ra triển lãm lại đang ở nước ngoài. Người ở nhà không có chuyên môn mỹ thuật. “Tôi nghĩ có thể họ đã cố tình chọn kẽ hỡ là thời điểm đó để tổ chức triển lãm”, họa sĩ Lê Thiết Cương, nói.
Vẫn theo họa sĩ Lê Thiết Cương, không thể nào thuê những sinh viên mỹ thuật ở Paris vẽ lại những bức tranh này được, vì đây hoàn toàn là tranh Việt Nam: “…Dứt khoát là có một đường dây chép tranh tại Việt Nam rồi tuồn qua châu Âu. Sau đó lợi dụng tên tuổi chuyên gia cao cấp về tranh mà ở đây là Hubert để đi tiếp một đường vòng trở về Việt Nam. Qua vụ này, tôi nghĩ nếu không làm mạnh tay thì sẽ còn nhiều nhóm 'lừa' như vậy nữa…”.
Họa sĩ Đào Hải Phong chỉ trích khá nặng nề, rằng khi một dân tộc, một đất nước mà văn hóa cũng có sự giả dối là rất nguy hiểm. Những tệ nạn giả văn hóa đi lừa công chúng là dấu hiệu con người Việt Nam không còn coi trọng văn hóa, đạo đức nữa.
Họa sĩ Đào Hải Phong còn nhận xét rằng người giàu dưới chế độ CSVN thì đa số văn hóa không song hành với túi tiền. Tranh mà họ mua sẽ không dành cho số đông có trình độ thưởng ngoạn.
07/22/2016 - 08:05
Vũ Minh Ngọc / SBTN

No comments:

Post a Comment