Hoàng Dung, thông tín viên RFA 2016-10-02
Ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Ngày 29 tháng 09 năm 2016, chính phủ đã ra thông báo quyết định, đền bù cho ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại do Formosa gây ra hồi đầu tháng 4. Các ngư dân nói gì về mức đền bù của chính phủ?
Chính phủ đền bù
Vào ngày 29 tháng 09 năm 2016, thủ tướng chính phủ đã ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại do Formosa gây nên.
Theo thông báo của chính phủ thì có 7 nhóm đối tượng được xác định đền bù do Formosa gây nên, các nhóm gồm: 1 khai thác hải sản, 2 nuôi trồng thủy sản, 3 sản xuất muối, 4 hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển, 5 dịch vụ hậu cần nghề cá, 6 dịch vụ du lịch, thương mại ven biển, 7 thu mua, tạm trữ thủy sản.
Thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4/2016 đến hết tháng 9/2016. Nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các ngư dân bị ảnh hưởng do Formosa gây nên được sử dụng từ nguồn kinh phí do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường hồi cuối tháng 6 năm 2016.
Ngư dân nói gì?
500 triệu USD thì với mức đó thì làm sao mà đủ với mức thu nhập của chúng tôi là mỗi ngày 600 nghìn của một lao động được cho nên chắc chắn sẽ không bao giờ đáp ứng được.
-Mai Quang Hanh
Khi ngư dân nhận được thông báo, là chính phủ đã có quyết định đền bù cho các ngư dân chịu ảnh hưởng của thảm họa môi trường do Formosa gây nên, thì nhiều ngư dân rất bất ngờ, nhiều ngư dân cho rằng đây là việc do Formosa gây ra, nên trước khi có quyết định đền bù, thì chính quyền nên họp dân lại, lấy ý kiến, thiệt hại của ngư dân, khi đó mới có quyết định đền bù một cách thỏa đáng hơn.
Tại một số xã ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh một số xã như Kỳ Lợi, Kỳ Hà thì chính quyền xã cũng đã họp dân lại để tổng kê thiệt hại, nhưng cách làm mập mờ của chính quyền thì người dân ở những xã này chưa đồng ý ký giấy kiểm tra thiệt hại đền bù.
Trước thông tin từ chính quyền, nhiều ngư dân cho biết họ sẽ không nhận số tiền đền bù đó, thứ nhất vì nó quá thấp so với thu nhập của người dân khi biển còn sạch, thứ 2 nữa họ bắt Formosa phải đứng ra chịu trách nhiệm làm sạch biển để ngư dân có thể đi đánh cá.
Ông Mai Quang Hanh ở Kỳ Lợi, Kỳ Anh chia sẻ, chính quyền đã thỏa thuận với Formosa là đền bù 500 triệu USD, mà số tiền đó không thể đền bù hết được cho ngư dân, nên giờ họ phải tính sao cho đủ thôi, chứ với ngư dân số tiền đó quá nhỏ:
“Chưa có gì là đáp ứng với thiệt hại của dân cả, bởi vì dân thiệt hại thì tính ra như ở thôn chúng tôi đây nghề nghiệp làm ăn là trên biển hằng ngày với mức thu nhập mỗi ngày chúng tôi tính là quân bình mỗi ngày 600 ngàn của 1 lao động. Đó là mức trung bình chứ có khi lại là 1 triệu mà có khi lại dưới 6 trăm. Cho nên chúng tôi tính dưới cái mức là 600 nghìn của một ngày là của một lao động, nhưng mà cái mức hỗ trợ, mức đền bù của chính quyền mà họ tính ra trong khoản 500 triệu USD thì với mức đó thì làm sao mà đủ với mức thu nhập của chúng tôi là mỗi ngày 600 nghìn của một lao động được cho nên chắc chắn sẽ không bao giờ đáp ứng được.”
Chị Thảo ở xã Kỳ Hà, Kỳ Anh cũng cho biết, người dân ở xã chị cũng sẽ không nhận số tiền đền bù đó, vì có thể sau khi nhận số tiền đó thì coi như chính quyền và Formosa sẽ hết trách nhiệm trong thảm họa đó, hơn nữa chính quyền Hà Tĩnh và Formosa đang có dự án xả thải ra sông Quyền trong khi người dân Kỳ Hà cũng sống nhờ vào con sông này, nên người dân xã chị kiên quyết không nhận.
Chị Thảo cho biết:
“Đền bù đối với vùng miền dân ven biển thì nó quá thấp so với công việc họ làm ở đây. Còn việc đền bù thì dân ở đây họ không chấp nhận bởi vì dân nói là cũng không cần phải nhận số tiền đền bù chủ yếu là mong làm sao cho cuộc sống ổn định lại để cho người dân ở đây làm ăn, nếu như nhận số tiền đó chuẩn bị nghe nói là họ cho xả thải về con Sông Quyền, nếu mà xả thải ra Sông Quyền thì ở đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp rất là nặng.”
Anh Bình ở Quảng Bình thì cho rằng, cuộc sống của ngư dân quá khổ, nên giờ chính quyền đền bù sao cũng được, biết thế nào cho đủ.
“Đền bù thì cũng phần nào đó, đền bù cho chính xác thì chưa chính xác.”
Đền bù như thế nào?
Hiện nay thì đã sang tháng 10, mà thời gian đền bù của chính quyền cũng đến tháng 9, trong khi ngư dân vẫn chưa thể đi đánh bắt cá được, nhiều ngư dân không đồng ý với quyết định này, họ tự hỏi sau tháng 10 thì cuộc sống của ngư dân sẽ ra sao?
Biển kéo dài độc hại đến bao nhiêu thì dân cũng không làm ăn được vì thế họ mà nhận đền bù sáu tháng, còn mà kéo dài đến 70 năm thì dân có thể sống làm sao đây.
-Chị Thảo
Ông Hanh cho biết, nếu đền bù thì sẽ phải đền bù cho tới khi nào biển sạch, ngư dân đi đánh được mới thôi:
“Nguyện vọng của chúng tôi hiện bây giờ là chúng tôi không chủ động với việc đền bù, cái đền bù là Formosa làm thiệt hại thì Formosa phải có trách nhiệm đền bù phần thiệt hại đó cho dân chiếu theo luật công bằng, thì họ tính trong vòng sáu tháng đó thì chúng tôi yêu cầu ít nhất cũng phải đền bù là một năm, sau một năm đó mà biển chưa sạch thì trả lại môi trường cho chúng tôi làm ăn thì vẫn tiếp tục yêu cầu đền bù.”
Chị Thảo cũng đồng tình rằng chính quyền nên tinh nhân khẩu vào để đền bù, chứ không thể đền bù theo lao động như vậy được, nếu vậy con em sẽ sống sao, hơn nữa nếu môi trường biển ảnh hưởng đến 70 năm thì ngư dân đây sẽ như thế nào?
“Biển kéo dài độc hại đến bao nhiêu thì dân cũng không làm ăn được vì thế họ mà nhận đền bù sáu tháng, còn mà kéo dài đến 70 năm thì dân có thể sống làm sao đây, nếu như mà họ đền bù thì tính vô nhân khẩu mà đền bù chứ còn lao động thì chủ yếu là tương lai con cái sau này chứ hiện tại thì những người lao động một phần rồi nhưng mà ảnh hưởng là con em là ảnh hưởng nhưng mà sau này mà được sáu tháng thì lấy gì mà nuôi con em đây.”
Ông Danh một ngư dân ở Kỳ Anh cũng chia sẻ với chúng tôi, chính quyền đã làm sai từ khi nhận 500 triệu USD trong khi chưa biết thiệt hại của ngư dân như thế nào, và mong muốn của ngư dân vẫn là chính quyền và Formosa nên có trách nhiệm làm sạch biển. Dư luận cũng cho rằng quyết định đền bù này của chính quyền chỉ là việc xoa dịu dư luận và an ủi ngư dân, và từ tháng 10 trở đi ngư dân sẽ sống sao khi biển chưa sạch?
No comments:
Post a Comment