Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ ngày 08.11.2016 đã có kết quả chính thức, ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của siêu cường số 1 trên thế giới.
Đây là cuộc bầu cử lạ lùng nếu không muốn nói là đáng ghét nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lần đầu tiên một tỉ phú chỉ biết kinh doanh địa ốc, không phe đảng, không biết gì về chính trị, không có kinh nghiệm ngoại giao, kiến thức, hiểu biết về quốc phòng, ăn nói bỗ bã, vong mạng, bất cần đời..., tự ứng cử và đắc cử. Đối đầu với ông Trump là bà Hillary, cựu bộ trưởng ngoại giao, khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm trên chính trường, am hiểu tình hình thế giới nhưng đồng thời có quá nhiều tai tiếng về sự trung thực trong khi làm việc.
Việc đắc cử tổng thống của ông Donald Trump gây ngạc nhiên lẫn thất vọng cho khá nhiều người vì những cuộc thăm dò dư luận cho đến sát ngày bầu cử cho thấy khả năng ông Trump thành tổng thống thứ 45 của Mỹ thấp hơn bà Hillary rất nhiều. Tuy nhiên điều mà ít người nghĩ đến là số lượng người da trắng đi bầu ở những tiểu bang quyết định thắng bại như Florida, Ohio, Pennsylvania... lên đến 70%, đa số bầu cho ông Trump. Đây là những người thuộc giai cấp lao động bị bỏ quên nhiều năm, nay họ thật sự muốn có một sự thay đổi toàn diện trong thể chế chính trị của Mỹ
Kết quả cuộc bầu cử, do đó đã gây nên nhiều chia rẽ nặng nề, không riêng gì trong nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới. Dietmar Bartsch, một chính tri gia Đức nói với đài NT-V Đức là ngày 08.11.2016 là một ngày đen tối cho nước Mỹ.
Ngay từ khi cuộc đếm phiếu chưa chấm dứt, chỉ mới có kết quả sơ khởi - cho thấy ông Donald Trump dẫn trước với số phiếu cử tri đoàn là 260/215 so với bà Hillary Clinton - trung tâm điện toán của sở di trú Canada đã bị crash, không còn hoạt động được vì số lượng người Mỹ vào website coi cách thức di dân qua Canada tăng lên đến độ chóng mặt, khiến cho máy chủ bị quá tải, ngưng chạy.
Đồng thời sở di trú của Tân Tây Lan (New Zealand) loan tin số lượng người truy cập website của họ tăng lên 25 lần so với hàng ngày trước đây. Một số các nghê sĩ, ca sĩ, tài tử ci-nê nổi tiếng của Mỹ như Cher, Barbara Streisand, Amy Schumer, Chelsea Handler, Bryan Cranston,... đã lên tiếng cho biết sẽ di dân đến Úc, Canada, New Zealand...
Chính những lời nói báng bổ, nhục mạ phụ nữ, các sắc dân khác của ông Trump đã gây nên làn sóng chống đối mạnh mẽ sau khi có kết quả bầu cử. Nhiều cuộc xuống đường chống Donald Trump xảy ra khắp nơi trên nước Mỹ từ các tiểu bang miền Đông qua miền Tây, New York, Chicago, Washington,... qua Seattle, Los Angeles... với hàng ngàn người tham dự. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán trên thế giới giảm sút đáng kể dù sau đó có hồi phục lại phần nào. Ngay cả đảng viên đảng Cộng Hòa cũng kéo đến tòa Bạch Ốc biểu tình phản đối sự đắc cử của ông Trump.
Hiện tại chưa thể biết được nội các của ông Trump sẽ có những ai. Tuy nhiên những chính sách, kế hoạch của Trump có thể sẽ dễ dàng thông qua khi Thượng-Hạ viện Mỹ đều nằm trong tay đảng cộng hòa, trừ trường hợp những chính sách, kế hoạch này gặp phải chống đối ngay từ trong nội bộ đảng.
Những điều tuyên bố của ông Trump trong khi tranh cử như xây bức tường dài 3.200km dọc biên giới Mỹ-Mexico, tạo 25.000.000 việc làm trong nội địa cho người Mỹ, giảm thuế doanh nghiệp, đầu tư, rút quân đội Mỹ khỏi liên minh NATO nếu các nước Âu châu không trả chi phí, trục xuất 6 trong số 11 triệu người di dân bất hợp pháp, hủy bỏ luật sinh ra trên nước Mỹ đương nhiên là công dân Mỹ... chưa biết có thực hiện được hay không hoặc sẽ thực hiện bằng cách nào?
Tổng thống Mỹ là người có nhiều quyền lực thật sự nhưng không phải là tuyệt đối. Tất cả các kế hoạch, chính sách về kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, y tế... đều phải được nghiên cứu, bàn thảo, biểu quyết từ hạ viện tới thượng viện chứ không đơn giản điều gì Donald Trump muốn, cũng được xúc tiến thi hành. Sẽ có nhiều thay đổi khi ông Donald Trump tiếp nhận chức vụ vào ngày thứ sáu 20 tháng 01 năm 2017. Tất cả các chính sách, từ kinh tế đến an ninh, quốc phòng, y tế, ngoại giao... chắc chắn sẽ có những thay đổi nếu Trump quyết định thực hiện lời hứa của mình khi tranh cử, nhưng thay đổi ra sao, như thế nào thì còn phải chờ. Trong phạm vi quyền hạn của mình Trump sẽ không làm được gì nhiều.
Do đó không nên quá lo lắng về sự đắc cử của ông Trump. Nước Mỹ có thể sẽ bị rối loạn, chao đảo về nhiều mặt trong một thời gian sau khi Donald Trump lên nắm quyền, nhưng người viết tin rằng, với thể chế dân chủ, tự do tồn tại đã hơn 240 năm, khả năng tự điều chỉnh của xã hội sẽ lấy lại được thăng bằng cho nước Mỹ.
Cho dù những lời nói đầy kỳ thị chủng tộc, giới tính... góp phần không ít cho sự đắc cử vào địa vị tối cao về quyền lực của Donald Trump nhưng rồi tất cả cũng sẽ qua đi. Khi bắt tay vào làm việc, bản thân Trump sẽ nhận ra rằng những tuyên bố văng mạng do thiếu hiểu biết chính trị, thiếu kinh nghiệm ngoại giao của mình sẽ chỉ có hại hơn là có lợi nếu thật sự Trump muốn lãnh đạo đất nước và làm cho Mỹ trở lại vĩ đại như trước.
Hơn thế nữa, tổng thống Mỹ cũng chỉ là một người thực thi các chính sách, kế hoạch do bộ tham mưu, cách think tank nghĩ ra. Cá nhân ông Trump sẽ không làm được gì nhiều nếu cứ bám chặt vào những điều tuyên bố khi tranh cử.
10.11.2016
No comments:
Post a Comment