Blogger Nguyễn Hữu Vinh (tức Anh Ba Sàm) và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thúy trong phiên tòa xét xử tại Hà Nội, ngày 23 tháng 3, 2016.
VOA-26-04-2016
Mỹ hối thúc chính phủ Việt Nam phóng thích tất cả những tù nhân chính trị và chấm dứt sách nhiễu những nhà hoạt động xã hội dân sự. Giới chức Bộ Ngoại giao đưa ra lời kêu gọi này trước chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam vào tháng 5.
"Việc thúc đẩy nhân quyền vẫn là một phần hệ trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là một khía cạnh trọng yếu của cuộc đối thoại đang diễn tiến của chúng tôi bên trong mối quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hôm thứ Hai cho biết, vào lúc Mỹ và Việt Nam tổ chức Cuộc Đối thoại Nhân quyền lần thứ 20 của hai nước tại Washington.
Cuộc Đối thoại bàn về một loạt những vấn đề nhân quyền, bao gồm tầm quan trọng của việc tiếp tục đạt tiến bộ về những nỗ lực cải cách luật pháp, nền pháp trị, quyền tự do ngôn luận và hội họp, quyền tự do tôn giáo, quyền lao động, quyền người khuyết tật, quyền của người LGBT (đồng tính, lưỡng tính và cải tính), hợp tác đa phương, cũng như những trường hợp cá nhân đáng quan tâm, theo Bộ Ngoại giao.
Mỹ bày tỏ lo ngại sâu sắc về trường hợp của luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người đã bị chính quyền bắt giữ vào giữa tháng 12 năm 2015.
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Vụ bắt giữ được thực hiện khi ông đang chuẩn bị gặp gỡ những đại biểu của Liên minh châu Âu đang ở Hà Nội để tham dự cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam.
Nói về trường hợp của ông Nguyễn Văn Đài cuối tháng 12, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo đảm những hành động của mình phù hợp với những nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam và kêu gọi Hà Nội "phóng thích vô điều kiện tất cả những tù nhân lương tâm."
Một trường hợp thu hút nhiều sự chú ý khác là vụ xét xử blogger Nguyễn Hữu Vinh, còn được biết với cái tên Anh Ba Sàm, người đã bị kết án năm năm tù giam hồi tháng trước về điều mà chính quyền gọi là "lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước."
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nêu lên một số lo ngại về Việt Nam trong Báo cáo Quốc gia về Tình hình Nhân quyền năm 2015. Những vấn đề này bao gồm "những hạn chế nghiêm trọng của chính phủ đối với những quyền chính trị của người dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ thông qua những cuộc bầu cử tự do và công bằng; những giới hạn đối với những quyền tự do dân sự của người dân, bao gồm quyền tự do hội họp, lập hội và biểu đạt; và sự bảo vệ không đầy đủ những quyền được xét xử theo trình tự pháp luật, bao gồm sự bảo vệ chống lại việc giam giữ tùy tiện."
Phó Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) trong chuyến thăm Đại học Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội, ngày 21 tháng 4, 2016.
Trong khi báo chí vẫn phải đối mặt với tình trạng kiểm duyệt và những hạn chế pháp lý ở Việt Nam, Phó Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ghi nhận tiến bộ về nhân quyền của Hà Nội, bao gồm những cam kết đưa pháp luật trong nước nhất quán với những nghĩa vụ nhân quyền quốc tế.
Ông Blinken hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn và Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người Khuyết tật, cũng như cho phép "những công đoàn độc lập lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại," trong một bài phát biểu tại trường Đại học Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội thứ Năm tuần trước.
Ông cũng khen ngợi những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc tham khảo ý kiến với những bên liên quan như chức sắc tôn giáo địa phương và xã hội dân sự trong việc soạn thảo luật tôn giáo mới mà Mỹ hy vọng sẽ bảo vệ quyền lợi của những người thuộc mọi tín ngưỡng khác nhau.
No comments:
Post a Comment