Câu chuyện “đồng chí X” bị loại bỏ khá sớm đã gây ra không khí hẫng hụt nơi giới quan sát và bình luận độc lập. Sau sự loại bỏ này, chính trường Việt Nam lại rơi vào lối mòn bầu bán một chiều buồn chán mà nói theo thuật ngữ của Tổng bí thư Trọng là “rất tập trung”.
Tuy nhiên, vẫn đọng lại những câu hỏi chưa được giải đáp, dù phe đảng cuối cùng đã giải quyết được “phương trình Nguyễn Tấn Dũng”.
Tại sao ông Dũng lại “buông súng đầu hàng” một cách dễ dàng như thế, trong khi trước đó nhiều dư luận vẫn đánh giá rằng lực lượng của ông còn đủ mạnh, thậm chí những cuộc thăm dò ý kiến trên các đài VOA và RFA vẫn cho thấy Nguyễn Tấn Dũng là nhân vật nhận đến gần 70% số ý kiến về chiếm lĩnh vị trí tổng bí thư, ngược chiều với Nguyễn Phú Trọng chỉ khoảng 15%?
Liệu đã xảy ra một thỏa hiệp bí mật giữa nhóm Trọng – Sang – Rứa với nhóm Dũng để Nguyễn Tấn Dũng rút lui trong tư thế “hạ cánh an toàn”?
Sau Hội nghị trung ương 14 vào tháng 12/2015, đã xuất hiện một luồng dư luận về khả năng hai phe “bắt tay” nhau theo phương châm “bất hồi tố”. Nhưng cho dù khả năng này là có thực, rất có thể mức độ thỏa hiệp chỉ dừng ở những lời hứa hẹn chung chung của phe đảng đối với ông Dũng chứ không mang tính cam kết cụ thể, và càng không thể có một cam kết theo kiểu bút tích văn bản. Lý do đơn giản là trong cơ chế tập thể đảng chưa từng có truyền thống thỏa hiệp mang tính cá nhân như thế.
Hơn nữa, Nguyễn Tấn Dũng liệu có chịu nghe lời hứa hẹn của ai đó trong khi ngay cả Nguyễn Phú Trọng cũng chưa thể chắc chân tái nhiệm tổng bí thư?
Còn nếu đã không diễn ra một sự thỏa hiệp “bất hồi tố”, chỉ có thể diễn giải việc Nguyễn Tấn Dũng phải tự nguyện rút lui là do sức ép đủ lớn của phe đảng. Bằng chứng rõ nét nhất chính là bức thư dài đến 9 trang đánh máy lan truyền trên mạng xã hội, được cho là của Thủ tướng Dũng gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban bí thư, giải trình về 12 điểm mà ông Dũng bị khiếu nại. Lời lẽ trong bức thư này rất nhũn nhặn, nhũn nhặn và tuân phục ý thức tổ chức kỷ luật đến không ngờ, khác hẳn phong cách kiêu ngạo của ông Dũng trước đó.
Cũng cần lưu ý một chi tiết: vào tháng 9/2015, tức trước khi Hội nghị trung ương 13 diễn ra, một nguồn tin khả tín cho biết phe đảng muốn và có khả năng loại Thủ tướng Dũng không chỉ khỏi Bộ chính trị mà cả Ban chấp hành trung ương.
Trong thực tế, quyền lực và thực lực của phe Thủ tướng Dũng bắt đầu sút giảm sau Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015, khi bắt đầu chiến dịch “luân chuyển cán bộ” của Ban tổ chức trung ương. Thực lực này tiếp tục suy giảm tại Hội nghị 13 và suy giảm mạnh sau Hội nghị 14.
Ngay cả một bộ phận trong Bộ công an, được cho là chịu sự chi phối chặt chẽ của ông Dũng, dường như cũng trở nên “lửng lơ”. Ngược lại, bên cạnh Tổng bí thư Trọng là cả bộ trưởng công an lẫn các nhân vật lãnh đạo Bộ quốc phòng.
Do vậy khả năng lớn hơn là ông Dũng đã phải thúc thủ - “về” hoặc bị kỷ luật - trước một tập thể phe đảng chứ không phải bằng cam kết “bất hồi tố” của một cá nhân nào.
Câu hỏi còn lại là tại sao hai nhân vật khác trong “tứ trụ” là Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng, đặc biệt là Sang, lại dễ dàng từ bỏ tham vọng chạy đua vào chức tổng bí thư, để cùng với Nguyễn Tấn Dũng “về vườn”?
01/26/2016 - 23:35
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment