Theo NLĐO-02/10/2016 22:58
Bao nhiêu gia đình kiệt quệ, bao nhiêu người bị bệnh tật hành hạ, trật tự - an ninh xã hội bị thách thức... là những gì bia, rượu mang đến cho hàng triệu người Việt Nam hiện nay
Phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ lâu được xem là phố Tây với hoạt động vô cùng sôi động khoảng 21 giờ tới quá nửa đêm. Hầu như tất cả dân du lịch đến với Hà Nội, lưu trú lại đều phải ghé qua con phố này để uống bia, rượu và tận hưởng không khí ăn nhậu của thủ đô.
Em ơi, Hà Nội nhậu!
Phố Tạ Hiện là hình ảnh thu nhỏ, “đại diện” cho việc ăn nhậu ở thủ đô. Bước chân đến đây là lạc vào vùng đất của bia, rượu: mịt mù khói shisha, nồng nặc mùi thuốc lá, bia rượu tràn trề, tiếng nhạc ầm ĩ... Hàng ngàn người nghiêng ngả trong hơi men, đắm mình trong cơn say ngà ngật. Không thể thống kê nhưng có thể hình dung lượng bia, rượu từ con phố này và các con phố lân cận như Mã Mây, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến… thuộc loại hàng đầu trong khu vực 36 phố cổ Hà Nội.
Phố Tạ Hiện nức tiếng thủ đô Hà Nội về việc ăn nhậu Ảnh: NGUYỄN QUYẾT
Quán nhậu ở Hà Nội nhiều không kể xiết. Từ quán hạng sang tới quán bia cỏ, lúc nào cũng đông nghịt người. Chỉ riêng hệ thống bia hơi Hải Xồm, Lan Chín..., mỗi thương hiệu có hàng chục cơ sở lúc nào cũng đông nghịt khách. Ngày cũng như đêm, lúc nào cũng nghe tiếng cụng ly, kèm theo tiếng “dzô, dzô” tràn cả con phố. Những cung đường ăn nhậu nơi này đã quá quen thuộc với các “đệ tử của Lưu Linh” bao năm qua. Điển hình là Đường Thành - Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), quanh sân vận động quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), Xã Đàn (quận Đống Đa), đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình)… Rượu vào lời ra, bia vào… nước tiểu ra. Những con phố tập trung nhiều quán bia thì luôn có mùi đặc trưng của “toa-lét gốc cây”.
Đối với sinh viên, một trong những con đường ghi dấu về việc ăn nhậu có hạng chính là đường Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân). Trên đường này có gần 100 quán nhậu, phục vụ cho sinh viên nhiều trường ĐH quanh đây như: Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn… Mỗi tối, hàng ngàn sinh viên ra đây ngồi ở vỉa hè, trải chiếu say sưa cho tới khuya. Nhiều khi xe của công an phường đến nhắc nhở, các “bợm nhậu” nấp tạm vào khu vực nào đó, thấy lực lượng chức năng đi thì lại ra uống tiếp.
Còn dân ăn chơi cao cấp hơn thì đến các bar. Những bar nổi tiếng của Hà thành có thể kể đến Luxury Bar, New Square, The Bank, Taboo Lounge & Bar, Hair of the Dog... Ngoài các bar nhỏ trong phố cổ, một trong những nơi tập trung khá đông bar là ở khu vực đường ven hồ Tây, phố Nguyễn Đình Thi nối với đường Thanh Niên. Ở đây tập trung hàng chục bar, quán rượu là tụ điểm của giới trẻ và nghệ sĩ hằng đêm. Từ 22 giờ trở đi, khu phố này ngập trong ánh đèn, tiếng nhạc chát chúa, khói shisha nồng nặc. Những bar nổi trên hồ Tây cũng vậy, luôn có sức hút đặc biệt với giới trẻ. Từ con phố này, có nhiều vụ va chạm đã xảy ra, thậm chí là thanh toán nhau giữa các nhóm.
Bia bọt thâu đêm
Không kém thủ đô, TP HCM từ bao năm qua cũng nổi tiếng là “trung tâm ăn nhậu” của cả nước. Từ đại lộ cho đến hang cùng ngõ hẻm, bước ra đường là thấy quán nhậu. Quán nhỏ bày vài cái bàn, quán lớn thì rộng như sân bóng, xây nhiều lầu, có thể chứa đến cả ngàn người cùng lúc.
Quán xá xập xình, dân nhậu chen chúc là cảnh tượng quá đỗi quen thuộc đối với người dân sống ở đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc thuộc các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình... Từ khi kênh Nhiêu Lộc được cải tạo, trồng cây xanh và đường sá thông thoáng thì dọc con kênh này mọc lên hàng trăm quán nhậu. Cứ chiều đến, thanh niên, công chức, người lao động... lại tụ tập uống bia, rượu ở các quán khu vực này. Các quán nhậu từ sang trọng đến bình dân, từ vỉa hè đến phòng lạnh... lúc nào cũng tấp nập khách ăn uống đến thâu đêm.
Đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) cũng là một trong những điểm ăn nhậu mới thu hút đông đảo “bợm” tề tựu. Khi đường Phạm Văn Đồng chính thức thông xe thì quán nhậu, quán nướng mọc lên như nấm.
Chị Hương Phượng (ngụ quận Thủ Đức) nghe bạn bè rủ rê cũng bàn với gia đình sang lại mặt bằng quán nhậu hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ mở được 5 tháng, chị phải dán thông báo sang quán vì chịu không thấu với các ma men. Chị Phượng kể: “Nhiều khi để không làm mất lòng khách, phải ngồi chờ họ uống đến ly cuối cùng. Có những đêm mưa tầm tã nhưng khách cứ ngồi lê la đến 2 giờ sáng. Mặc dù mở quán nhậu cũng kiếm được bộn tiền nhưng tôi đành từ bỏ”.
Từ một con đường khá vắng vẻ, vài năm qua, đường Vĩnh Khánh (quận 4) đã trở thành phố nhậu khá nổi tiếng của thành phố. Hàng trăm quán nhậu mọc lên với đủ loại: sò, ốc chế biến các kiểu; thịt bò, thịt trâu, thịt dê làm lẩu; hải sản tươi sống phục vụ tại bàn; các món shushi của Nhật, lẩu cay của Thái, đồ khô của Lào... đều có đủ. Từ chiều, con đường này đã tấp nập, xe hơi chen với xe máy, dân uống rượu ngồi khề khà với dân uống bia, đến 2 giờ sáng vẫn còn người ngà ngà bên trong quán. Nào phải chỉ cánh đàn ông, chị em phụ nữ cũng “lên bờ xuống ruộng” với những quán nhậu sẵn sàng chiều khách đến khi nào đứng dậy không nổi mới thôi.
Kỳ tới: Đủ kiểu ăn nhậu
Tiền nhậu đủ nuôi 21 triệu người/năm
Tại hội thảo về việc uống bia, rượu do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức ngày 26-9 vừa qua, báo cáo cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về tỉ lệ uống rượu, bia ở Đông Nam Á; đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Chỉ một năm qua, người Việt uống 3,4 tỉ lít bia, 270 triệu lít rượu. Theo các chuyên gia kinh tế, số tiền mà người dân Việt Nam dành để uống bia hằng năm có thể mua hơn 1,7 triệu tấn gạo, đủ để nuôi sống 21 triệu người/năm.
Nhóm Phóng viên
No comments:
Post a Comment