Chân Như, phóng viên RFA 2016-02-07 - 2016-02-04
Tổng thư ký mới được tái đắc cử của Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được chào đón bởi thành viên Bộ Chính trị, ông Trần Đại Quang. AFP PHOTO 12:00
Vào hôm 28 tháng 1 vừa qua Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc với chúc vụ Tổng Bí Thư (TBT) vẫn thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng. Theo một số người thì tiến trình dẫn đến dân chủ hoá và phát triển đất nước sẽ không có gì tiến triển. Đây cũng là chủ đề cho Diễn đàn bạn trẻ kỳ này, cùng với Chân Như và các bạn trẻ hiện đang sinh sống tại Việt Nam.
Chân Như: Sau nhiều ngày với những tin tức làm nhiều người hồi hộp chờ đợi đến hôm nay thì chúng ta đã biết TBT vẫn là ông Nguyễn Phú Trọng, còn vai trò Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội mặc dù đến 22 tháng 5 này chúng ta mới biết kết quả, nhưng hầu như ai cũng biết ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Đại Quang và bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ là những nhân vật sẽ điền vào những vị trí đó. Theo các bạn thì kết quả như vậy cho thấy điều gì từ cục diện chính trị và cán cân quyền lực tại Việt Nam?
Thảo Teresa: Đơn giản cán cân quyền lực từ cục diện chính trị Việt Nam theo mình rất thất vọng bởi vì nó sẽ không thay đổi, mà không muốn nói là còn tồi tệ thêm.
Dương Lâm: Theo em việc ông Trọng tái đắc cử ở vị trí TBT chứng tỏ rằng việc giáo điều và chủ nghĩa Mác Lê Nin hay chủ nghĩa cộng sản vẫn đang thắng thế trong nội bộ của Đảng Cộng sản (ĐCS) và xu thế cải cách sẽ bị kéo chậm lại trong vài năm tới.
Lê Văn Sơn: Sau đại hội vừa rồi, đối với bản thân thì tôi cho rằng ông nào lên cũng vậy cả thôi đều là cộng sản. Vì vậy bây giờ có kết quả là ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ lần 2 thì tôi cho rằng việc ĐCS sẽ cai trị tiếp tục một nhiệm kỳ tại Việt Nam nữa sẽ là thế “đu dây” cả trong nước và quốc tế. Cụ thể là “đu dây” với Trung Quốc với Hoa Kỳ để làm sao họ đạt được mục đích tốt nhất là giữ được ghế. Và chính trong thế “đu dây” này, đối với Trung Quốc, họ sẽ mượn Hoa Kỳ và phương Tây để nhằm phần nào cản trở Trung Quốc. Còn trong nước tôi tin và nghĩ rằng trong những ngày sắp tới sẽ có những chiến dịch bố ráp những nhà dân chủ, những người đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam, để thứ nhất họ răn đe, thứ hai là họ có cái để họ lại tiếp tục “đu dây” và trao đổi với phương Tây.
Mình quan sát trong thời gian ba bốn năm trở lại đây thì thường ở những vị trí khi người ta đắc cử họ hứa hẹn rất nhiều, nhưng thực hiện thì không có bao nhiêu cả và dân thường chỉ nghe lời hứa thôi.
- Dương Lâm
Chân Như: Trước cuộc bầu cử chúng ta thường nghe ra rả câu cần tìm người có tài, có tầm, có tâm để lãnh đạo đất nước. Vậy đối với những vị lãnh đạo “tứ trụ”, theo các bạn, họ thật sự có đủ ba yếu tốt đó chưa?
Dương Lâm: Về vị trí tứ trụ đã đủ tâm đủ tầm thì ở vị trí quan sát của một người trẻ tuổi như mình rất khó đưa ra một câu trả lời lắm. Mình quan sát trong thời gian ba bốn năm trở lại đây thì thường ở những vị trí khi người ta đắc cử họ hứa hẹn rất nhiều, nhưng thực hiện thì không có bao nhiêu cả và dân thường chỉ nghe lời hứa thôi. Chứ còn để nhận xét về “tứ trụ” thì mình nghĩ một người trẻ như mình chưa đủ để đưa ra một cách toàn diện hoặc chính xác.
Thảo Teresa: Những gì mình nhìn và cảm nhận vào cuộc sống hằng ngày của người dân và của bản thân, gia đình mình và những người xung quanh, thì thực sự vị trí “tứ trụ” kể cả bây giờ lẫn cách đây bao nhiêu năm từ khi thể chế này tồn tại, mình chẳng thấy ai có tâm và có tầm. Bởi một đất nước hầu như không có gì thay đổi, dẫm chân tại chỗ. Và dân nhận ra nhưng có điều là họ không dám nói. Mình chẳng thấy có gì để thay đổi đất nước này.
Lê Văn Sơn: Tôi đồng ý với ý kiến của hai anh chị. Tôi cũng cho rằng cụ thể nhất là trong đại hội vừa rồi thì miền Bắc trải qua đợt giá rét vô cùng kinh khủng trong lịch sử. Theo tôi được biết ở một số quốc gia, nếu như họ đang trong một hội nghị bàn tròn của quốc gia, nhưng với trường hợp thời tiết như thế thì họ sẵn sàng dừng cuộc họp ấy để ra những báo động đỏ ở cấp mạnh nhất để kêu gọi toàn bộ lực lượng của đất nước vào cuộc hỗ trợ người dân bị giá rét. Tuy người dân ở Việt Nam, các em bé vẫn phải chịu lạnh không có quần áo nhưng họ vẫn ngồi ở trong phòng để hội họp và bầu bán.
Cái nữa tôi nghĩ cái tầm, nếu như những lãnh đạo tứ trụ Việt Nam có tầm thì tôi nghĩ rằng Việt Nam không để cho Trung Quốc lấn lướt ngang ngược như thế mỗi ngày một dầy hơn thế.
Chân Như: Từ toàn bộ nội dung Nghị quyết Đại hội đảng và những người lãnh đạo như vậy thì sẽ tác động thế nào đến các chính sách kinh tế - xã hội (đối nội) và chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ...?
Thảo Teresa: Mình đồng quan điểm với Sơn đó là chính sách “đu dây”. Quan điểm của mình là bản chất cộng sản không thật, gian manh, cho nên sẽ làm mọi thủ đoạn và mọi cách để đoạt được mục đích. Nếu muốn bình ổn kinh tế và muốn xin tiền nước ngoài thì họ sẽ ra vẻ như thiện chí với vấn đề dân chủ nhân quyền nới rộng để được lòng các nước phương Tây, nhưng sau đó họ có thể bắt bớ và bố ráp ngay. Do vậy, riêng với một thể chế độc tài thật sự mình không có một chút gì gọi là tin tưởng kể cả kinh tế đến chính trị, đối nội, đối ngoại vì nó dựng lên bởi một sự giả dối; chỉ có được khi thoát khỏi ách độc tài thôi. Nói thật sự đã là cộng sản thì đối với mình thì sẽ không là thật, khi đã không thật thì đối nội, đối ngoại hay bất kể cái gì cũng chỉ dành mục đích cho nó và sẽ tìm mọi cách luồn lách, chứ nó sẽ không có thật ở đây nên chẳng hy vọng gì ở đây.
Dương Lâm: Quan điểm đối nội của Việt Nam trong những năm sắp tới, về đối nội Việt Nam bắt buộc sẽ phải giải quyết những vấn đề khó khăn về kinh tế và TPP giống như một phao cứu sinh. Trước đây mình có nói nếu như Trọng hay Dũng có lên thì ai cũng phải tiến hành cải cách kinh tế, bởi vì nền kinh tế Việt Nam bây giờ nợ công gần như rất khó khăn rồi nên bắt buộc phải tiến hành cải cách. Và thứ hai tiến hành thay đổi một số vấn đề trong xã hội ví dụ như dân oan hay ngành giáo dục. Chính những hệ thống quản lý trước đây đã đẩy giáo dục hay tạo nên những bất ổn xã hội rất lớn.
Còn về đối ngoại thì mình nghĩ vấn đề Trung Quốc, Việt Nam sẽ thoả thuận như thế nào, hay là sẽ giải quyết những vấn đề về Biển Đông hay các quần đảo Hoàng Sa. Và mình cũng nhất trí với hai anh chị về vấn đề ngoại giao “đu dây” giữa Trung Quốc và phương Tây; hình như đó là đường lối mấy mươi năm qua của cộng sản.
Lê Văn Sơn: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của chị Thảo cũng như anh Dương Lâm đưa ra. Cái thế chính trị của Việt Nam sắp tới đây sẽ tiếp tục là “đu dây” và tôi cho rằng CSVN tiếp theo sẽ rất khó khăn; khó khăn ở quốc nội đó là phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở tại Việt Nam đang lớn mạnh. Và người dân ở trong nước họ hiểu dần ra những cách hành xử, cách lãnh đạo không tốt đẹp, không hài lòng dân và đồng thời họ sẽ lên tiếng.
