Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam Theo RFA-2015-10-12
Hà nội mùa mưa Hà nội mùa mưa AFP
Những người buôn gánh bán bưng trái cây trên thủ đô, những người đạp xe cọc cạch từ con phố này qua con phố khác, từ ngày này qua tháng nọ, bươn bả kiếm cơm, những người bán quán vỉa hè cả nhà trông chờ vào nồi nhưn phở hay tủ bánh mì… Tất cả họ đang gặp khó khăn trong mùa mưa này, khi thành phố Hà Nội thi thoảng tự biến thành những dòng sông uốn lượn, người dân tự biến thau nhựa, thùng nhựa thành thuyền để bơi và nhiều người bán trái cây lang thang bắt cá trên phố để cải thiện bữa cơm. Chuyện như nói đùa nhưng lại rất thật trên thành phố Hà Nội.
Ế ẩm, buồn và lo…
Một người tên Lò gốc Hưng Yên, buôn trái cây tại thành phố Hà Nội, mỗi sáng, bà và những người buôn bán trái cây khác cùng chở trái cây ra đứng ở góc đường Yết Kiêu, gần tòa soạn báo Công an thủ đô để bán, quãng đường đi từ nhà trọ đến điểm bán cho bà nhiều trải nghiệm, bà chia sẻ: “Ngày bình thường thì cũng có khách nhưng mà trời mưa thì hàng bán kém lắm, không có khách, ế lắm! Ngày có khách thì bán được năm chục nghìn, nhiều thì trăm nghìn, ngày hiếm khách thì có khi không được đồng nào, khó lắm!”
Theo bà Lò, mùa mưa tới là mùa ế ẩm của nhiều loại hàng hóa bán dạo, không riêng gì trái cây mà hầu hết các loại hàng bán rong đều gặp khó khăn, từ việc di chuyển cho đến số lượng người mua. Bởi thường thì những ngày trời mưa, các gia đình hay chọn cách cùng nhau đi đến siêu thị vào cuối tuần để mua sắm hàng loạt và để dành dùng cho cả tuần, chỉ hiếm họa lắm mới có giới lao động nghèo mua hàng dạo.
Rất tiếc là giới lao động nghèo hiếm có ai sống ở trung tâm Hà Nội, hoàn toàn không có. Chính vì vậy, những ngày mưa, hầu hết người bán rau hành hay trái cây phải tản về các khu ngoại ô để bán. Và đây là khoảng thời gian đáng sợ nhất đối với họ. Vì đường sá mưa lạnh, có khi nước ngập đến gối, thậm chí có ngày nước ngập đến bụng, rau cải, trái cây bị ngâm trong nước dơ theo người, mỗi khi có xe lớn chạy qua, từng đợt sóng đánh ập vào hàng hóa khiến trái cây hay rau cải trôi lỏm ngỏm, lại phải đi nhặt từng bó rau, từng trái cam, trái táo trong dòng nước đục ngầu.
Và những bó rau, trái cây như vậy phải tìm nguồn nước sạch để rửa trở lại trước khi bán nhưng không mấy tự tin. Nhiều khi bà muốn bỏ đi nhưng nếu bỏ đi thì mất vốn, mà bán thì lại áy náy lương tâm. Nhiều lúc gặp một người lao động nghèo, cầm đồng tiền còn xoắn tròn do thói quen bó dây thun, lựa tới lựa lui rồi lựa trúng ngay những trái cam vừa rớt xuống nước để mua vì nhìn nó bóng bẩy, sạch sẽ, mặc dù rất áy náy nhưng bà cũng không thể nói thật với họ, xem như nhắm mắt làm liều vì chén cơm manh áo.
Cũng theo bà Lò, hầu hết người bán hàng rong đều là dân tỉnh đến từ Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Ninh Bình, thậm chí Bắc Kạn tìm lên Hà Nội buôn thúng bán mẹt với ước mơ đời bớt khổ. Riêng bà Lò, với người chồng nằm liệt giường do bệnh tai biến não, một người mẹ già và ba đứa con, đứa đầu đi làm thợ hồ, hai đứa nhỏ còn học phổ thông, bà và đứa con trai đầu phải làm lụng cật lực để đắp đổi qua ngày cho cả nhà.
Trung bình, những ngày trời nắng, bà Lò kiếm được từ một trăm đến một trăm rưỡi ngàn tiền lãi từ việc bán trái cây hoặc rau đậu, bữa nào trúng lắm thì kiếm được chừng hai trăm ngàn đồng nhưng hiếm có ngày nào trúng như vậy. Mỗi ngày, sau khi mua thức ăn, trả tiền điện, tiền nước và tiền nhà trọ, bà dư được từ bốn chục ngàn đồng đến bảy chục ngàn đồng để gởi về quê lo cho gia đình.
Bà Lò nói như cười mà như khóc rằng bà cũng là người trong số hiếm hoi những lao động nghèo tỏ ra mừng rỡ khi đường ống sông Đà bị vỡ. Vì ngày đó bà không phải tốn tiền nước cho việc giặt dũ, tắm táp, chỉ cần chờ đêm đến, đạp xe ra bờ hồ Tây, tìm chỗ để giặt và tắm luôn một lượt là xem như thành công, tiết kiệm được ít nhất cũng mười ngàn đồng.
Nhưng bà Lò cũng nói rằng bà không mong chi đường ống sông Đà bị vỡ nữa, bởi vì khi thiếu nước xài thì người ta cũng không có nước để rửa rau hay nấu canh, bán rau hay bán trái cây gì cũng ế ẩm vì đường ống vỡ. Chuyện tưởng như không liên quan nhưng lại rất quan trọng và có mối liên hệ mật thiết với nhau cả.
Công an rượt, chuyện cơm bữa
Một người bán trái cây khác tên Diễn, cũng thường đứng ở góc đường Yết Kiêu, Hà Nội, chia sẻ: “Mưa gió thì người ta đi lại khó khăn, ít người đi lại, hàng bán được có 50%, một nửa thôi. Mưa gió đi lại khó khăn, kinh tế nữa, phải có tiền thì mới mua được nhiều. Khó khăn là khó khăn chung, mưa gió bao giờ mà không khó khăn chung, người lao động ai cũng khó hết, phải có tiền thì mới tiêu thụ được hàng hóa chứ, chỉ có công nhân viên chức mới có lương bổng, thu nhập đều nó khác!”
Theo ông Diễn, bán trái cây bây giờ khó hơn trước đây rất nhiều, hơn nữa, đang là mùa mưa, mọi thứ cứ nhặng xị cả lên. Khi đường sá bị ngập, việc đi lại khó khăn, những con đường nào ráo nước trở thành nơi tập kết của lực lượng giao thông, góc ngã ba Yết Kiêu cũng không ngoại lệ. Mà khi công an giao thông hay công an khu vực đến đây thì cơ hội đứng bán trái cây, bán rau hay bán hoa hầu như không có. Người bán lo mà chạy trước khi họ ra tay.
Hoặc là bị hất đổ trái cây, tịch thu phương tiện làm ăn, hoặc là bị rượt đuổi chạy bán sống bán chết, hoặc là bị phạt với mức tiền rất nặng, chiếm đến bốn, năm ngày buôn bán. Nói chung, gặp công an là xem như tuần đó quá đen đối với người buôn bán hàng rong. Đối với con người, nhất là người lao động chân chính, buôn thúng bán mẹt để nuôi con ăn học mà đe nẹt, quát tháo, rượt đuổi, giật gánh… Tất cả những hành vi đó không hề cò chút tính người.
Mùa mưa này, có biết bao nhiều gia đình phải bó gối trông chờ vào gánh rau, xe trái cây của những lao động nghèo giữa thủ đô. Và có bao nhiêu người trong số họ đủ sức khỏe để lội qua những con phố ngập nước, lội miệt mài ngày này qua ngày khác để kiếm cơm cho gia đình?!
Đây là một câu hỏi buồn cho những người bán hàng rong giữa lòng Hà Nội.
Đây là một câu hỏi buồn cho những người bán hàng rong giữa lòng Hà Nội.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment