HÀ NỘI (NV) – Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Việt Nam vừa cho rằng, báo cáo chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam năm nay “thẳng thắn” hơn. Tuy nhiên cả hai bên đều không đề ra giải pháp nào.
Sau khi nghe đại diện chính phủ Việt Nam trình bày báo cáo chống tham nhũng 2016, Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Việt Nam hoan hỉ nhận định rằng, đây là lần đầu tiên, chính phủ Việt Nam “nhìn nhận thẳng thắn là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận, phạm tội tham nhũng.”
Việc thú nhận “tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng,” được Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Việt Nam cho rằng, “phù hợp với thực trạng, phản ánh của dân chúng, doanh nghiệp và xếp hạng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế.”
Trong báo cáo chống tham nhũng năm ngoái, chính phủ Việt Nam chỉ thừa nhận “tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp” chứ không nhìn nhận là “nghiêm trọng.”
Những năm trước, các báo cáo chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam thường xuyên bị Quốc Hội Việt Nam nhận định là vì “nể nang, ngại va chạm” nên “chung chung,” báo cáo nào cũng chỉ đề cập có “một số người đứng đầu” hay “một số cơ quan, đơn vị” hoặc “một số bộ phận” ở “một số nơi” tham nhũng. Nhiều đại biểu Quốc Hội nhận định, các báo cáo chống tham nhũng được soạn kiểu đó là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động của bộ máy công quyền trì trệ, khiến tham nhũng trở thành trầm trọng hơn.
Năm nay, cho dù báo cáo chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam được khen là “thẳng thắn” hơn song hiệu quả chống tham nhũng trên thực tế thì vẫn chẳng đến đâu. So với năm ngoái, số vụ tham nhũng và cá nhân bị khởi tố giảm 25%. Số vụ tham nhũng bị truy tố giảm 18%. Số vụ xử sơ thẩm giảm 34%. Tổng số tài sản bị tham nhũng đã thu hồi lại qua xét xử chỉ có 92 tỉ. Còn thu hồi qua thi hành án chỉ được 45 tỉ.
Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Việt Nam nhận định, trong ba năm gần đây, số vụ tham nhũng được phát giác, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đang… giảm dần. Những vụ tham nhũng đã được phát giác và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã và một số vụ được xem như án điểm vì có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Việc phát giác-xử lý tham nhũng từ cấp huyện trở lên rất ít.
Ủy ban này cho rằng, trong báo cáo chống tham nhũng, dù chính phủ Việt Nam xác nhận chống tham nhũng còn nhiều hạn chế nhưng lại không chỉ rõ nguyên nhân.
Một điểm đáng lưu ý khác là từ lâu, nhiều đại biểu Quốc Hội Việt Nam đã yêu cầu phân định rõ ràng trách nhiệm tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền quyết định nhằm tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm, các cá nhân có trách nhiệm lấy tập thể làm nơi lẩn tránh. Tuy nhiên Báo cáo chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam lần này vẫn không đề ra được giải pháp để tăng khả năng truy cứu trách nhiệm cá nhân.
Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Việt Nam lập lại một lần nữa về việc phải có biện pháp kiểm soát quyền lực của những cá nhân có chức vụ. Xác định rõ giới hạn về quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống công quyền để chống lạm quyền nhằm trục lợi.
Việc tuyển dụng-lựa chọn-bổ nhiệm viên chức cũng được cho là còn nhiều vấn đề đáng bàn vì thiếu các tiêu chí rõ ràng, hợp lý. Những qui định hiện hành kiểu “biên chế suốt đời,” “đã vào thì không ra,” “chỉ lên chứ không xuống” đã tạo thành sức ì rất lớn. Không thể truy cứu trách nhiệm của những cá nhân làm việc vô trách nhiệm, thiếu hiệu quả.
Giống như những năm trước, Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Việt Nam tiếp tục “đề nghị” chính phủ Việt Nam xác định các giải pháp để chống tham nhũng hữu hiệu! (G.Ð)
No comments:
Post a Comment