Lại xảy ra cá chết hàng loạt ở một hồ lớn của Hà Nội. Các trang tin tức điện tử Việt Nam hôm 27/10 cho hay “hàng tấn cá to” đã chết ở hồ Linh Đàm, xác cá dạt vào bờ “dài cả cây số”, bốc mùi “hôi tanh nồng nặc”. Linh Đàm là hồ điều hòa rộng khoảng 74 hectare ở phía Nam các quận nội thành.
Tin cho hay trong ngày 27/10 chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan môi trường và cảnh sát để xét nghiệm, tìm nguyên nhân cá chết.
Mặc dù số lượng cá chết nhỏ hơn nhiều so với khoảng 200 tấn cá chết ở hồ Tây hồi đầu tháng này, song việc cá chết hàng loạt liên tiếp xảy ra ở các hồ lớn của Hà Nội làm nhiều người lo lắng. Cho đến nay, nhà chức trách chưa công bố nguyên nhân vụ cá chết kỷ lục ở hồ Tây, hồ lớn nhất Hà Nội với diện tích 500 hectare.
Nhận định về việc hiện tượng cá chết nhiều bất thường trong năm nay ở thủ đô của Việt Nam, ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội, nói với VOA:
“Năm nay đặc biệt nhiều vì có thể do sự tích tụ của ô nhiễm trong nhiều năm. Bây giờ là đến lúc nó nhiều đến mức bị phân hủy nên là nó hút ôxy có thành phần trong nước. Và đã không có ôxy, thiếu ôxy đột ngột như vậy thì dẫn đến cá chết. Thứ hai, cá chết còn phụ thuộc vào thời tiết, biến đổi khí hậu, và khi điều kiện cho phép đủ và cần, ví dụ bệnh tảo ở trong các hồ. Khi mà tảo phát triển, đến khi nó chết sẽ rất nhanh và nó sử dụng lượng ô xy rất là lớn, trong một miligram có thể có hàng triệu các tế bào”.
Phó giáo sư Tiến sỹ Trương Mạnh Tiến cũng lưu ý đến yếu tố con người liên quan đến tình trạng ô nhiễm các hồ. Ông chỉ ra một số tác động của con người:
“Đây là ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, từ nước thải sinh hoạt của các hộ dân quanh đó chưa được xử lý một cách triệt để, đủ tiêu chuẩn để xả vào hồ. Tóm lại là xả nước thải bẩn. Thứ hai, các nhà hàng, khách sạn cũng chưa xử lý nước thải cũng xả thải vào, thì nó gây ra ô nhiễm trong suốt nhiều năm như vừa rồi. Chính quyền thì bây giờ là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang rất nỗ lực, và trực tiếp là ông Chủ tịch UBND đã vào cuộc, và hiện nay đang đưa chương trình bảo vệ hồ Hà Nội lên như là một trong những ưu tiên đầu tiên”.
Với việc nhà chức trách giờ đây có nhận thức cao hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ các hồ ở thủ đô của Việt Nam, ông Tiến cho biết Hà Nội đang hình thành một dự án để đưa hồ Tây thành một di sản tự nhiên. Ngoài ra, vị chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội nói các cộng đồng và doanh nghiệp sẽ được vận động tham gia vào công tác bảo vệ hồ.
Ông Tiến bày tỏ tin tưởng rằng việc các doanh nghiệp nhận xử lý các hồ sẽ có hiệu quả khác với cách làm lâu này vì “họ có nguồn lực”.
Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội cũng đánh giá cao sự quan tâm và tham gia tích cực, đều đặn của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trong công tác bảo vệ hồ Hà Nội. Phó Giáo sư Tiến sỹ Tiến cho rằng Hoa Kỳ có những bài học tốt về quản lý trong lĩnh vực này và Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng luật kiểm soát ô nhiễm nước “có hình dáng như luật nước sạch năm 1972 của Hoa Kỳ”.
No comments:
Post a Comment