CTV Danlambao - 7 giờ sáng nay (17/3/2016), khoảng 200 người gồm công an sắc phục, dân phòng, nhân viên môi trường đô thị đã đến cưỡng chế đất, phá nhà người dân tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Sài Gòn.
Chị Thanh, một người dân có nhà thuộc diện bị cưỡng chế cho CTV Dân Làm Báo biết: “Họ đến từ lúc 7 giờ sáng, đọc lệnh cưỡng chế rồi tiến hành phá dỡ luôn. Khi chúng tôi yêu cầu được đọc lệnh cưỡng chế, họ từ chối”.
Việc cưỡng chế nhà dân, giải phóng mặt bằng được nhà cầm quyền tiến hành nhằm mục đích thực hiện Dự án Tham Lương-Bến Cát.
Dự án Tham Lương-Bến Cát được nói rằng để giải quyết tình trạng ngập nước, cải thiện môi trường cho khu vực trung tâm thành phố. Nhà cầm quyền bắt đầu thực hiện việc di dời từ năm 2004. Đến nay đã có gần 2.800 hộ dân bị di dời. Khu vực bị cưỡng chế sáng nay gồm hơn 200 hộ dân thuộc phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.
Dự án do Trung tâm Chống ngập thành phố làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư là 450 triệu USD bao gồm vốn vay của World Banks (Ngân hàng Thế giới) và vốn đối ứng của Tp Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, với mức giá đền bù quá rẻ mạt nên nhiều hộ dân thuộc quận Bình Tân đã không chấp thuận.
Ông Mai Quốc Tuấn, một trong những nạn nhân của việc cưỡng chế cho chúng tôi biết mức giá đền bù chỉ bằng một phần mười mức giá mà lẽ ra họ được nhận. Khi được hỏi dựa vào đâu để khẳng định những hộ dân này chỉ nhận được 1/10 số tiền bồi thường dẫn đến việc không nhận tiền đền bù, ông Tuấn nói:
“Chúng tôi dựa vào những thông tin, báo, đài và đồng thời thông tin của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân đã họp với lại ngân hàng World Bank là ngân hàng thế giới cho VN vay tiền để đầu tư xây dựng dự án này. Riêng kênh thông tin chính phủ thì đã nói rõ rằng là số tiền 7 ngàn tỷ của World Bank cho Việt Nam vay để hỗ trợ bồi thường cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này là số tiền 7 ngàn tỷ, đó là thông tin trên mạng chính phủ. Còn bây giờ, thực tế người dân chúng tôi ở dưới đây chỉ nhận được 1/10 so với số tiền đó. Tức là mỗi một hộ, tính bình quân phải là 2 tỷ rưỡi. Nhưng ở dưới đây quận Bình Tân đã phù phép như thế nào để rồi cuối cùng đưa xuống cho chúng tôi chỉ có từ 1 trăm rưỡi cho đến 250 triệu mà thôi, có nghìa là 1/10 so với căn nhà của mình.”
Người dân ở đây cũng cho chúng tôi biết: Vào lúc 19 giờ tối qua 16/3 đã có một cuộc họp giữa các hộ dân nằm trong diện bị giải tỏa với đại diện phía chính quyền. Chủ trì cuộc họp là bà Phạm Thị Ngọc Diệu, phó chủ tịch UBND quận Bình Tân. Bà Diệu cũng là trưởng ban giải phóng mặt bằng quận này. Bà Diệu tiến hành cuộc họp nhưng không giới thiệu với người dân về thành phần liên quan. Cuộc họp cũng không được ghi biên bản. Sau khi người dân yêu cầu, bà Diệu mới miễn cưỡng giới thiệu thành phần tham dự cuộc họp gồm đại diện Chủ đầu tư, Ban giải phóng mặt bằng, và ghi biên bản.
Một số người dân thắc mắc tại sao nhiều cuộc họp lại không được tiến hành vào ban ngày mà lại được tổ chức vào buổi tối. Như thế sẽ khó khăn cho họ khi cần mời nhà báo đến đưa tin. Bà Diệu trả lời: “Họp ban ngày hay buổi tối đều hợp pháp hết”.
Khi bị chất vấn về giá cả đền bù, bà Diệu không trả lời được và chống chế: “Cuộc họp này chỉ xoay quanh vấn đề giải thích về mốc ranh giới. Các chuyện khác không giải quyết”. Nói xong bà Diệu bỏ về giữa chừng và cũng không ký biên bản cuộc họp, không cung cấp biên bản cho người dân.
Có khoảng hơn 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Tham Lương - Bến Cát. Đồng nghĩa với việc đẩy hàng ngàn con người vào cuộc sống khốn khổ, thiếu thốn, mất đất mất nhà và oan ức.
DLB sẽ theo dõi diễn biến vụ việc để thông tin đến bạn đọc.
No comments:
Post a Comment