Hải Ninh, phóng viên RFA 2016-11-18
Buôn hàng hóa qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam
Với người dân vùng biên giới ít học, buôn bán là một trong những cách hiếm hoi để mưu sinh. Tạp chí phụ nữ tuần này hỏi chuyện một vài phụ nữ đi buôn ở vùng biên phía bắc giáp với Trung Quốc, để hiểu được những khó khăn, mệt nhọc trong cuộc sống của họ.
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò nơi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Không một ai từng ngồi trên ghế nhà trường không nhớ tới mấy vần thơ trứ danh của nhà thơ Tú Xương. Nhà thơ Tú Xương là một ông đồ nghèo. Rất may, ông có một bà vợ tần tảo chiều sớm, buôn bán ở vùng đồng bằng Bắc Bộ để nuôi cả gia đình.
Hình ảnh bà vợ chịu thương chịu khó của nhà thơ Tú Xương trở thành một trong những biểu tượng của người phụ nữ trong văn chương Việt Nam. Ngoài đời thực, phụ nữ Việt Nam cũng không thiếu người giống như bà Tú. Dù họ là người phụ nữ nông thôn, hay thành thị, ở miền đồng bằng hay biên giới miền núi, họ luôn hy sinh bản thân cho gia đình, cho chồng, cho con cái.
Móng Cái, Quảng Ninh, là một vùng giáp với biên giới Trung Quốc. Việc buôn bán với người dân Trung Quốc diễn ra cả trăm, nghìn năm nay. Không thiếu người trong những lái buôn này là phụ nữ.
Bán hàng với Trung Quốc
Nghề bán lợn của cô thì cứ ngủ đến 6-7h mới dậy. Đi làm bắt lợn xong đến tầm đó đi Trung Quốc bán thì có hôm đến 3h sáng mới về, có hôm thì 9-10h, hay là 1-2h đêm. 52 cây, đường rừng, mà đường vành đai biên giới, có nghĩa là không tả nổi.
-Chị Hằng
Theo một nghiên cứu, hoạt động biên mậu qua cửa khẩu các tỉnh biên giới vùng Đông Bắc tăng trưởng khá nhanh. Trong vòng một thập kỷ từ 1997 đến 2007, giao thương giữa vùng biên tăng gấp gần 10 lần, lên tới gần sáu triệu USD. Hoạt động kinh doanh ở chợ cửa khẩu ngày càng ổn định và phát huy hiệu quả. Hiện có tới hơn 1.000 hộ kinh doanh người Trung Quốc tham gia bán hàng tại chợ cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phóng Sinh và Hoành Mô.
Một trong những người tận dụng được điều này là chị Hằng. Nhờ người quen là một phụ nữ kết hôn với người Trung Quốc, chị Hằng tìm được mối bán hàng lợn tươi sống qua biên giới. Chị Hằng kể:
Chị Hằng: “Cái nghề của cô nó đơn giản thôi mà. Nó cũng là chủ buôn, nó mua hàng mấy trăm con một nó đi khắp nơi nó bán. Nó đi xa lắm, nó đi từ sáng, khoảng 2-3h chiều nó mới đi khắp nơi đến giáp biên Việt Nam mình cơ. Tầm đó đem lợn xuống đóng, thuê dần đồng bào ở giáp biên với nó mới đánh sang cho. Mỗi con lợn thì cô bán tuỳ theo, loại to thì hơn 2 triệu, loại bé thì nó mua nhiều kiểu lắm. Lúc thì 50-60 kg một con, lúc thì mười mấy hai mấy cân một con, còn lúc thì nó mua 7-8 kg, tuỳ theo từng chủ một.”
Chị Hằng kể rằng chị bắt đầu đi bán lợn cho tay buôn Trung Quốc từ năm 2007, sau khi được anh trai bán rẻ cho chiếc xe máy. Sau gần mười năm, chị Hằng đã mua được một chiếc xe Wave Alpha mới màu trắng, giá tới hơn 19 triệu đồng.
Chị Hằng: “Nghề bán lợn của cô thì cứ ngủ đến 6-7h mới dậy. Đi làm bắt lợn xong đến tầm đó đi Trung Quốc bán thì có hôm đến 3h sáng mới về, có hôm thì 9-10h, hay là 1-2h đêm. 52 cây, đường rừng, mà đường vành đai biên giới, có nghĩa là không tả nổi, cháu biết là như thế nào rồi phải không? Nó vừa dốc, nó lại vừa cua, có những đoạn nó cua như một cái khuỷu tay cháu gấp vào. Nó dốc thì lên 2 km thì xuống 2km.”
Chiếc xe Wave Alpha mới mua năm ngoái được trang bị thêm cáng xe để chở thêm lợn. Trên chiếc xe nhỏ này, chị Hằng chở được tận hai, ba tạ lợn sang Trung Quốc.
Chị Hằng: “Có những buổi cô lai ba tạ lợn, hơn hai tạ, rồi tạ rưỡi, là quay về là bình thường, lai những ba tạ cơ mà. Ba tạ lợn rơi vào 8 con…
Nó có giá xe, cô đặt cái cáng xe trị giá 800.000 đồng, bốn con đặt sang hai bên, bốn con đặt lên trên nữa. Có nghĩa là lợn nó cao ngất ngưởng đầu, lưng. Nhưng nghề của cô nó vất vả lắm, không được nhàn đâu.”
Nghề vất vả
Đi buôn có bạ, bán có phường. Chị Hằng cũng vậy. Chị có một nhóm buôn bán cùng nhau, đa phần là phụ nữ. Một trong những người bạn đó là chị Lê, ở cách nhà chị Hằng tầm 50 km. Chị Lê cho biết nghề buôn lợn cũng không dễ dàng gì.
Chị Lê: “Đi cái này nó vất vả chứ, nhọc chứ cũng chẳng nhàn đâu. Cũng khổ lắm, vất vả lắm. Có nhiều lúc đi đường biên khó khăn, đường nhiều lúc gập ghềnh cũng khó đi, nói chung là cũng vất vả. Nghề này không phải ngày nào cũng bán được tiền, có khách thôi, có khách gọi thì mình mới bán được, không phải ngày nào cũng kiếm được tiền đâu. Mình cũng không có nhiều hàng đâu mà bán, 1-2 chục con chứ lấy đâu ra trăm con mà bán.”
Để đưa lợn được đến Trung Quốc, những người như chị Hằng, chị Lê phải đóng phí giao thương tại cửa khẩu biên giới. Ở cửa khẩu Việt Nam, mỗi chiếc xe chở lợn sang bên Trung Quốc sẽ phải trả 50.000 đồng một xe. Còn khi đến cửa khẩu Trung Quốc, mỗi con lợn sẽ bị tính 10.000 đồng. Hơn thế nữa, các chị cũng phải trả phí giao dịch cho người phiên dịch viên. Mỗi con lợn bán được, người phiên dịch viên sẽ đòi 8 đồng nhân dân tệ, tương đương khoản 24.000 đồng Việt Nam.
Không phải cứ có khách làm bán được hàng vì khách Trung Quốc cũng có nhiều người khó tính.
Chị Lê: “Còn tuỳ phải có khách gọi, không có khách gọi thì mình đi lang thang chỉ bán được vài ba con. Khách gọi thì ngày bán được chục con. Trung Quốc nó lấy nhiều cả chục con, hai chục con cũng có, nếu không có khách thì cũng không ban được con nào. Mình bán cho nó thì đôi khi cũng bị trường hợp nó bị trục trặc nó đánh tháo hàng chẳng hạn thì mình phải đem về, nhiều khi nó không thích hàng của mình, bới lông tìm vết thì mình lại phải mang về, cũng vất vả lắm. Cũng ối lần phải mang về, vì nó không lấy được thì phải mang về, không chuyển sang được, có
gì khó khăn chẳng hạn thì phải giải quyết ở Việt Nam. Có lần xe mang về hàng loạt.”
Vẫn giữ được hài hước
Khổ nhất là lúc bán ế hàng. Nó chê xấu thì lại phải mang về. Trung Quốc nó khác người, nó đặt từ 15-20 kg thì được nhưng 14, 13 kg nó không lấy.
-Chị Hằng
Phụ nữ vùng biên vốn bản chất mộc mạc. Ngay cả đến cái buồn của họ cũng mộc mạc, chất phác. Chị Hằng, tuy phận nữ nhi nhưng mang dáng vóc cao lớn giống như một người đàn ông rắn rỏi. Cách ăn nói của chị cũng có vẻ của một người đàn ông, hơn là phụ nữ chân yếu tay mềm.
Khi được hỏi đi bán hàng bên Trung Quốc buồn nhất khi nào, chị cười một hồi, sau đó vừa cười khúc khích vừa trả lời rằng buồn nhất là lúc ế hàng. Chị kể:
Chị Hằng: “Khổ nhất là lúc bán ế hàng. Nó chê xấu thì lại phải mang về. Trung Quốc nó khác người, nó đặt từ 15-20 kg thì được nhưng 14, 13 kg nó không lấy. Đại đa số là bọn cô đi mua vo, thì khi giả dụ con nào khi nó no thì được 15 kg, nhưng khi xuống nó đói xuống 14 kg thì nó không lấy. Hai là nó đặt 11 kg, mà có 10 cân tám lạng và thiếu hai lạng nó cũng không lấy. Có một lần mang 13 con đi thì mang 6 con về. Mang về thì ở Việt Nam mình vẫn bán được, chỉ khổ ở Trung Quốc thôi, cũng không việc gì cả nhưng mà khổ nhất là lúc mà lai. Đem hàng đi không sao nhưng mà đem hàng về thì buồn lắm. Khi mà bán hết hàng thì trong lòng nó sung sướng, mà không cảm thấy đói. Thế nhưng khi mà không bán được hết lợn, nó ế thì trong lòng nó bực bội và mệt mỏi. Thằng nào trêu cái là chửi luôn, và đánh luôn.”
Chị Hằng nói từng đánh ít nhất hai anh đàn ông treo ghẹo chị ở chợ. Chị nói, chắc vì thế nên chính chị gái của chị đặt cho biệt danh là “đầu gấu”. Hiện tại, mùa bán lợn vừa hết, chị Hằng ở nhà chăn lợn và nấu rượu.
Chị Hằng: “Ở nhà bây giờ cụ thể cứ sáng là nấu nồi rượu xong rồi chăn lợn thôi xong không có gì. Nấu rượu để giao cho các quán, giao cho người uống. Ai có nhu cầu thì đem đến giao. Mùi rượu không say mà chỉ thơm ngất ngây thôi.”
Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hải Ninh xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về ban biên tập đài RFA. Còn bây giờ, Hải Ninh xin chào tạm biệt và xin gặp lại tuần sau.
No comments:
Post a Comment