Monday, October 12, 2015

Viết Tiếp Chuyện Quan Chức Tuổi 30: Áp Lực Hay Kỳ Vọng?

Ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi, được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam. (Ảnh chụp từ trang web vnexpress)
Ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi, được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam. (Ảnh chụp từ trang web vnexpress)

Cao Huy Huân

Theo VOA-13.10.2015
Mấy tuần vừa qua, dư luận vẫn chưa thôi xôn xao câu chuyện “Giám đốc sở ở tuổi 30”, liên quan đến việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (30 tuổi) làm giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Thậm chí, Bộ Nội vụ cũng chính thức vào cuộc để kiểm tra kiểm tra các thông tin về các vấn đề trong quy hoạch chức danh, quy trình bổ nhiệm, các tiêu chuẩn về vị “quan trẻ” đang làm nóng cộng đồng.
‘Con quan chức’ trở thành nhạy cảm!
Nhiều ý kiến cho rằng “30 tuổi còn quá trẻ, tại sao có thể trở thành giám đốc sở?” Câu hỏi này liên quan đến các giả thuyết xung quanh thân thế của ông Hoài Bảo – vốn là con trai ông Lê Phước Thanh, khi đó đang là Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam. Thậm chí nhiều người, dường như theo thuyết âm mưu, còn mạnh miệng lên tiếng “con quan lại được làm quan” và dẫn đến các câu chuyện tương tự như cha phong hàm đại tướng cho con trai (ông Kim Jong-un, hiện là Chủ tịch Triều Tiên), trở thành đại tướng trẻ nhất đất nước.
Mặc cho ông Hoài Bảo và cha của ông lên tiếng; mặc cho các ngành chức trách thẳng thắn trả lời báo chí rằng quy trình, cách thức, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ là hoàn toàn đúng với luật pháp quy định, không hề có yếu tố thiên vị hay tiêu cực, một bộ phận người dân vẫn cho việc bổ nhiệm này có “ẩn tình”. Tất nhiên, phải thẳng thắng nói với nhau rằng, cho đến thời điểm này chưa có bất cứ vấn đề nào bị tố giác là tiêu cực trong quá trình bổ nhiệm. Tuy nhiên, câu hỏi cần được giải quyết chính là, tại sao “hễ cứ là con quan chức, được bổ nhiệm lãnh đạo, chuyện lại trở thành nhạy cảm?”
Ba nguyên nhân chính
Thực trạng này không chỉ ở Việt Nam, mà xuất hiện ở nhiều quốc gia. Có ba nguyên nhân chính khiến vấn đề bổ nhiệm quan chức trở thành nhạy cảm. Một là, thông tin và quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm chưa thật sự minh bạch đến mức thuyết phục. Ở các quốc gia phát triển, việc bổ nhiệm các chức danh từng cấp ở khu vực công đều được công bố và tuyển chọn công khai. Thậm chí, nhiều nơi còn tổ chức thi tuyển (việc tuyển chọn tổng thống cũng là một “cuộc thi” khắc nghiệt) nhằm để ứng cử viên tiếp xúc nhiều với dân, dễ dàng thuyết phục người dân. Tuy Mỹ không phải là nước có thể chế chính trị như Việt Nam, nhưng việc gia đình Bush trở thành tổng thống cho thấy, đó là một cuộc đua “công bằng”, ít nhất về mặt quy trình, hình thức tìm kiếm và chọn lãnh đạo của nước Mỹ.
Thứ hai, tư tưởng phong kiến ảnh hưởng đến tư duy của người dân. Người phương Đông với nét văn hóa đặc trưng “cha truyền con nối”, dù trong một xã hội có nhiều thay đổi như Việt Nam hiện nay, vẫn còn quá nhiều búa rìu dư luận theo tư tưởng cũ kĩ. Nhìn sang châu Âu, khi chưa tới 30 tuổi, người ta hoàn toàn có thể trở thành bộ trưởng (Năm 2013 ông Sebastian Kurz được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao nước Áo lúc mới 27 tuổi). Những người trẻ tuổi đảm nhiệm các chức vụ cao luôn luôn được hoan nghênh, một phần vì họ được tuyển chọn một cách minh bạch và gắt gao, một phần vì người phương Tây chấp nhận điều này như một động lực, chứ không phải áp lực.
Cuối cùng là sự đóng góp. Người ta sẽ trở nên lạc quan và tin tưởng nếu một người được bổ nhiệm vào một vị trí nhất định có đóng góp trong trung hạn, dài hạn. Ngay cả khi dư luận lo ngại về sự thiếu minh bạch (dù luật pháp cho thấy người được bổ nhiệm không có gì sai), thì người được chọn cần phải chứng tỏ năng lực và sự đóng góp thật sự cho xã hội theo thời gian. Hãy nhìn sang Singapore. Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Khi Lý Hiển Long nhậm chức với sự hỗ trợ và cố vấn đắc lực của cha mình, phe đối lập cũng đã có những ý kiến liên quan đến vấn đề “cha truyền con nối” khiến Singapore trì trệ và thiếu sáng tạo. Tuy nhiên, tầm nhìn, tâm huyết và khả năng dùng người của Lý Hiển Long đã thuyết phục được người dân Singapore, rằng con của quan chức nếu có tài năng và đạo đức, vẫn có thể trở thành một người được dân chúng yêu mến.
Áp lực hay kỳ vọng?
Nếu nhìn vào bản thân ông Lê Phước Hoài Bảo, rõ ràng cả ba yếu tố trên vẫn chưa thể đảm bảo hoàn toàn. Thứ nhất, quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm giám đốc sở dường như vẫn còn quá lạ lẫm với người dân. Đó là lý do khi báo chí đưa tin bổ nhiệm giám đốc sở trẻ nhất nước, ngay lập tức dân chúng xôn xao, nghi ngờ. Rõ ràng, quá trình tuyển chọn quan chức làm sao để thật sự minh bạch mà thước đo tương đối chính là phản ứng tích cực của người dân vẫn cần được Việt Nam cải thiện. Cải thiện bằng cách nào, thì đó là chuyện của những nhà lập pháp, bằng chuyên môn nghiệp vụ lẫn các bài học kinh nghiệm về tuyển chọn quan chức tại nhiều quốc gia có thể chế tương tự hoặc các quốc gia có quy trình tuyển chọn phù hợp và tiến bộ hơn, thuyết phục hơn.
Thứ hai, ông Hoài Bảo vẫn sống trong một xã hội, tuy có hội nhập và tiếp nhận luồng quan điểm, kiến thức mới, nhưng vẫn còn đậm nét phương đông. Không phủ nhận đã có nhiều vụ bê bối về việc bổ nhiệm quan chức, nhưng trường hợp của ông Bảo, đến lúc này, cả về mặt trình độ, lý lịch,... chưa thấy có vấn đề tiêu cực về bổ nhiệm. Việc xét nét về lý lịch của ông Bảo, một phần đến từ bộ phận người tích cực muốn mọi chuyện trở nên minh bạch và thuyết phục, nhưng cũng có một bộ phận xuất phát từ sự ganh ghét và đố kỵ, vốn không lạ lẫm trong xã hội phương đông.
Thứ ba, ông Hoải Bảo vẫn chưa có thời gian đóng góp nhiều ở cương vị mới. Thách thức đối với những nhà lãnh đạo trẻ luôn luôn là kinh nghiệm và sự đóng góp. Người ta cần thêm thời gian, và ông Bảo cũng cần thêm thời gian để thể hiện đúng tinh thần, trách nhiệm và năng lực bản thân. Mọi chuyển biến tích cực ở vị trí hiện tại sẽ củng cố lòng tin của dân chúng, xóa bỏ các nghi ngờ về “cha con và quyền lực”; nhưng ngược lại, nếu ở vị trí mới nhưng đóng góp kém sẽ phá hủy tất cả kỳ vọng của người dân, cũng như giả thuyết về vấn đề “cha truyền con nối” sẽ dấy lên như một chân lý.
Việc phản đối “Giám đốc sở tuổi 30” hay phát ngôn tiêu cực về vấn đề này, thiết nghĩ, đều không nên. Và tương tự, ông Hoài Bảo cũng không nên xem đây là áp lực từ những người chống đối, mà phải xem đây là động lực cho bản thân ông từ những người đang kỳ vọng vào lãnh đạo trẻ, từ đó quyết tâm hành động một cách quyết liệt và hiệu quả. Hoặc giả, nếu ông không vượt qua áp lực trong chuyện này, thiết nghĩ, hoài nghi của dư luận về thân thế và năng lực của ông là hoàn toàn có lý.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment