Friday, September 30, 2016

Côn an, họ là ai?

Năm xích lô (Danlambao) - Tình trạng côn an hoành hành bạo ngược khắp nơi trên đất nước dưới quân phục hay thường phục ngụy trang cho chúng ta thấy hình ảnh một xã hội (XH) thoái hóa, bất ổn và đau thương với những giá trị đạo đức tối thiểu của nhân loại cũng bị đào thải. Một là họ (côn an) được tuyển chọn từ thành phần côn đồ cặn bã của XH để bảo vệ chế độ bằng bạo lực ươn hèn, hai là chế độ đã bất lực?

Côn an cộng sản (CS) là hung thần ác quỷ của thời đại chẳng còn xa lạ với người dân hôm nay. Bạn nghĩ sao khi muốn gia nhập hàng ngũ côn an thì lý lịch phải có hai đời tham gia cắt mạng, nên chẳng lạ khi họ mang giòng máu lạnh.

Ngày xưa người lớn thường dọa con nít bằng hình ảnh ma quỷ hoặc những gì ghê rợn, xấu xa, ghê tởm; bây giờ chỉ nói "côn an (CS) tới kìa", trẻ em lập tức run rẩy hơn bị sốt rét và câm như cá bị ám ảnh Formosa, người già chỉ thở dài "ôn dịch". Như vậy là nhà cầm quyền CS đã "thành công" trong việc gây dựng lực lượng bảo vệ chế độ độc tài gian ác qua hình ảnh người chiến sĩ côn an "trung với đảng (hèn với giặc), ác với dân - nhiệm vụ nào cũng bất cần, khó khăn là chuyện của dân".

Điển hình

Chuyện côn an hành dân xảy ra từng giờ và trên từng cây số trở thành nỗi ám ảnh của người dân nhưng ba vụ đặc trưng mới nhất mà báo lề đảng buộc phải lên tiếng trong vòng 10 ngày vừa qua liên quan đến côn an làm người viết nhớ về quá khứ lịch sử thời chúa Trịnh với loạn kiêu binh. Xin được tóm tắt ba vụ nêu trên như sau:

1. Miền Trung: Ngày 21/09/2016, phóng viên Đỗ Thanh Hải báo lề đảng bị lực lượng côn an xã Cư Pô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắc Lắc giật máy ảnh, đàn áp vì... chưa xin phép tác nghiệp (?!) khi nhà cầm quyền đang cưỡng chế thô bạo người dân địa phương để xây dựng nhà "văn hóa" thôn Nam Tân. Lãnh đạo côn an tỉnh sau đó xác nhận vì không biết là phóng viên nên mới xảy ra vụ việc.

2. Miền Bắc: Ngày 23/09/2016, nhà báo lề đảng Quang Thế được côn an hình sự "vuốt má, đá nhưng không trúng" (theo cách nói của côn an Hà Nội sau vụ việc) khi đang muốn làm phóng sự trên cầu Nhật Tân (Hà nội) về một tài xế Taxi nhảy cầu tự tử. Theo côn an, đây là "bí mật nhà nước"(?!) nên không cho phép bất cứ ai tới hiện trường.

3. Miền Nam: Ngày 30/09/2016, thiếu úy Bùi Xuân Hải "xoa tóc", kéo lê đến đổ máu chị Nguyễn Thị Thu Thảo trên khu vực hồ Con rùa, quận 3, thành hồ (bị ngập).

Phân tích

Khi lượng định và đánh giá về vấn đề nào đó, đầu tiên là luôn giữ thái độ khách quan để từ đó có thể đưa ra nhận định trung thực nhất. Thứ hai là người có nhiệm vụ giữ gìn pháp luật hoặc là quan chức của chế độ phải am hiểu luật pháp và cuối cùng là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó người viết cũng theo tinh thần nêu trên để bình luận về ba vụ điển hình Trung-Bắc-Nam. Đúng sai tùy theo góc độ và người viết mong đón nhận mọi góp ý để học hỏi. Người viết chỉ yêu cầu DLV tham gia tích cực có lý luận, không nhất thiết phải là người Bắc như đảng trưởng lý sự cùn và kỳ thị chủng tộc của DLV. Người viết xin phép có vài ý kiến như sau.

1. Phát biểu của phía côn an "lãnh đạo côn an vì không biết là phóng viên nên mới xảy ra vụ việc". Lý giải của côn an cho thấy là tùy vị trí công tác/xã hội sẽ có giá trị khác nhau và cũng sẽ được "quan tâm" khác nhau, từ đó cho thấy "công bằng XH" của CS chỉ nói cho vui. Họ thừa biết là phóng viên nhưng tảng lờ như không biết, giả sử là thường dân thì sẽ ra sao?

Phóng viên chờ làm thủ tục xin-cho thì chỉ khác người dân khía cạnh chuyên môn và khi được tác nghiệp thì kịch bản đã hoàn thiện đúng-quy-trình. Nếu vậy thì làm ơn dẹp cánh phóng viên, nhà báo lề đảng vì chỉ đăng tải nội dung từ tuyên giáo trung ương đưa ra, bày chi hơn 700 truyền thông của đảng với hơn chục ngàn phóng viên cho hao tốn tiền thuế nhân dân.

Theo tư duy của người viết thì thông tin lề đảng đã có tiến bộ khi đụng chạm quyền lợi. Điều này nên hoan nghênh với thái độ tôn trọng và khuyến khích nếu giữ vững nguyên tắc có lẽ xa vời với người làm báo lề đảng. Người viết không phải là nhà báo hoặc phóng viên chỉ viết với cảm nghĩ của cá nhân.

2. Khi điều tra hiện trường thì nhà chức trách phải rào dây hoặc dựng bảng cảnh báo cho những ai không có trách nhiệm biết mức giới hạn. Nếu không có ít nhất động thái nêu trên thì với quyền tự do di chuyển được ghi rõ trong Hiến pháp thì không thể cấm đoán công dân tới hiện trường.

Vấn đề càng khó hiểu mà người dân cho là lạm dụng chức vụ khi nói "đây là bí mật nhà nước"(?!). Nhà nước sao lắm bí mật không thể cho nhân dân biết, đến độ một tài xế lái Taxi tự tử hoặc án mạng cũng là bí mật nhà nước? Có đại biểu quốc hội phát biểu là văn thư đóng dấu "mật" mà ai cũng biết (?!). Người viết từng chứng kiến một chị lượm túi nhựa trong bãi rác cãi với nhà cầm quyền khi bị bắt. Chị cho là rác nên vì nhu cầu mưu sinh đâu có gì sai, nhà cầm quyền lý luận chị đã xâm hại tài sản xã hội chủ nghĩa (XHCN) nên đã phạm luật. Ai đúng ai sai, người viết không bình luận vì tài sản XHCN chỉ là đống rác sao?

Cái "tài" như diễn viên phường tuồng của lãnh đạo côn an là anh cảnh sát hình sự bị "kỷ luật" với hình thức khiển trách (sau đó luân chuyển công tác lên cao hơn, ai biết được). Anh nhà báo "được" xử phạt hành chính hơn 14 triệu VND chỉ vì làm theo lời đảng.

3. Tội danh treo lơ lửng trên đầu công dân bất hay bạo động luôn là "chống người thi hành công vụ" dẫu kẻ thi hành công/tư vụ hành xử thế nào vẫn... đúng, tệ lắm là sai quy trình. Như thế nào là chống người thi hành công vụ thì nhà cầm quyền độc tài không cần giải trình. "Miệng nhà quan có gang có thép, đồ nhà khó vừa lọ vừa thâm" nên nhà cầm quyền luôn xử "công khai" để nhân dân ngửi mùi vị và cảm nhận nó khai cỡ nào.

Có bao giờ nhà cầm quyền tự hỏi, chống người thi hành công vụ phải bị trừng trị để làm gương nhưng kẻ thi hành công vụ gian ác hành dân được bào chữa với những điệp khúc "sai đến đâu xử lý đến đó và rút kinh nghiệm,..." thì kỷ cương phép nước được diễn giải ra sao để thuyết phục nhân dân? Đảng "bịt tai đánh trống" nhưng nên nhớ chỉ bịt được một tai vì tay kia phải đánh trống. Nhà cầm quyền luôn tự cho phép mình rút kinh nghiệm khi làm sai, với người dân thì phạt tù với những lý do vớ vẩn thì thử hỏi pháp luật là gì? Nó chỉ có giá trị áp đặt với kẻ bị trị?

Kết luận

Khi nhà cầm quyền tự cho phép đứng trên/ngoài pháp luật thì có đỏi hỏi công dân thượng tôn pháp luật? Chẳng lạ khi XH ngày một suy đồi, nền tảng gia đình gia đình bị đảo ngược, tình người là xa xỉ phẩm, văn hóa chỉ còn là kỷ niệm,... do đâu?

Một XH mà kẻ thực thi pháp luật chính là hung thủ, phạm pháp một cách có hệ thống thì nhà cầm quyền này phục vụ cho ai? Một nhà nước bất lực thì dẫu có viện dẫn và áp đặt điều 4 Hiến pháp có xứng tầm lãnh đạo đất nước? Một đảng chỉ biết mình làm sao để tồn tại bất chấp thiệt hại của đất nước dân tộc thì nên gọi là đảng gì?

Côn an trị là thế cuối cùng mong tồn tại của đảng cầm quyền. Chúng ta không thể tác động hoặc thay đổi nhưng phải lên tiếng.

Về phía người dân chúng ta có trách nhiệm với đất nước có ưu tư gì? Nêu những bất công XH là cần thiết nhưng chưa đủ để đất nước chúng ta khá hơn. Chúng ta nghĩ và cảm nhận gì về người dân miền Trung đang làm với tội ác của Formosa? Họ có cô đơn khi chúng ta không chung bước?

Hãy nhập cùng giòng chảy dân tộc, mỗi tiếng nói của bạn sẽ làm thay đổi vận mệnh đất nước theo chiều hướng tích cực. Cá nhân chúng ta chỉ là cánh én lẻ loi trên bầu trời u ám nên chẳng thể tạo nên mùa xuân nhưng nếu biết kết hợp, chắc chắn sẽ đem tự do dân chủ đến mọi nhà. Bạn hãy tin và cố gắng hành động trong khả năng thì chắc chắn sẽ đem mùa xuân Tự do Dân chủ cho đất nước.

Chúng ta có làm được không? Tôi tin!

1.10.2016

No comments:

Post a Comment