Sau khi ký Nghị định 72 vào năm 2013, đường công danh của Thủ tướng Dũng đã trở thành hoạn lộ và sụp đổ. Còn với Thủ tướng Phúc? (Ảnh: nguyentuongthuy2012.wordpress.com)
Trao đổi với BBC Tiếng Việt, phóng viên, nhiếp ảnh gia Đoàn Bảo Châu từ Hà Nội nói nghị định khiến ông thấy “rất vô lý” và “đi ngược xu hướng phát triển của xã hội”. Ông nói: “Thế giới chúng ta sống bây giờ là thế giới phẳng. Nhu cầu chia sẻ thông tin là một nhu cầu chính đáng và tất yếu của xã hội. Và sự tự do ngôn luận, tự do biểu đạt ý kiến cá nhân cần được động viên để đi cùng sự phát triển của xã hội. Thế mà tự nhiên lại xuất hiện một nghị định thế này, không phù hợp với sự phát triển của xã hội. Bởi vì nếu mà đúng làm theo nghị định này thì cứ mỗi khi chúng ta phải đưa một chia sẻ ảnh lên mạng xã hội thì chúng ta phải xin phép! Tôi nghĩ theo xu hướng phát triển xã hội thì người ta cần phải cởi bỏ hơn để luồng thông tin được trôi chảy một cách thuận tiện hơn thì bây giờ người ta lại bóp lại.”
Một phân tích khác cho rằng với quy định mới của nghị định 72/2016/NĐ-CP, những người chụp ảnh và đưa lên Facebook có thể sa vào vòng lao lý giăng sẵn nếu cơ quan công an muốn như thế.
Trong thời gian qua, có nhiều biểu hiện cho thấy chính quyền và công an CSVN “lên ruột” với nhiều phản biện và hình ảnh được loan tải trên mạng, đặc biệt là trên Facebook. Câu tán thán “chúng ta không thể cấm được Facebook đâu các đồng chí à!” của người còn là “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” vào năm 2015 đã ám ảnh giới công an trị và tuyên giáo, đến nỗi các cơ quan này phải tham mưu cho đảng và chính phủ ra nghị định 72 để “”siết” lại.
Không biết do ngẫu nhiên hay bởi “trời định”, nghị định 72 năm 2016 lại trùng số với nghị định 72 được Chính phủ ban hành vào cuối năm 2013 nhằm “siết” các blog và trang web “lề trái”. Thậm chí trùng thời gian ban hành: tháng Bảy. Chỉ khác người ký: Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 7/2013 và Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 7/2016.
Nhưng sau hai năm rưỡi ban hành nghị định 72 từ năm 2013, cho tới nay Bộ Thông tin - truyền thông và Bộ Công an đã bắt đầu phải chấp nhận một thực tế trần trụi là việc “quản” mạng xã hội khó hơn họ tưởng rất nhiều. Nếu nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã không thể gò bó được hoạt động của mạng xã hội, thì một nước còn đang phát triển như Việt Nam chỉ nên đứng nhìn.
Tại đại hội đảng 12, người trở thành Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông - ông Trương Minh Tuấn - trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhà nước, đã lần đầu tiên “Tôi thừa nhận thực trạng mà chúng tôi chưa tìm ra được giải pháp là việc quản lý mạng xã hội. Đây không chỉ là khó khăn của Việt Nam, mà các quốc gia khác cũng vậy”.
Câu hỏi đặt ra là trong khi đi ngược với xu thế thế giới và cũng chẳng làm cách nào để “quản” được mạng xã hội, Chính phủ Việt Nam lại ban hành thêm một nghị định 72 nữa để làm gì?
Nếu nghị định 72 vào tháng Bảy năm 2013 của Thủ tướng Dũng đã bị cộng đồng nhân quyền quốc tế phản ứng quyết liệt, thì nghị định 72 vào tháng Bảy năm 2016 của Thủ tướng Phúc ký có lẽ cũng không tránh khỏi số phận như thế. Thậm chí, nó còn trở thành một trò cười trước rất đông người dân Việt Nam đang hàng ngày sử dụng Facebook để “tán phát tài liệu phản động”.
Một câu hỏi khác không thể không đặt ra là khi ký bản nghị định 72 năm 2016, Thủ tướng Phúc có đọc kỹ nội dung về cấm đoán “triển lãm hình ảnh trên Facebook” không? Nếu việc ký chỉ do ông Phúc “vô tình”, liệu cơ quan tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng Phúc về bản nghị định này mà do đó đang làm mất mặt ông là cơ quan nào – Bộ Công an hay Bộ Thông tin và Truyền thông, hay cả hai?
Nếu hình dung sự việc một cách hơi duy tâm thì có thể nhận ra là sau khi ký Nghị định 72 vào năm 2013, đường công danh của Thủ tướng Dũng đã trở thành hoạn lộ và sụp đổ trong hai năm tiếp theo. Còn với Thủ tướng Phúc sẽ ra sao?
07/16/2016 - 07:13
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment