PHNOM PENH (NV) - Ông Hun Sen, thủ tướng Cambodia, vừa tái khẳng định lập trường của Cambodia: Không can dự vào tranh chấp chủ quyền tại biển Đông và các bên cần giải quyết bất đồng thông qua đối thoại song phương.
Ông Hun Sen, nhân vật được Việt Nam hậu thuẫn để trở thành thủ tướng Cambodia, nay là tác nhân cản trở ASEAN tìm kiếm sự đồng thuận để đối phó với tham vọng của Trung Quốc. (Hình: Tuổi Trẻ)
Lập trường của Cambodia vốn là quan điểm của Trung Quốc. Trước nay, Trung Quốc một mực đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải để Trung Quốc và các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông tự giải quyết bất đồng bằng những cuộc đối thoại song phương.
Tự giải quyết bất đồng về chủ quyền ở biển Đông bằng đối thoại song phương đồng nghĩa với việc gạt bỏ sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, giúp Trung Quốc có lợi thế khi “đối thoại” và nhiều chuyên gia an ninh, quốc phòng khẳng định, đó là con đường dễ nhất để Trung Quốc đạt được tham vọng độc chiếm biển Đông.
Qua tuyên bố vừa kể, có lẽ Cambodia là thành viên duy nhất của ASEAN công khai ủng hộ Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu về viện trợ cho Cambodia, đồng thời cũng là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Cambodia.
Hy vọng về một ASEAN đạt được sự đồng thuận trong việc tìm kiếm giải pháp nhằm ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm biển Đông vừa lóe lên đã vụt tắt.
Cuối tháng trước, ông Thongsing Thammavong, thủ tướng Lào khẳng định, Lào sẽ tham gia phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông. Trong vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Lào tuyên bố quốc gia này mong mỏi có một ASEAN đoàn kết, bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển Đông, cùng nhau thực hiện các giải pháp cần thiết để ngăn chặn quân sự hóa và xung đột.
Trước đó, tuy không công khai ủng hộ Trung Quốc như Cambodia song “thái độ trung lập” của Lào khiến việc tạo ra “tiếng nói chung” của ASEAN trở thành bất khả.
Mãi đến cuối tháng vừa qua, Lào mới công khai bày tỏ quan điểm của mình trước lập trường của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông.
Với việc thay đổi thái độ của Lào, người ta hy vọng, cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Hoa Kỳ với các nguyên thủ ASEAN vào ngày 15 và 16 tháng 2 tại California sẽ giúp thắt chặt quan hệ giữa Hoa Kỳ với tất cả các thành viên ASEAN để giảm tối đa tác động của Trung Quốc trong khu vực này.
Nay, thủ tướng Cambodia tiếp tục là tác nhân gây khó khăn cho việc đạt đến điều đó.
Trong tuyên bố mới nhất về quan điểm đối với vấn đề biển Đông, ông Hun sen nhấn mạnh là hãy để Việt Nam và Philippines “đối thoại song phương” với Trung Quốc vì đó là cách tốt nhất để giải quyết bất đồng về chủ quyền. Cambodia cũng đã từng làm y hệt như vậy với Việt Nam, Thái Lan, Lào để giải quyết bất đồng giữa Cambodia với ba quốc gia này về biên giới trên đất liền.
Ông Hun Sen bác bỏ chỉ trích Cambodia hậu thuẫn cho Trung Quốc “gây rối nội bộ.” Ông ta bảo rằng, Cambodia “hoàn toàn độc lập” trong chính sách đối ngoại.
Thủ tướng Cambodia xác nhận ông ta sẽ đến Hoa Kỳ tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và ASEAN vào giữa tháng này nhưng nhấn mạnh, ông ta sẽ “khuyến khích các quốc gia có liên quan đàm phán với nhau vì ASEAN không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lãnh thổ.” (G.Đ)
02-06-2016 4:53:14 PM
No comments:
Post a Comment