Saturday, August 20, 2016

Đảng đã "ngồi xổm" lên pháp luật như thế nào?

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Sau bài "phường bán nước hại dân" một còm yêu cầu mình giải thích đảng ngồi xổm lên pháp luật là như thế nào và nêu các dẫn chứng cụ thể. Xét thấy: đáp ứng yêu cầu trên nếu dùng còm thì khá dài nên mình viết bài này.

"Ngồi xổm" hay "ngồi chồm hỗm" là kiểu ngồi gập chân lại, đùi áp vào bụng và ngực, mông không chấm chỗ. Không giống như những kiểu ngồi khác kiểu này chân không được nghỉ vì mông không tiếp xúc và ở bên trên chỗ ngồi. Ngồi xổm là tư thế ngồi hay dùng khi đi ị. Theo cách nói dân dã có phần dung tục, để tỏ ý coi thường hay khinh bỉ một cái gì đó người ta hay doạ "ị vào nó". Bởi vậy câu có cấu trúc "'chủ ngữ' ngồi xổm lên 'chỗ ngồi'" thường để ám chỉ chủ ngữ ở trên và coi thường "chỗ ngôi". Chẳng hạn nói đảng ngồi xổm lên pháp luật ám chỉ đảng ở trên hay ngoài vòng và coi thường pháp luật. 

Coi thường, xem thường hay khinh nhờn pháp luật chỉ hiện tượng không chấp hành hay chấp hành không nghiêm gọi chung là vi phạm pháp luật. Những năm gần đây mặc dù đảng và nhà nước liên tục hô hào "sống làm việc theo pháp luật", "xây dựng nhà nước pháp quyền", "thượng tôn pháp luật", "kỷ cương, tình thương, trách nhiệm"... nhưng hiện tượng coi thường pháp luật ở Việt Nam vẫn ngày càng nhiều và trở thành phổ biến. Gu gồ "coi thường pháp luật" cho ra khoảng gần 2.000.000 kết quả, tiếp "số lượng tù nhân" thấy Việt Nam hiện có 40 nhà tù giam giữ khoảng từ 4 đến 6 vạn phạm nhân. Số lượng phạm nhân gia tăng dẫn tới tình trạng quá tải của hệ thống nhà tù nên năm 2016 bộ công an đã trình đề án cho phạm nhân ra tù trước thời hạn và được chính phủ chấp thuận cho thực hiện vào năm 2017. Nếu xét đến cả những hậu quả của coi thường pháp luật với xã hội như: môi trường sống của người dân ngày càng bị hủy hoại nặng nề, thực phẩm chứa hoá chất độc hại có mặt trong bữa ăn của hầu khắp các gia đình, tham nhũng tràn lan, tệ nạn xã hội gia tăng thì hiện tượng này đã tới mức đáng báo động. Không mấy khó khăn để nhận thấy sở dĩ "hạ tắc loạn" là do "thượng bất chính". Đảng lực lượng duy nhất lãnh đạo xã hội, nắm cả ba quyền không những là kẻ đầu têu, khơi mào mà còn "coi thường pháp luật" thuộc hàng số dzách. Tất nhiên, khác với các công dân đơn lẻ vi phạm pháp luật của đảng là kiểu có tổ chức, có hệ thống, trên cả ba lĩnh vực lập, hành, tư pháp. 

Điển hình và nổi bật nhất là đã tước bỏ, hạn chế những quyền tự do của con người, của công dân ghi trong hiến pháp. Cách tước đoạt tuỳ thuộc vào từng giai đoạn cách mạng. Giai đoạn hãy còn được dân mê đắm, mụ mị tin yêu, đảng không ngại ngần tước bỏ những quyền tự do thậm chí cả quyền sống của dân miễn sao là đạt được mục đích của mình. Cải cách ruộng đất giết oan hàng vạn người vô tội, vụ án nhân văn giai phẩm tước quyền sáng tác và đày đọa hàng trăm văn nghệ sĩ chỉ bằng những phiên tòa đấu tố sơ sài và những lệnh miệng đã diễn ra trong thập kỷ 50 thế kỷ trước là giai đoạn dân tộc vẫn đang ngây ngất với "lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu" do đảng lãnh đạo. Sau hai sự kiện trên dù có bị sứt mẻ đôi chút nhưng niềm tin mù quáng còn lại của dân vẫn đủ để đảng tước bỏ quyền tư hữu ruộng đất, công cụ sản xuất của họ trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp diễn ra tiếp ngay sau đó. Đến thời bao cấp, tiến hành "giải phóng miền Nam" thì cái niềm tin còn lại đó lại được hâm nóng bởi lòng "căm thù địch" và tình cảm "vì miền Nam ruột thịt" khiến dân miền Bắc hầu như tự nguyện để đảng tước bỏ nhiều quyền tối thiểu của một con người. Sau khi hội nhập đổi mới, tham gia ký kết các công ước quốc tế về nhân quyền, trước sự đòi hỏi gay gắt về các quyền tự do dân chủ, đảng không thể trắng trợn như trước nhưng vẫn tước bỏ bằng cách cố tình trì hoãn ban hành các điều luật như luật biểu tình, luật lập hội hoặc đưa vào những điều luật để hạn chế quyền tự do ngôn luận như các điều 79, 88, 258, nghị định cấm khiếu kiện đông người, cấm tụ tập nơi công cộng... 

Nắm cả lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp đảng dễ dàng thao túng pháp luật. Hiến pháp được coi là bộ luật cơ sở để xây dựng hệ thống pháp luật nhưng hễ có đụng chạm tới lợi ích của mình, đảng lại giao cho quốc hội bù nhìn sửa đổi. Nên trong vòng 70 năm Việt Nam đã có tới 5 hiến pháp là HP 1946, HP 1959, HP 1980, HP 1992, HP 2013. Và thật trớ trêu HP 1946, HP đầu tiên lại được đánh giá là tiến bộ nhất so với các HP ra đời sau nó, còn các điều trong HP 2013 thì mâu thuẫn nhau chẳng hạn như điều 4 và điều nói về việc công dân tham gia quản lý nhà nước. Hệ thống luật được quốc hội thảo luận, thông qua rồi ban hành thì chồng chéo, vi hiến đến nỗi chính các đại biểu cũng phải thú nhận "Việt Nam có một rừng luật nhưng lại chuyên sử dụng luật rừng" hay "luật pháp ở Việt Nam biến con khủng long thành con thạch sùng dễ như bỡn". Các văn bản dưới luật do chính quyền các cấp ban hành cũng đầy rẫy nhưng bất hợp lý, vi hiến, mâu thuẫn với các bộ luật đang sử dụng. Hội nghị tổng kết năm 2015 của ngành tư pháp cho biết kiểm tra 76.453 văn bản thì có tới 12.453 mắc các lỗi hết hiệu lực, trái pháp luật, chồng chéo, không còn phù hợp. Các vụ án oan nổi tiếng của các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm được đưa ra ánh sáng trong thời gian gần đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm có tên "những bê bối của ngành tư pháp Việt Nam". Ngành mang các đặc điểm như xử theo chỉ thị của đảng, thường xuyên nhạo báng công lý, chuyên dùng án bỏ túi, xử đúng cũng được mà sai cũng được. 

Với số lượng hơn 4 triệu đảng viên tham gia hầu như toàn bộ các cương vị lãnh đạo quản lý từ cơ sở tới TW đảng đã góp một phần không nhó số lượng đảng viên của mình vào đội ngũ các công dân coi thường pháp luật. Được bảo kê vì có "nhân thân tốt" cái số lượng không nhỏ này đã không ngại ngần vi phạm, lợi dụng kẽ hở pháp luật để "ăn của dân không chừa một thứ gì","làm nghèo đất nước". 

Sự coi thường pháp luật của đảng xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có một nguyên nhân mà khi đọc lên nghe rất cù nhầy là "coi thường pháp luật vì coi thường pháp luật" nhưng lại đúng vì cái "coi thường" là nguyên nhân này cũng rất có hệ thống, nhất quán từ quan điểm, chủ trương đến hành động. Khi còn đương chức cố TBT Lê Duẩn đã có lúc bất cần tới luật pháp qua câu nói bất hủ: "Nhà nước ta là nhà nước XHCN, nhà nước do dân và vì dân chứ không phải là nhà nước tư bản của giai cấp tư sản. Chúng nó cần pháp luật để cai trị bóc lột nhân dân còn chúng ta là nhà nước XHCN chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ". Các hậu duệ sau này đã biết dùng luật pháp để trị dân, đã nói tới xây nhà nước pháp quyền nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức coi nó là công cụ, là "thể chế hoá đường lối lãnh đạo của đảng", "văn kiện chính trị pháp lý quan trọng thứ hai sau cương lĩnh chính trị". Quan niệm về pháp luật như vậy nên khi cần đảng không ngần ngại đặt các chủ trương đường lối của đảng lên trên pháp luật. Luật về an ninh, môi trường đã không ngăn được dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên vì đó là chủ trương lớn của đảng. Cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay ba ông Sang, Hùng, Dũng vốn một thời hét ra lửa dù không bị kỷ luật gì vẫn phải ngậm ngùi rời chính trường sớm hơn 3 tháng so với nhiệm kỳ bởi luật tổ chức quốc hội không quan trọng bằng cơ cấu nhân sự của đảng. Gần đây Fomosa gây ra thảm họa môi trường tại miền Trung vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ môi trường nhưng vì "tình hữu nghị", vì chọn phát triển bằng mọi giá, có thể vì đã trót nhận tiền... đảng đã kiên quyết không khởi kiện và chỉ nhận tiền đền bù bằng đúng số tiền ưu đãi thuế cho doanh nghiệp này. 

Có thể vì tên nước có cụm từ XHCN nên đảng rất thích dùng cụm từ này để thêm thắt vào các tên gọi. Trước đây thì có "Con người mới XHCN", "tổ, đội lao động XHCN", "tập thể XHCN", và gần đây thì liên tục hô hào xây "nhà nước pháp quyền XHCN". So sánh nhà nước pháp quyền XHCN với nhà nước pháp quyền của các nước dân chủ ở phương Tây thấy chỉ khác nhau là có sự lãnh đạo của đảng. Chợt phát hiện ra: đảng ngày càng "ngồi xổm" trên pháp luật không phải chỉ để "ị" vào nó mà còn để đẩy nhanh tốc độ xây nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước mà mỗi lần nghe nhắc tới thì hình ảnh đảng đang ngồi chồm hỗm trên chiếc xí xổm ghi hai chữ "pháp luật" lại hiện về. 

20.08.2016

No comments:

Post a Comment