Về đối ngoại, ngay từ đầu tôi gọi là nền chính trị tiếp tục “đu dây” trong những năm sắp tới? Bởi vì một mặt Trung Quốc là “16 chữ vàng, bốn tốt” vậy để làm sao tránh va chạm với Trung Quốc? Bởi vì quá gần gũi về chính trị, về kinh tế, về văn hoá và xã hội thì rất khó khăn cho việc CSVN có cách hành xử mạnh mẽ cứng rắn đối với Trung Quốc. Vậy để hạn chế Trung Quốc, tôi tin rằng CSVN sẽ tiếp tục như những nhiệm kỳ trước đã làm tức là chơi với phương tây và Hoa Kỳ. Và để cho hai thế kìm hãm trói buộc nhau và thậm chí CSVN ở giữa “ngư ông đắc lợi”. Đôi khi họ tỏ ra nhân nhượng với phương Tây và Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền và dân chủ tự do tôn giáo, nhưng sau đó họ sẽ tiếp tục bắt bớ, đàn áp những người đấu tranh, tôi nghĩ là như thế.
Chân Như: Ý kiến của các bạn về viễn cảnh chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam sau kỳ đại hội đảng Cộng sản này? Liệu có le lói hy vọng nào cho một sự thay đổi dân chủ hơn, tiến bộ hơn hay không ?
Quan điểm của mình là bản chất cộng sản không thật, gian manh, cho nên sẽ làm mọi thủ đoạn và mọi cách để đoạt được mục đích.
- Thảo Teresa
Thảo Teresa: Mình không dưới một lần nói thực sự để nói chữ hope, chữ hy vọng đối với ĐCS thì mình chưa bao giờ hy vọng. Thực sự mình sống trong lòng chúng thì dù ít dù nhiều đã tiếp xúc và có những va vấp với chúng nên đừng bao giờ nghe chúng nói. Mình không bao giờ có chút hy vọng nào tất nhiên như Sơn nói ông Dũng hay ông Trọng lên thì cũng thế thôi nhưng ông Trọng thì thân Tàu; thân Tàu và kiếp nô lệ đấy là sự nhục nhã nhất. Dù sao đi nữa ông Dũng còn có ý thân phương Tây. Tất nhiên là cộng sản nhưng còn để mình dễ thở hơn, chứ riêng ông Trọng thì ông là người mà mục tiêu duy nhất chỉ là để giữ đảng. Và đến bây giờ là Trần Đại Quang lên làm chủ tịch nước thì rõ ràng là một chế độ công an trị. Nên sắp tới nhất định sẽ có cuộc bố ráp và bắt bớ, ít nhất là bắt bớ sách nhiễu những người hoạt động dân chủ. Do vậy để hy vọng thì hoàn toàn không một chút hy vọng và không bao giờ hy vọng khi mà đất nước này còn nằm dưới gầm trời cộng sản.
Dương Lâm: Mình không dùng từ hy vọng, mà mình nghĩ bắt buộc nó phải thay đổi. Ví dụ tiến trình dân chủ hay cải cách kinh tế, thì những cái đó mà trong tứ trụ hay bộ chính trị hay chính quyền Việt Nam phải làm. Tức là xu thế dân chủ, cải cách kinh tế để cứu rỗi nền kinh tế Việt Nam là những cái bắt buộc những người cộng sản phải làm để có thể cứu chính mình và có thể cải cách lần thứ hai.
Riêng về ông Trọng thì mình nghĩ với một người giáo điều về Cộng sản vẫn xem Trung Quốc là “bốn tốt, 16 chữ vàng” và giữ mối quan hệ như vậy. Mình nghĩ trong vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc hay là các vấn đề biển đảo hay Biển Đông thì Việt Nam vẫn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Lê Văn Sơn: Đối với tôi, hiện tại tôi không dùng chữ hy vọng đối với Cộng sản chỉ trừ khi Việt Nam không còn cộng sản; còn nếu còn cộng sản ở Việt Nam chỉ tồn tại chữ vô vọng và thất vọng. Tôi vẫn có hy vọng một điều đó là trong tương lai gần, tiến trình dân chủ Việt Nam sẽ được tiến bộ hơn trong sự trả giá của những người đấu tranh. Bởi vì khi ông Trọng, một người bảo thủ lý luận về đảng về Mác Lê Nin, về cộng sản “gạo cội” như thế lên nắm quyền tiếp tục lần hai có lẽ là sự đối kháng giữa bên cộng sản và dân chủ càng gay gắt hơn. Và tôi tin rằng ở Việt Nam nếu như mà sự đối kháng này càng lên đến cao trào thì những người đang đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam sẽ càng mạnh mẽ và sẽ càng kiên trì quyết liệt hơn. Thế nên tôi mới hy vọng rằng rồi Việt Nam sớm sẽ có dân chủ nhờ tác động của những người đang đấu tranh, nhờ tác động của quốc tế, nhờ tác động của những biến đổi về khu vực địa chính trị tại Biển Đông, tại Việt Nam đối với Châu Á và đối với thế giới. Tôi tin rằng dân chủ Việt Nam sẽ sớm được triển nở.
Chân Như: Xin cám ơn Dương Lâm, Thảo Teresa và Lê Văn Sơn đã dành thời gian cho chương trình.
No comments:
Post a Comment