Wednesday, August 17, 2016

Vì sao Việt Nam phải vay Trung cộng 300 triệu USD làm cao tốc?

Mưu tính vay Trung Quốc 300 triệu USD (khoảng 7,000 tỷ đồng) để làm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dù được các bộ bị coi là “cõng rắn cắn gà nhà” như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra sức cổ vũ, giờ đây đang rất gần với thất bại. Ngay cả chính quyền Quảng Ninh cũng phải tuyên bố sẽ khó lòng vay mượn khoản tín dụng này từ Trung cộng.
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc. (Ảnh: vietq.vn)

Vì sao lại mưu tính trên lại dễ bị đổ vỡ?
Đầu tiên, một chuyên gia phản biện độc lập là ông Lê Đăng Doanh đã lôi toạc thực chất nguồn gốc rất đặc biệt của số vay 300 triệu USD trên: số tiền này được lấy ra từ quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc, chứ không phải là hỗ trợ xuất nhập khẩu. Nghĩa là điều kiện đi kèm của khoản vay này là Việt Nam phải nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc.
Ông Lê Đăng Doanh giải thích: “Trung Quốc hiện nay đang thừa quá nhiều thép và xi măng. Năng suất hằng năm của Trung Quốc đối với mặt hàng thép là 1.200 triệu tấn, Trung Quốc chỉ dùng 600 triệu tấn, số dư còn lại đang tìm cách đẩy sang liên minh châu Âu, sang Mỹ cũng như các nước khác... và đang bị các nước chống đối kịch liệt. Cho nên, bây giờ Trung Quốc dùng miếng 'mồi' 300 triệu USD này. Nếu Việt Nam nhận lời vay vốn thì Việt Nam phải nhập toàn bộ thép, xi măng, thiết kế thi công, công nhân lẫn giá, sát của Trung Quốc”.
Ông Lê Đăng Doanh cũng chỉ ra rằng đòn bẩy của Trung Quốc còn ở chỗ ban đầu họ đưa ra thiết kế rất thấp tuy nhiên, sau khi thực hiện thì giá cứ bị “đẩy lên”, dần dần giá chào rẻ ban đầu sẽ trở nên “rất đắt”. “Dự án đường cao tốc trên cao Cát Linh – Hà Đông là bài học nhãn tiền”, ông Doanh nhấn mạnh.
Nhưng còn một lý do khác mà đang phản ánh tình trạng bế tắc vay tín dụng của chính quyền Việt Nam. Đó là một khi các kênh cho vay tín dụng được coi là “truyền thống” như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), kể cả Nhật Bản đều đã đóng lại hoặc gần như chỉ còn nhỏ giọt, những kẻ vốn quen “ăn đậm” vốn ODA bắt buộc phải xoay sở sang kênh Trung cộng, dù phải chịu điều tiếng “vong thân mãi quốc”.
Từ năm 2014 đã bắt đầu hiện ra những dấu chỉ rõ rệt từ WB, IMF, ADB về việc sẽ chấm dứt các nguồn cho vay với lãi suất ưu đãi đối với Việt Nam.
Vào tháng 12 năm 2015, Victoria Kwakwa - đại diện của WB tại Việt Nam - là người đã phát ra tuyên bố: WB ngưng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam.
Logic tiếp biến của chủ đề “tiền đâu?” là hàng loạt sự kiện chẳng thể buồn hơn: Chuyến làm việc của bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), tại Việt Nam vào tháng 3/2016 đã rất đồng cảm với kết quả chuyến làm việc tại Việt Nam của ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng thế giới trước đó đúng một tháng. Cả hai ông bà này đều không hứa hẹn cung cấp bất cứ một khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo Hà Nội, dù cả đại diện WB lẫn IMF đều được những nhân vật cao nhất Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng tha thiết đón tiếp.
Vẫn chưa phải hết. Sau hai cú sốc mang tên WB và IMF, giới lãnh đạo Việt Nam còn bị giáng thêm một đòn nữa, cũng vào tháng 3/2016, khi ADB cũng tuyên bố chấm dứt cho vay ưu đãi.
Âu đó cũng là một bài học đắt giá cho những kẻ “ăn của dân không chừa thứ gì” khi để lại cho người dân và các đời con cháu Việt một núi nợ ODA khổng lồ.
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment