Friday, April 8, 2016

Vì sao nghị sĩ Việt nổi giận với Quốc hội?

Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Việt Nam khóa XIII đã chứng kiến một hiện tượng mà có thể phần nào đó lặp lại bầu không khí khá phẫn nộ vào cuối năm 2011 khi tàu Trung cộng ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam: những nghị sĩ như luật sư Trương Trọng Nghĩa (Sài Gòn) và Lê Văn Lai (Quảng Nam) phản đứng dậy lên tiếng về “Nỏ thần chớ để sa tay giặc. Mất cả đất liền, cả biển sâu”.

                                             Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Hình Internet

Ông Trương Trọng Nghĩa kêu gọi phải xác định cho đúng khái niệm ta – bạn – thù: “Xác định không đúng ta – bạn – thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù bớt bạn, coi bạn là thù và coi thù là bạn, thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường khối đại đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết”.

Còn ông Lê Văn Lai nói những báo cáo xưa nay cho rằng ‘Việt Nam đảm bảo chủ quyền’ đã khiến ông ‘ngạc nhiên’: “Đánh giá thì đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia, trong khi đó người ta lấn từ đảo ngầm sang đảo nổi, người ta xây sân bay, người ta kéo pháo hạm, người ta đưa máy bay tiêm kích, người ta o ép dân, cướp bóc, thậm chí là giết chóc. Người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm đến chủ quyền như là nhận dạng hàng không, dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay quốc tế truyền thống, được quốc tế thừa nhận của Việt Nam. Tôi cố gắng ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá là chúng ta đảm bảo chủ quyền quốc gia, nhưng nói thật với các đại biểu, tôi ép không nổi! Những hành vi đó không thể có từ nào khác hơn là xâm hại nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia.”

Trong thực tế, số phận ngư dân và chủ quyền lãnh thổ còn bị Quốc hội hầu như bỏ mặc suốt nhiều năm qua. “Dấu ấn” ghê gớm nhất của Quốc hội khóa cũ là vẫn không thốt nổi một nghị quyết nào về Biển Đông từ giữa năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, cho đến giờ phút này.

Có dư luận cho rằng vài người như luật sư Trương Trọng Nghĩa do sắp mãn nhiệm vai trò đại biểu quốc hội nên mới có can đảm nói ra những điều gan ruột trên.

Nhưng những người gần gũi với ông Nghĩa lại hiểu rằng là một nghị sĩ đã từng tham gia biểu tình chống Trung cộng trên đường phố, ông Nghĩa đã nói thật lòng mình như một cách phản ứng nổi giận với một quốc hội hầu như câm nín trước hầu hết những nguy hiểm đe dọa chủ quyền lãnh thổ và sinh mạng nhân dân.

Thế nhưng phản ứng của gần 500 mái đầu ngoan ngoãn trong hội trường quốc hội trước bài phát biểu hùng hồn của ông Nghĩa lại là không một tiếng vỗ tay hưởng ứng.

Tất cả vẫn im lặng. Im lặng trong tâm thế bất lực và tủi hổ vô cùng tận.

Ngược lại vào cuối năm ngoái, khi Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đến Việt Nam và được Quốc hội Việt Nam dành cho vị trí thuyết giảng ngay trong hội trường quốc hội, tiếng vỗ tay đã rào rào nổi lên. Cát tát ngay sau đó là Tập Cận Bình đã thẳng thừng tuyên bố “Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc” tại một trường đại học Singapore.

Một quốc hội khóa cũ với quá nhiều thất vọng và cay đắng!

Tháng 4 năm 2016. giàn khoan HD 981 lại thập thò gây hấn ở Biển Đông. Nếu quốc hội khóa mới không tự thân thay đổi và cũng không có một chút “dấn thân” để bảo vệ chủ quyền dân tộc, đó sẽ là quốc hội tự đào mồ chôn mình.

Lê Dung/(SBTN)

No comments:

Post a Comment