Ngày 26-2, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Sài Gòn đã tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp vận tải, nhà xe có tổ chức đón trả khách tại khu vực trung tâm Sài Gòn. Cuộc đối thoại này được tổ chức sau tin nhắn chuyển tiếp của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về việc người dân phản ánh tình trạng xe dừng đậu đón trả khách gây mất trật tự tại khu vực trung tâm Sài Gòn.
Đón khách trung chuyển trên đường Nguyễn Thái Bình (ảnh: N.Thịnh)
Sau tin nhắn này của ông tân bí thư, Sở GTVT đã tổ chức gắn biển báo cấm dừng, đậu xe từ 9 chỗ trở lên trên 2 tuyến đường Nguyễn Thái Bình và Lê Thị Hồng Gấm. Các nhà xe đã phản đối quyết định đó, vì hai tuyến đường này lâu nay là điểm đón khách trung chuyển từ trung tâm Sài Gòn ra các bến xe đặt ở hai đầu cửa ngõ vào Sài Gòn.
Một số chuyên gia về hành chánh công ở Sài Gòn cho rằng Bí thư Đinh La Thăng đã quên mất rằng sống trong nhà nước pháp quyền thì không thể chỉ đạo bằng miệng, không thể nói tức thời rồi giải quyết được. Từ cương vị là Bí thư quyền uy nhất Sài Gòn thì có thể làm được, nhưng khi chuyển tải xuống cấp dưới thì phải thể hiện qua văn bản pháp luật, phải có luật pháp hóa quy trình, mệnh lệnh đó.
Sau lễ nhậm chức ngày 5-2, ông Đinh La Thăng đã xuống huyện Củ Chi và xài xể ông chủ tịch huyện về việc không biết số điện thoại của bà tổng giám đốc công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Ông Thăng cho rằng phải biết số điện thoại của bà tổng giám đốc thì mới giúp dân Củ Chi bán được sữa bò. Ai cũng biết là trong mua bán thì phải theo thỏa thuận được giao kết trong hợp đồng. Lệnh của ông chủ tịch, hay bí thư can thiệp vào chuyện này là điều thuộc lợi ích phe nhóm.
Vừa lo cho dân ngoại thành, ông Thăng lại chỉ thị giải quyết những vấn đề liên quan đến trung tâm thành phố như phải dẹp nạn ăn xin tái diễn, yêu cầu ngành giao thông phải gắn biển báo cấm ôtô trên 9 chỗ dừng, đậu; chỉ thị ngành công an trong vòng 3 tháng tới phải giảm tình hình tội phạm… Những vấn đề mà ông trực tiếp chỉ thị ấy thực sự chỉ là những chuyện rất nhỏ trong một đô thị lớn vốn ngổn ngang nhiều vấn đề quan trọng khác mà bao vị tiền nhiệm trước đó chưa, hoặc đang thực hiện dở dang mà ông Thăng phải là người tiếp tục gánh trọng trách. Đó là vấn đề ách tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, sự quá tải của ngành y tế, rồi chất lượng giáo dục và cả về chất lượng sống... Những tồn tại ấy không chỉ giải quyết một sớm một chiều bởi dính nhiều cơ chế và những vấn đề mang tính pháp lý.
Trước đây với vai trò là một tổng chỉ huy của ngành GTVT, ông Đinh La Thăng có thể đưa ra những quyết đoán nhanh cho từng sự vụ trên công trường, nhưng với một đô thị lớn như Sài Gòn, ông không thể xử lý nhanh gọn được ngay những vấn đề về thể chế. Bởi vì sống trong một nước pháp quyền không thể chỉ đạo bằng miệng, không thể nói tức thời rồi giải quyết được. Từ cương vị là Bí thư thì có thể làm được, nhưng khi truyền lệnh xuống cấp dưới thì phải thể hiện qua văn bản pháp luật, phải luật pháp hóa quy trình, mệnh lệnh đó.
Liệu đó phải là ông tân bí thư có tầm nhìn kém, hay đây là thói quen mệnh lệnh của một ông quan đảng tự cho là mình được quyền đứng trên thiên hạ, như điều 4.1 của Hiến pháp: Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội?
Đón khách trung chuyển trên đường Nguyễn Thái Bình (ảnh: N.Thịnh)
02/26/2016 - 07:00
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment