Monday, October 12, 2015

Lại thêm chuyện về ‘đường’ ở Hà Nội

Xe cộ lưu thông trong giờ cao điểm trên đường phố Hà Nội.
Xe cộ lưu thông trong giờ cao điểm trên đường phố Hà Nội.
Chuyện về “đường”, tôi định bụng chẳng bàn đến nữa. Mà đùng một cái, sáng ngày 8/10 lại có một chuyện tuyến đường cao tốc vành đai 3 bỗng bị tê liệt hơn 2 tiếng đồng hồ khiến tôi lại “ngứa ngáy” phải nói tiếp. Chẳng phải bỗng nhiên mà biết bao nhiêu người đã gắn bó với Hà Nội hàng chục năm trời, vẫn cứ phải quyết tâm rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn này. Cô bạn tôi nói về Hà Nội mà chẹp miệng, yêu thì yêu thật, đặc biệt là cái mùa thu cứ da diết lưu luyến người xa nhà, nhưng từ sáng sớm tới tối khuya cứ phải chiến đấu mệt nghỉ mỗi khi ra đường, chả mấy mà phát điên chứ ở đó mà lãng mạn bay bổng mùa thu với mùa đông.
Cái chuyện này hi hữu vô cùng bởi nếu ai ở Hà Nội thì đều biết rằng đường vành đai 3 là tuyến đường to, rộng, thẳng một lèo nối 2 đầu thành phố, chưa kể những đường cầu vượt cắt dọc ngang bên trên để tránh tắc đường. Ấy thế mà có ngày nó cũng ứ lại đến mức tê liệt hàng tiếng đồng hồ. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin nào nhắc đến nguyên nhân của sự ùn tắc giao thông lịch sử này, chỉ loanh quanh những ý kiến của người đi xe máy và ô tô đổ lỗi lẫn nhau lấn đường lấn tuyến. Nghe thì kinh hoàng nhưng nghe dân mình nói về chuyện này thì lại thấy vui vui. Hơn 2 tiếng đồng hồ đứng đợi sốt ruột, các bác tài xế bắt đầu rời bỏ xe của mình để tấp vô hàng quán bên đường ngồi hút thuốc uống trà tán phét, người không quen mà gặp cùng cảnh ngộ hồ hởi bắt tay nhau. Hành khách trên các xe du lịch lớn nhỏ đi trên cầu vượt sau 1 tiếng cũng bắt đầu ùa xuống xe để hóng gió tiết trời thu mát mẻ, cười nói vô cùng xởi lởi vì lâu lâu mới thấy Hà Nội mình đông vui. Trên hàng cỏ xanh mướt, dù đất mềm, ẩm vì trời mưa phùn, nhiều xe máy vẫn cố chèn lên dù khó đi, một mình một đường rộng mênh mông, không phải chen lấn xô đẩy ai. Không ít người tạt ngang đường để rẽ vào ngõ. Những bức hình cập nhật hàng phút ghi lại đầy đủ khoảnh khắc muôn hình vạn trạng trong thời điểm tắc đường tại Hà Nội.
Thực ra để giải thích tình trạng này không khó. Nhìn trên bản đồ google map, rất dễ dàng thấy được các con đường tại Hà Nội bé xíu và không có một chút trình tự nào. Đường ngắn, đường dài lẫn lộn giữa đậm đặc nhà cửa đến mức nhiều lúc lạc đường thì dùng google map cũng không thể cứu vãn vì chính phần mềm thông minh đó cũng không nhận dạng được lối đi. Sự thiếu hụt trầm trọng các tuyến đường lớn cũng như không có hệ thống giao thông ngầm là nguyên nhân chính của khủng hoảng giao thông hiện nay. Việc mở rộng đường xá thì vướng mắc đến chuyện quy hoạch nhà cửa. Có những con đường rõ ràng là rộng thênh thang đấy, ấy thế mà giờ tan tầm vẫn cứ tắc, bởi giữa đường bỗng dưng có vài ba ngôi nhà to đùng đứng chắn. Dân không chịu dọn đi, nhà nước cũng chẳng có cách mà “đuổi”. Tàu điện ngầm muốn khởi công cũng phải lo trước chuyện cống ngầm. Thành thử mà gặp phải vài trận mưa chắc ngập cả đường tàu. Thử tưởng tượng mỗi thành phố là một cơ thể sống và các tuyến đường giao thông là động, tĩnh mạch, thì Hà Nội là một cơ thể quá nhiều bệnh tật với hệ thống mạch máu luôn trong tình trạng căng cứng. 60 năm trôi qua, dân số Hà Nội đã tăng lên theo cấp số nhân nhưng hệ thống đường xá chỉ tăng theo cấp số cộng. Gần 8 triệu người dân đang hàng ngày dồn ứ gây quá tải các tuyến đường lớn nhỏ ở thủ đô.
Bên cạnh ý thức nghèo nàn của một bộ phận lớn người dân khi tham gia giao thông, trách nhiệm chính về tình trạng giao thông hiện nay rõ ràng thuộc về nhà chức trách. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn trong một bài phỏng vấn cho biết “kẹt xe không phải là vấn đề của riêng ngành giao thông, nhiều sở, ban ngành như giao thông, xây dựng, kế hoạch đầu tư, quy hoạch - kiến trúc… phải ngồi lại với nhau để cùng giải quyết.” Không biết các vị ngồi với nhau trao đổi thế nào, để đến lúc bàn đến vấn đề lại đưa ra những câu phát ngôn đến khó hiểu như “có thể hiểu rằng các vụ việc kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ, vì xe vẫn có thể di chuyển nhúc nhích được.” Người Hà Nội vẫn có câu bông đùa “Hà Nội… không vội được đâu”. Ừ thì chẳng thể vội, nên ta vẫn cứ luôn đi thụt lùi dần, chẳng bao giờ có thể bắt kịp được nhịp sống văn minh, phát triển toàn cầu đang tiến vùn vụt với tốc độ ánh sáng.

* Blog của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment