HÀ NỘI (NV) – “Trong năm 2015 có 15 người nhập quốc tịch Việt Nam, 14 người trở lại quốc tịch Việt Nam và số liệu chính thức thôi quốc tịch Việt Nam là 4,474 người.”
Tờ Dân Trí hôm Thứ Năm 25 tháng 8, 2016 dẫn tin tức từ Bộ Tư Pháp CSVN viết bản tin như thế khi đưa ra thống kê của bộ này cho thấy, “từ ngày 1 tháng 1, 2015 đến ngày 31 tháng 12, 2015 đã có 748 người thông báo có quốc tịch nước ngoài, trong đó 22 người thông báo có quốc tịch nước ngoài tại Sở Tư Pháp và 726 người thông báo có quốc tịch nước ngoài tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.”
Trong thời gian này, tờ Dân Trí dẫn các con số của Bộ Tư Pháp viết tiếp chi tiết là “có 15 người nhập quốc tịch Việt Nam, 14 người trở lại quốc tịch Việt Nam và số liệu thôi quốc tịch Việt Nam là 4,474 người. Bộ Tư Pháp khẳng định đây là số liệu chính thức được quản lý tại Cục Hộ Tịch, Quốc Tịch và Chứng Thực.”
Tờ báo trên dẫn thống kê về tình hình năm nay về tình hình gia nhận hay “thôi” quốc tịch Việt Nam nói “quý 2, 2016, bộ trưởng Bộ Tư Pháp đã trình chủ tịch nước giải quyết 2,708 hồ sơ quốc tịch (trong đó có 2,699 hồ sơ xin thôi quốc tịch, 5 hồ sơ xin nhập và 4 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam).”
Nghĩa là tình hình có người Việt Nam xin “thôi” quốc tịch lên hàng ngàn trong khi số người xin “trở lại” hay “xin nhập” đều đếm được trên đầu ngón tay.
Tờ Dân Trí kể lại hai trường hợp gây “bão” dư luận gần đây như “ông Trương Đình Anh – cựu CEO của Tập Đoàn FPT – quyết định cùng gia đình sang Mỹ sống và làm việc dài hạn,” và “còn có chuyện doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường ‘ỉm’ chuyện nhập quốc tịch Cộng Hòa Malta nên không được công nhận là đại biểu Quốc Hội Khóa 14.”
Nhưng người ta biết rằng trong khoảng 100,000 sinh viên Việt Nam đang du học ở ngoại quốc, một số khá lớn trong đó tìm mọi cách để ở lại. Một trong những lý do chính là sở học của họ sẽ không có chỗ dùng, lương bổng rất thấp đến không đủ sống và không thể chen vào hệ thống công quyền, nơi có cơ hội ăn hối lộ, tham nhũng.
Xã hội Việt Nam lâu nay truyền tụng những câu tục ngữ “Thứ nhất hậu duệ. Thứ nhì quan hệ. Thứ ba tiền tệ. Thứ tư trí tuệ.”
Người ta đề cập khá nhiều về tình trạng, ngay các quan chức các cấp, sau khi đã vơ vét được những khoản tiền lớn rồi cũng đều tìm cách mang tiền ra nước ngoài mua nhà, đầu tư, mua cơ sở kinh doanh. Một số dịch vụ giới thiệu cơ hội bỏ ra $500,000 đầu tư ở Mỹ để người ta có thẻ xanh thường trú trên đấy Mỹ được tổ chức nhiều lần trong vài năm gần đây tại Hà Nội và Sài Gòn. Công ty môi giới ăn những khoản lệ phí hàng chục ngàn đô la.
Dù số người “xin thôi” quốc tịch Việt Nam ngày càng nhiều hơn như vậy, tờ Thanh Niên dẫn báo cáo “Chỉ số hành tinh hạnh phúc 2016” nói “Việt Nam xếp thứ 5 trong số các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới.”
Bản tin của tờ Thanh Niên thuật lại “theo báo Independent ngày 21 tháng 7, 2016 dẫn báo cáo chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index – HPI) do Quỹ Kinh Tế Mới (New Economics Foundation – NEF, có trụ sở tại Anh) công bố cho thấy Việt Nam xếp thứ 5 trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Theo báo cáo này, Costa Rica, quốc gia nhỏ bé ở khu vực Mỹ Latinh đứng đầu trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Kế tiếp là Mexico, Colombia, Vanuatu, Việt Nam, Panama, Nicaragua, Bangladesh, Thái Lan và Ecuador.”
Trước đó, báo Thanh Niên ngày 8 tháng 1, 2016, dựa vào một bản tin về “khảo sát trên 68 quốc gia của Viện Gallup (Mỹ) năm 2015 cho thấy người Việt Nam hạnh phúc thứ 5 trên thế giới. Đất nước hạnh phúc nhất hành tinh là Colombia.”
“Cuộc khảo sát này công bố ngày 31 tháng 12, 2015, được Viện Gallup (Mỹ) thực hiện trên 66,040 cư dân ở 68 nước từ tháng 9 đến tháng 12, 2015, yêu cầu họ trả lời câu hỏi: “Bạn thấy cuộc sống của mình là rất hạnh phúc, hạnh phúc, không hạnh phúc cũng chẳng bất hạnh, bất hạnh hay rất bất hạnh?”
Báo Người Đưa Tin ngày 21 tháng 11, 2014 còn dựa vào bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới do tổ chức nghiên cứu xã hội Quỹ Kinh Tế Mới (New Economic Foundation) có trụ sở tại Anh công bố, nói “Việt Nam xếp thứ 2, sau Costa Rica.”
Với con số xin “thôi” quốc tịch hàng ngàn người mỗi năm, còn người xin “nhập” lại đếm trên đầu ngón tay, người ta có thể dễ dàng trả lời câu hỏi Việt Nam có phải là “quốc gia thuộc loại hạnh phúc nhất trên thế giới” hay không. (TN)
No comments:
Post a Comment