VIỆT NAM – Đó là điều được thể hiện trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn từ 2011 đến 2015 do Bộ Tài Nguyên – Môi Trường của Việt Nam thực hiện và công bố hồi cuối tuần này.
Theo báo cáo vừa kể thì nồng độ nitrite trong không khí tại một số thành phố của Việt Nam như: Sài Gòn, Hà Nội và Hạ Long đều đã vượt qua ngưỡng an toàn.
Nitrite sẽ oxy hóa huyết sắc tố trong hồng cầu khiến người ta xanh xao, đáng lưu ý là nitrite đang đe dọa tính mạng của những đứa trẻ dưới sáu tháng tuổi. Nồng độ nitrite trong không khí cao quá mức cho phép cũng là nguyên nhân chính khiến người ta cảm thấy khó thở, dễ choáng, dễ ngất.
Nitrite với hàm lượng cao có thể tương tác với các amine trong cơ thể và trở thành nitrosamine – loại hợp chất dẫn tới tiền ung thư. Chưa kể nếu hàm lượng nitrosamine trong không khí luôn luôn vượt qua ngưỡng an toàn, cơ thể sẽ không kịp đào thải hết và gan sẽ bị nhiễm độc.
Theo Bộ Tài Nguyên – Môi Trường Việt Nam thì sở dĩ nồng độ nitrite trong không khí tại Sài Gòn, Hà Nội vượt ngưỡng an toàn là vì lượng khói thải quá mức từ hoạt động giao thông và hoạt động công nghiệp. Tình trạng vừa kể xảy ra tại Hạ Long là do hoạt động khai thác than và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.
Chẳng riêng Sài Gòn, Hà Nội, Hạ Long, các dạng ô nhiễm tại Việt Nam đang gia tăng cả về mức độ lẫn phạm vi.
Ông Hoàng Dương Tùng, tổng cục phó Tổng Cục Môi Trường, thuộc Bộ Tài Nguyên – Môi Trường của Việt Nam, tiết lộ tuy chất lượng không khí tại khu vực nông thôn còn khá tốt nhưng ô nhiễm đất, nước do sử dụng thái quá phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật đang gia tăng. Chất lượng không khí cũng suy giảm vì những độc chất từ phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật được phát tán vào không khí.
Ngoài những vùng thuần nông, môi trường nông thôn Việt Nam giờ cũng không còn an toàn vì hoạt động của các khu công nghiệp, các làng nghề (những làng cùng sản xuất một loại sản phẩm nào đó). Ô nhiễm độc khí, bụi, mùi, tiếng ồn,… đã trở thành phổ biến. Đặc biệt tại các làng nghề nơi dân chúng chỉ sử dụng các loại công nghệ, thiết bị đã lạc hậu, cũ kỹ và hoàn toàn không quan tâm đến việc xử lý khói thải, chất thải.
Cũng theo lời ông Tùng thì độc khí chỉ là một khía cạnh của ô nhiễm không khi tại Việt Nam. Chất lượng không khí tại những khu vực quanh các khu công nghiệp đang suy giảm trầm trọng do ô nhiễm bụi. Ở nhiều nơi, ô nhiễm bụi đã vượt ngưỡng an toàn.
Tình trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp ở miền Bắc được xác định là trầm trọng hơn ở miền Nam. Bộ Tài Nguyên – Môi Trường Việt Nam giải thích có thể vì miền Bắc có nhiều khu công nghiệp cũ hơn, nhiều nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng với quy mô lớn hơn, lượng nhiên liệu hóa thạch được tiêu thụ nhiều hơn…
Thực trạng số người mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ung thư phổi tại Việt Nam càng ngày càng nhiều được cho là hệ quả tất nhiên của vấn nạn ô nhiễm không khí. Song song với ô nhiễm không khí song hành với ô nhiễm đất, ô nhiễm nước khiến tỉ lệ mắc các bệnh mãn tính và nan y cùng tăng không dừng. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment