Saturday, July 16, 2016

Trẻ em nghèo bị đối xử như nô lệ ở Việt Nam


Một trong hai đứa trẻ vừa trốn khỏi bãi vàng nơi chúng bị ép làm việc như nô lệ bên cạnh ân nhân (người đưa chúng ra khỏi rừng, cho ăn và giao chúng lại cho chính quyền xã). (Hình: Tuổi Trẻ)
Một trong hai đứa trẻ vừa trốn khỏi bãi vàng nơi chúng bị ép làm việc như nô lệ bên cạnh ân nhân (người đưa chúng ra khỏi rừng, cho ăn và giao chúng lại cho chính quyền xã). (Hình: Tuổi Trẻ)

QUẢNG NAM (NV) – Hệ thống công quyền ở Việt Nam chỉ tiếp nhận và đưa hai trẻ ngụ ở Nghệ An, bị gạt vào Quảng Nam làm nô lệ tại một bãi vàng về nhà và coi như đã hết trách nhiệm.
Ngày 11 tháng 7, chính quyền xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam xác nhận đã tiếp nhận hai thiếu niên, một 15 và một 17 tuổi vừa đào thoát khỏi một bãi vàng thuộc xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn.
Cả hai cùng ngụ tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, tin vào lời hứa giúp tìm việc làm nên bị gạt, bị giao cho chủ một bãi vàng. Ở đó, cả hai bị buộc làm việc mười tiếng một ngày mà không hề được trả lương. Hai thiếu niên kể thêm rằng tất cả phu đào vàng đều bị cưỡng ép làm việc như nô lệ nhưng không ai dám phản kháng hoặc bỏ trốn vì tất cả đều bị giám sát hết sức chặt chẽ.
Đêm 9 tháng 7, 2016, tận dụng sơ hở của chủ bãi vàng, bảy phu đào vàng đã dắt nhau bỏ trốn. Năm người khác đang lạc đâu đó trong rừng, còn hai thiếu niên may mắn được dân địa phương tìm thấy khi đã kiệt sức trong một khu rừng.
Những khuyến cáo của các chính phủ, tổ chức bảo vệ nhân quyền về tệ nạn buôn người, cưỡng ép con người làm việc như nô lệ tại Việt Nam dường như chẳng đến đâu.
Hồi tháng 9 năm ngoái, báo chí Việt Nam xới lên chuyện ba đứa trẻ thuộc sắc tộc Xê Đăng là: Hồ Văn Đôi – 13 tuổi, Hồ Văn Điếu – 14 tuổi, Hồ Văn Bâng – 15 tuổi, cùng ngụ tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, bị một phụ nữ gạt (giới thiệu cho cả ba đi làm, với mức lương là ba triệu đồng/tháng/người) rồi giao cho ông Đoàn Văn Phước, chủ một trại gỗ ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam… Sau hơn một tháng bị ép làm việc quần quật, cả ba thắc mắc tại sao không được trả lương thì ông Phước dọa “đập chết.” Biết bị gạt, cả ba đứa trẻ bỏ trốn, còn ông Phước cho người đi tìm, bắt chúng quay lại.
Ngày 4 tháng 9, người của ông Phước tìm được ba đứa trẻ lúc chúng đi đến xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. May mắn là dân địa phương kịp gọi điện thoại báo cho công an xã nên cả ba đứa trẻ được giải cứu rồi được chuyển cho Trung Tâm Công Tác Xã Hội tỉnh Quảng Nam.
Đáng nói là sau scandal vừa kể, ông Phước vẫn vô sự. Đó cũng là lý do buôn người và cưỡng ép làm nô lệ tiếp tục là vấn nạn vừa phổ biến, vừa nghiêm trọng tại Việt Nam.
Năm 2013, Walk Free – một tổ chức chuyên tranh đấu cho nhân quyền, công bố “Chỉ số tình trạng nô lệ 2013.” Theo đó, xét trên bình diện toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 64/162 về tình trạng công dân bị buộc làm nô lệ. Nếu xét riêng khu vực Châu Á, Việt Nam xếp thứ 9. Còn xếp theo tổng số nô lệ, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới.
Con số nô lệ tại Việt Nam được Walk Free ước đoán nằm trong khoảng từ 240,000 đến 260,000. Walk Free nhận định, tình trạng người Việt bị cưỡng ép lao động phổ biến cả ở bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam.
Walk Free không phải là tổ chức đầu tiên cảnh báo về tình trạng nô lệ tại Việt Nam. Hồi tháng 8 năm 2013, BBC từng đăng một phóng sự điều tra của Marianne Brown về “nô lệ trẻ em” ở Việt Nam. Thông qua Quỹ Trẻ Em Blue Dragon, bà Brown đã tiếp xúc với nhiều đứa trẻ được Blue Dragon giải cứu. Đa số là con em người thiểu số sống tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, bị dụ dỗ vào Sài Gòn rồi bị cầm giữ, bị buộc phải làm việc trong các xưởng may, bị ép ăn xin, thậm chí bán dâm.
Theo bà Brown, 25% số trẻ em mà Blue Dragon giải cứu hồi năm 2012 là những đứa trẻ bị ép phải làm việc trong các xưởng may ở Sài Gòn. Những “xưởng may” này thường rất chật hẹp và vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ăn ở của hàng chục đứa trẻ. Chủ xưởng chỉ cho các em vào nhà tắm 8 phút một ngày. Tám phút đó dành cho cả việc đánh răng, tắm rửa và đi vệ sinh.
Nói cách khác, sau khi trở thành nổi tiếng vì là một trong những cái nôi của tệ buôn người, nổi tiếng vì phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị biến thành hàng hóa để bán đi Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Âu, Việt Nam tiếp tục nổi tiếng vì người Việt bị biến thành hàng hóa để mua bán ngay tại Việt Nam.
Ông Florian Forster, trưởng Văn Phòng Di Trú Quốc Tế (IOM) tại Việt Nam, từng nói với bà Brown: Buôn người xuyên biên giới đã được công nhận từ lâu nhưng buôn người tại Việt Nam chỉ mới được chính thức thừa nhận từ năm 2011.
Bà Vũ Thị Thu Phương, một thành viên trong Dự án liên kết các tổ chức Liên Hiệp Quốc để phòng chống buôn người (UNIAP) từng xác nhận: Hầu hết các vụ buôn người tại Việt Nam không bị coi là tội phạm mà chỉ bị phạt hành chính.

Mới đây, ngày 14 tháng 7, 2016, một viên tướng là tổng cục phó Tổng Cục Cảnh Sát của Bộ Công An Việt Nam, thú nhận, tệ nạn buôn người hiện diện ở 63/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam và chỉ tăng chứ không giảm. Trung bình, mỗi năm, có 1,000 người Việt bị lừa bán ra ngoại quốc. Viên tướng này không hề đả động đến tình trạng lừa gạt, buôn bán, cưỡng ép làm việc như nô lệ ngay tại Việt Nam. (G.Đ)
16-07-2016

No comments:

Post a Comment