Theo VOA-17.08.2016
Trong một hội nghị hôm 17/8 ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã xin lỗi nhân dân về việc đoàn xe của ông hồi tuần trước đã đi vào một phố cấm ở Hội An.
Báo chí Việt Nam trích lời Thủ tướng Phúc phát biểu tại hội nghị về cải cách hành chính như sau: "Thủ tướng đã đi bộ trước hàng cây số rồi, xe ôtô vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm".
Sự việc làm thủ tướng Việt Nam phải xin lỗi diễn ra vào chiều muộn ngày 8/8 khi ông Phúc ghé thăm khu phố cổ ở thành phố du lịch Hội An trước khi dự một hội nghị về phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Nam.
Thủ tướng đã đi bộ và trò chuyện với nhiều người ở khu phố cổ. Sau chuyến thăm, trên mạng xã hội đã xuất hiện các bức ảnh và một số đoạn video cho thấy một đoàn xe có cảnh sát hộ tống được cho là của thủ tướng đã chạy trên phố đi bộ.
Những hình ảnh này đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, khiến đông đảo công chúng bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, trong đó đa số phê phán việc đoàn xe đã đi sâu vào khu phố chỉ dành cho người đi bộ. Họ cho rằng điều đó cho thấy nhiều quan chức Việt Nam thích đứng trên pháp luật cũng như thiếu tế nhị trong việc tôn trọng di sản.
Báo chí Việt Nam không đề cập trực tiếp đến sự việc cũng như phản ứng của người dân. Mặc dù vậy, ít ngày sau khi có những ý kiến ồn ào trên mạng xã hội, báo chí dẫn lời vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam xác nhận rằng đoàn xe của thủ tướng có đi vào khu vực nội thành Hội An, và địa phương nhận thấy “có sơ suất, khuyết điểm của các cơ quan phối hợp, vì sự thay đổi đột xuất về lịch trình”.
Các nhà quan sát nhận định rằng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 17/8 đưa ra lời xin lỗi về một hoạt động công vụ là điều hiếm có và là một tín hiệu tốt. Từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, người theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị ở Việt Nam, nói với VOA:
“Tôi nghĩ đấy là thể hiện tinh thần cầu thị và cũng rất là chân thành của thủ tướng. Và từ trước đến nay, sự kiện như vậy xuất hiện ý kiến ở trên mạng, chúng ta thấy là ít khi người đứng đầu của chính phủ Việt Nam lại có ý kiến xin lỗi trong một cuộc họp chính thức như vậy. Và tôi nghĩ đây là một biểu hiện tiến bộ và đáng hoan nghênh trong quan hệ giữa nhà cầm quyền và các người dân bình thường”.
Nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang ở Hà Nội cũng đánh giá rằng hành động của Thủ tướng Phúc là “một việc rất tốt”. Bà Trang cho rằng phản ứng đón nhận tích cực của công chúng với lời xin lỗi có thể làm cho các quan chức lạm dụng việc xin lỗi sau này. Mặc dù vậy, bà Trang vẫn cho rằng việc giới chức chính quyền có thái độ cầu thị hơn với dân là một bước tiến lớn. Bà nói:
“Cái tiền lệ này nếu mà bị phát huy nhiều quá, đến mức lạm dụng lại thành ra mị dân thì nó cũng không phải là tốt. So với các quan chức khác, so với các chính quyền khác, nội các khác từ trước tới giờ, thì nhiệm kỳ này ông Phúc nổi bật lên hơn hẳn. Bởi vì tôi cũng có chứng kiến các quan chức nhà nước Việt Nam từ cấp sở trở lên làm việc với người dân rất nhiều. Và họ không bao giờ có khái niệm là họ phải xin lỗi, chưa bao giờ có chuyện xin lỗi cả, không bao giờ họ sai cả. Cho nên lần này được ông thủ tướng xin lỗi thấy là quá khác luôn, đã là tốt quá, tích cực quá so với từ trước đến nay”.
Nhiều nhà hoạt động dân chủ có hàng nghìn người quan tâm trên mạng xã hội đã đăng các bài viết chỉ trích Thủ tướng Phúc liên quan đến sự việc ở Hội An. Tuy nhiên, sau khi ông Phúc xin lỗi, họ đã tuyên bố xóa các bài chỉ trích của họ.
Một số nhà hoạt động và nhà quan sát cho rằng lời xin lỗi cho thấy chính phủ và quan chức Việt Nam ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực hơn từ công luận và dường như họ bắt đầu thay đổi để thích nghi. Nhưng cũng vẫn còn sự hoài nghi rằng một lời xin lỗi chưa báo hiệu gì nhiều về sự thay đổi bản chất. Bà Trang nhận xét:
“Trong một nền văn hóa, bối cảnh chính trị mà quan coi thường dân, và dân tự coi thường mình, tự hạ thấp mình, cái điều này cũng không đủ, nó giống như một cánh én không làm nên mùa xuân. Cái điều này không làm nên thay đổi gì cả. Tôi chỉ hy vọng nó thành tiền lệ. Nhưng để nó thành tiền lệ được, chúng ta những nhà hoạt động xã hội và người dân cũng phải xúm vào và đẩy nó lên nữa chứ không phải như vậy là thành tiền lệ ngay được”.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đồng ý với nhận định rằng việc thay đổi có tính căn bản sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực. Ông nói:
“Cái việc thay đổi bản chất một chế độ, một mối quan hệ lâu nay đã được hình thành từ rất lâu và có liên quan đến rất nhiều vấn đề về hành chính, về quy định, về việc thực hiện pháp luật, thì những điều đó theo tôi cần phải có nỗ lực lâu dài hơn, và phải có sự cố gắng bền bỉ hơn”.
Về những ý kiến bày tỏ sự hứng khởi rằng các quan chức Việt Nam giờ đây phải chú ý đến hình ảnh của họ trong con mắt công chúng hơn vì phản kháng trên mạng xã hội thật sự có tác dụng, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nêu ra ý kiến thận trọng:
“Đây là chủ đề khá là an toàn nên là rất nhiều người dân thể hiện quan điểm như vậy, và có kênh nào đó đã truyền thông tin đến tai thủ tướng. Tôi không tin là với các chủ đề khác thì họ sẽ có phản ứng như vậy”.
Bà Trang nhắc lại rằng hồi năm ngoái, khi chính quyền Hà Nội có kế hoạch thay thế hàng nghìn cây xanh, gây nhiều bức xúc trong dư luận, và đây cũng là chủ đề “an toàn”, song sự phản ứng của người dân kể cả trên mạng xã hội đã không đủ mạnh và không buộc được chính quyền phải đưa ra lời xin lỗi nào.
No comments:
Post a Comment