Saturday, August 20, 2016

Nông dân mà bị phạt tù vì ‘nhận hối lộ’

Ông Nam và ông Tuấn - hai nông dân từng bị phạt tù vì “nhận hối lộ.” (Hình: Pháp luật TP.HCM)
Ông Nam và ông Tuấn – hai nông dân từng bị phạt tù vì “nhận hối lộ.” (Hình: Pháp luật TP.HCM)
VIỆT NAM – Một số tờ báo và luật sư đang đòi phải xử những cá nhân liên quan đến vụ bắt, truy tố, phạt tù hai nông dân vì họ “nhận hối lộ” và dùng trò bất lương để né trách nhiệm.
Giữa năm 2011, ông Nguyễn Thành Nam và ông Nguyễn Thanh Tuấn ngụ tại thôn Lò To, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được chi nhánh Hàm Thuận Nam của ngân hàng chính sách xã hội chọn làm tổ trưởng và tổ phó tổ cho vay vốn ở thôn Lò To. Đây là công việc mang tính tự nguyện, không được trả lương.
Từ đó, ông Nam và ông Tuấn nhận điền đơn, kiểm tra thủ tục, thay những người cần vay vốn trong thôn Lò To liên lạc với ngân hàng để vay tiền giúp họ. Do cả hai phải chạy tới, chạy lui giữa thôn Lò To với chi nhánh Hàm Thuận Nam của ngân hàng chính sách xã hội nên những người trong thôn tự nguyện trả chi phí đi lại, thù lao cho cả hai vì họ không còn thời gian để làm việc khác. Mức thù lao khoảng vài trăm ngàn/hồ sơ.
Đột nhiên tháng 3 năm 2015, ông Nam và ông Tuấn bị công an huyện Hàm Thuận Nam khởi tố vì “nhận hối lộ.” Bởi trong luật hình sự Việt Nam, “nhận hối lộ” nằm trong nhóm tội chỉ dùng để xử lý những kẻ có chức vụ, quyền hạn và trên thực tế, rất ít viên chức nhận tiền để làm hoặc không làm những việc nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của mình bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “nhận hối lộ,” mặt khác, ông Nam và ông Tuấn chỉ là nông dân, chưa kể những nông dân cùng thôn từng nhờ cả hai giúp làm thủ tục vay tiền đều khẳng định họ tự nguyện đưa tiền, thành ra vụ án làm nhiều người chưng hửng.
Ông Nam và ông Tuấn vẫn bị giam hai tháng rồi được tại ngoại chờ hầu tòa. Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát huyện Hàm Thuận Nam, tòa án huyện Hàm Thuận Nam phạt ông Nam 7 năm tù, ông Tuấn 8 năm tù.
Cả ông Nam và ông Tuấn cùng kêu oan. Tham gia kêu oan cho cả hai còn có những nông dân đã nhờ họ giúp vay vốn – những người mà hệ thống tư pháp ở Hàm Thuận Nam xác định là… “người bị hại!”
Tháng 12 năm 2015, tòa án tỉnh Bình Thuận đưa ông Nam và ông Tuấn ra xử phúc thẩm. Bản án sơ thẩm vốn được xếp vào loại kỳ quái bị hủy vì thiếu căn cứ. Tòa án tỉnh Bình Thuận yêu cầu công an huyện Hàm Thuận Nam điều tra lại vụ án.
Hệ thống tư pháp huyện Hàm Thuận Nam đứng trước nguy cơ phải bồi thường vì đã gây hàm oan. Những cá nhân tham gia vào việc bắt, điều tra, truy tố, kết tội ông Nam và ông Tuấn có thể sẽ bị kỷ luật. Tới lúc đó, công an huyện Hàm Thuận Nam bắt đầu làm xiếc. Những nông dân được xác định là “người bị hại” – từng đi kêu oan cho ông Nam và ông Tuấn bị triệu tập, bị ép phải ký vào các “đơn tố cáo” ông Nam và ông Tuấn đã được soạn sẵn. Ông Nam và ông Tuấn thì được triệu tập, yêu cầu phải viết đơn xin miễn trách nhiệm hình sự, nếu không sẽ bị tạm giam trở lại.
Dựa trên các “đơn tố cáo” của những “bị hại” và đơn xin miễn trách nhiệm hình sự của ông Nam và ông Tuấn, công an huyện Hàm Thuận Nam ra hai quyết định, một – đình chỉ vụ án, hai – đình chỉ bị can vì “chuyển biển của tình hình.” Theo luật hình sự của Việt Nam, “chuyển biển của tình hình” là khái niệm chỉ tình trạng, do các diễn biến từ thực tế cuộc sống nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự không cần thiết nữa.
Nói cách khác, vụ án được đóng lại không phải vì ông Nam và ông Tuấn oan mà vì chuyện phạm tội của họ không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Hệ thống tư pháp ở huyện Hàm Thuận Nam vừa thoát được trách nhiệm do gây hàm oan, vừa được tiếng là “nhân đạo.”
Đây cũng là chiêu mà trong thời gian vừa qua, hệ thống tư pháp tại nhiều nơi ở Việt Nam thường xuyên áp dụng để khỏi phải bồi thường cho những người bị bắt, bị giam, bị kết án oan. Dẫu đã được xác định là bất lương nhưng không có viên chức tư pháp nào bị truy cứu trách nhiệm về kiểu né tránh trách nhiệm này.
Trong vụ ông Nam và ông Tuấn, một số tờ báo và một số luật sư khẳng định, có những chứng cứ rõ ràng về việc công an huyện Hàm Thuận Nam đã phạm pháp. Việc triệu tập những người nhờ ông Nam và ông Tuấn làm thủ tục giúp vay vốn, ép họ ký vào các “đơn tố cáo” đã soạn sẵn là “xâm phạm hoạt động tư pháp,” “cưỡng ép người khác khai báo gian dối.” Ông Nam và ông Tuấn cũng đã được các luật sư khuyến khích tố cáo hệ thống tư pháp ở huyện Hàm Thuận Nam “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.”

Chưa rõ lần này, các điều tra viên của công an, các kiểm sát viên và thẩm phán của huyện Hàm Thuận Nam có xếp hàng ra tòa hay không? (G.Đ)

No comments:

Post a Comment