Theo BBC-8 tháng 4 2016
Thái Lan bắt giữ thêm 5 tàu cá và 37 ngư dân Việt Nam ‘đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này’ trong lúc lực lượng tuần tra Quảng Bình xua đuổi 6 tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong cuộc họp báo tại Bangkok hôm 7/4, Chuẩn đô đốc Watson Booneung, phó tư lệnh Vùng I Hải quân Hoàng gia Thái Lan, Hải quân Thái Lan, cho hay: “Từ ngày 3 đến 7/4, Hải quân vùng I Thái Lan đã bắt giữ tổng cộng 11 tàu cá cùng 102 ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép”.
Các tàu cá Việt Nam đã bị Hải quân Thái Lan dẫn giải về quân cảng Sattahip trong khi các ngư dân được đưa về cảng bằng tàu chiến.
Các ngư dân ở tỉnh Cà Mau, xuất bến hôm 27/3 và bị bắt sáng 5/4 khi đi vào lãnh hải Thái Lan để đánh mực.
Họ bị đưa về tạm giam của Vùng I Hải quân Thái Lan chờ được đưa ra xét xử.
Cùng thời điểm, 18 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ được Đại sứ quán Việt Nam tại nước này hoàn thành thủ tục xuất cảnh và đưa về nước, Thông tấn xã Việt Nam hôm 8/4 cho hay.
Các ngư dân được trao trả đợt này thuộc các tỉnh Bình Thuận, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Hà Tĩnh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Họ làm việc trên ba tàu cá bị bắt từ tháng 2/2016 trên vùng biển Natuna, Indonesia.
“Thuyền trưởng và máy trưởng của những tàu này sẽ bị đưa ra xét xử và có thể phải chịu án tù từ 6 tháng đến 4 năm”, Thông tấn xã Việt Nam viết.
Báo trong nước dẫn lời Đại sứ Hoàng Anh Tuấn “nhắc nhở ngư dân Việt Nam không tái phạm việc đánh bắt cá trên vùng biển của Indonesia”.
Ông cũng bày tỏ lo lắng về con số ngư dân bị bắt tại Indonesia vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Tại Indonesia hiện còn khoảng hơn 100 ngư dân Việt Nam chưa được trao trả.
Từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 9 đợt ngư dân Việt Nam được Indonesia trao trả với tổng số gần 80 người.
'Xem thường'
Trong một diễn biến khác, hôm 8/4, lực lượng tuần tra Hải đội 2 Bộ đội biên phòng Quảng Bình vừa xua đuổi sáu tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam.
“Sáu tàu cá Trung Quốc đã vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, chỉ cách cửa sông Nhật Lệ, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình khoảng 19 hải lý về phía Đông và cách cửa sông Gianh, huyện Quảng Trạch khoảng 24 hải lý về phía đông đông nam”, báo Tuổi Trẻ tường thuật.
“Một cán bộ Bộ đội biên phòng Quảng Bình cho biết lâu nay ngư dân Trung Quốc vẫn xem thường lực lượng chức năng Việt Nam vì cho rằng nếu vi phạm, phía Việt Nam cũng không bắt giữ, không xử phạt nặng và không tịch thu tàu cũng như ngư cụ của họ như phía Trung Quốc đã làm với tàu Việt Nam”, báo này viết.
Hôm 8/4, hãng AP cho hay, lực lượng biên phòng Việt Nam đã xua đuổi hơn 100 tàu thuyền Trung Quốc trong khoảng thời gian hai tuần, và bắt giữ một tàu Trung Quốc chở 100.000 lít dầu diesel để bán cho các tàu cá trong khu vực.
AP tường thuật trường hợp của ngư dân Trần Lân, thuộc gia đình năm thế hệ theo nghề đánh cá tại Biển Đông, đã phải thay đổi ngư trường những năm đầu thập niên 2000 khi tàu cá của họ bị cảnh sát biển Trung Quốc đe dọa và như đâm bốn lần gần quần đảo Hoàng Sa.
Họ chuyển đến ngư trường Vịnh Bắc Bộ ít nguồn cá hơn nhưng vẫn ‘đánh bắt trong sợ hãi vì liên tục bị người Trung Quốc tấn công’.
"Chúng tôi trang bị GPS để xác định vị trí tàu Trung Quốc và lập tức tránh xa họ", ông Lân nói. "Nhưng vấn đề là tàu của họ lớn hơn và chắc chắn chạy nhanh hơn tàu cá của chúng tôi."
Tàu của họ là một trong 1.000 tàu đang neo ở cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng.
Việt Nam đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc tấn công ngư dân đang đánh bắt tại ‘ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa từ nhiều thế hệ’.
Ông Lân cho biết, gia đình ông kiếm được khoảng 27.000 đôla/năm nhờ nghề đánh bắt mực tại Biển Đông.
No comments:
Post a Comment