Một lao động ngụ cư sống trong một túp lều nát bên cạnh bờ sông Hồng hay một ông chủ doanh nghiệp cỡ bự có thể có một giao điểm số phận: họ phải đi đút lót để được làm tiếp công việc của mình.
Những số muôn năm cũ...
Cách đây đúng một năm, Ngân hàng Thế giới đưa ra một con số đáng sợ: mỗi năm, có từ 20 đến 40 tỷ USD bốc hơi vì đút lót, hối lộ.
Một năm qua đi, câu hỏi đặt ra là con số ấy trong năm qua có giảm đi không hay tăng lên? Câu trả lời có thể đến rất nhanh: không trả lời được.
Hãy lướt qua một báo cáo cũ khác của Ngân hàng Thế giới về minh bạch tại Việt Nam, được đưa ra năm 2013, đánh giá về các thông tin ngân sách được công khai.
Trong báo cáo này, ta có thể nhìn thấy nguyên nhân tiền bốc hơi ở số lượng lớn như vậy. Khi được hỏi về khả năng tiếp cận thông tin ngân sách cấp tỉnh, thì suốt một thập kỷ qua, năm nào hỏi khối tư nhân, cũng có tối thiểu 60% trả lời là “không thể tiếp cận được”. Hoặc khi được hỏi về chất lượng thông tin trên báo chí, có đến 88%... các nhà báo được hỏi cho rằng thông tin về doanh nghiệp nhà nước cần được cải thiện, v..v..
Xóm ngụ cư ven sông này tồn tại nhờ một sự "thỏa thuận", theo lời kể của người dân. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường.
|
Thông tin về ngân sách, về hoạt động của doạnh nghiệp nhà nước (thành phần kinh tế chủ đạo) không thể được tiếp cận bởi đại chúng. Trong khi đó, với mỗi đồng làm ra “phải mất 0,72 đến 1 đồng” để đút lót (TS.Lê Đăng Doanh). Trong khi đó, theo một khảo sát của Phòng thương mại & công nghiệp Việt Nam năm ngoái, thì có đến 65% doanh nghiệp được hỏi khẳng định họ phải đút lót để tồn tại.
Nếu cứ điểm lại những con số cũ và nhìn vào những thay đổi ở tầm chính sách đã được tạo ra trong năm qua, thì không có nhiều hy vọng về thay đổi.
Không đút lót thì... bị thả trôi sông
Hãy tạm rời xa những con số vĩ mô “muôn năm cũ” để đến với một câu chuyện cụ thể, một xóm ngụ cư bên bờ sông Hồng nằm ngay gần trung tâm của một thành phố phía Bắc.
Những người này sinh ra ở một xã vùng trũng ở bên bờ sông Hồng – những cánh đồng mỗi năm có 6 tháng bị nhấn chìm trong nước sông trắng xóa mênh mông. Những năm xa xưa, một vụ lúa mỗi năm có thể nuôi sống được con người. Nay, cả làng đi tha phương.
Từ mười mấy hai mươi năm trước, những người làng bắt đầu leo lên những con thuyền, xuôi theo dòng sông Hồng đi bán gốm rong.
Xóm ngụ cư ven sông này tồn tại nhờ một sự "thỏa thuận", theo lời kể của người dân. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường. |
Ban đầu, những con thuyền lênh đênh, dừng ở bến sông nào cũng là nhà, đem gốm lên các làng ven sông đổi lấy gạo, lấy củi hoặc may mắn thì bán được tiền. Nhưng giờ thì không ai buôn bán kiểu đó được nữa. Họ phải dừng lại, những con thuyền neo ở một góc khuất của thành phố, bên bờ sông. Họ lập thành một xóm ngụ cư. Hàng ngày, từ xóm này, những chiếc xe thồ gốm bắt đầu tản đi khắp thành phố, bán hàng rong hoặc đến các chợ.
Xóm ấy đã lập nhiều năm, một số vẫn sống trên thuyền, một số đã lên bờ, thuê đất nông nghiệp của người dân ngay đó dựng lên những túp lều. Họ sống tha hương như thế đã đến thế hệ thứ 3, đi vào xóm bây giờ đã nghe thấy tiếng khóc trẻ con.
Tất nhiên, những gia đình này, những con thuyền này, ở lại bên bờ sông ấy không tuân thủ một quy định pháp lý nào. Nói chính xác là cư trú bất hợp pháp.
Chính quyền địa phương giải quyết vấn đề này như thế nào? Người trong xóm kể, mỗi năm, mỗi gia đình đóng một khoản tiền gọi là “tiền đi du lịch” (!) cho các cán bộ chịu trách nhiệm quản lý cư trú trên địa bàn phường. Một khoản tiền chấp nhận được, và họ được lờ đi để sống tiếp ở đó.
Hãy giả thiết rằng lời kể của người dân là thật. Hãy tạm coi những người bán gốm rong này là đại diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hãy phân tích mâu thuẫn giữa họ và chính quyền.
Bản thân những người này cũng sai. Nhưng trong một môi trường rộng, bao gồm cả điều kiện kinh tế xã hội của cả đất nước, của nơi họ đã ra đi, của cơ hội việc làm,... họ đã chọn con đường này và không còn cách nào ngoài đi tiếp nó. Tuy nhiên, điều này không thể phủ nhận được việc họ quần tụ ở bờ sông ấy thành một “tổ dân phố” không giấy tờ, không thừa nhận là điều vi phạm luật.
Cái sự vi phạm kiểu này quen thuộc ở khắp nơi trên cả nước, ở mọi ngõ chợ, vỉa hè, những hộ kinh doanh cá thể hay như một ẩn dụ, đúng cả với hầu hết doạnh nghiệp.
Ông cán bộ phường có thể nhăn nhó đau khổ, rằng cả một hệ thống văn bản pháp luật về cư trú, tôi làm sao mà thay đổi được? Tôi cũng có cấp trên, những người có thể kỷ luật tôi bất kỳ lúc nào. Tôi cũng có công việc, có vợ con. Tôi cầm tiền để lờ đi thế này đã là giúp người ta rồi.
Ông này nói cũng chẳng sai. Đó là một câu chuyện mà bên nào cũng có quyền vò đầu bứt tai “tôi cũng có cái khó”.
Rốt cục thì chuyện đút lót này được thừa nhận một cách hiển nhiên. Không còn cách nào khác. Không đút lót thì... bị thả trôi sông, theo nghĩa đen.
Ai giải quyết cái khó ấy? Không phải những người lao động ban ngày đi bán gốm rong, ban đêm vẫn dầm mình dưới nước sông Hồng thả tấm lưới mong kiếm thêm mấy con cá con. Không phải là ông cán bộ phường.
Những câu chuyện ấy chỉ có thể được thay đổi bằng những thay đổi toàn bộ môi trường, thay đổi các chính sách, giải quyết những vấn đề của các “nhà kinh doanh” gốm rong kia bằng những giải pháp vĩ mô. Thay đổi luật cư trú? Chính sách việc làm cho họ? Hay là cho họ một sinh kế gì đó ở ngôi làng nơi họ đã buộc phải ra đi? Người viết không thể trả lời. Chỉ biết chắc, nó phải là một vận động ở tầm xã hội.
Nếu môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, môi trường sống, sinh kế không được cải thiện liên tục, thì con người sẽ lại tiếp tục phạm luật. Họ sẽ lại bày thúng mẹt ra vỉa hè, lập các doanh nghiệp làm những điều luật pháp “khuất mắt trông coi”. Họ chen vào mọi ngách mình nhìn thấy. Cái cần, là pháp quy hóa những cái ngách ấy, không ai làm. Hối lộ, đút lót hiển nhiên tồn tại.
Người đàn ông đầm mình dưới nước sông Hồng ở cái xóm ngụ cư kia, khi đóng tiền để được ở lại đó, hẳn sẽ không ngờ rằng mình có chung số phận với một ông chủ ngân hàng nào đó.
27/01/2016 01:00
Đinh Đức Hoàng
No comments:
Post a Comment