Theo VOA-23.09.2015
Đánh từ khóa “Hà Nội lụt” lên google có thể tìm thấy gần 700,000 kết quả, gần một nửa số đó vừa được cập nhật trong ngày. Những năm gần đây tôi cảm thấy Hà Nội ngày càng trở thành một nơi khó sống. Chỉ nói riêng về thời tiết, mùa hè ngày càng nắng nóng kinh hoàng, nhiệt độ lên tới gần 40 độ. Mùa đông thì rét căm căm. Và mùa thu ngỡ tưởng nhẹ nhàng dễ thở nhất thì mưa lũ triền miên. Thủ đô Việt Nam đang lặn ngụp trong biển nước.
Có thể ví nội thành hiện nay như “Venice giữa lòng Hà Nội”, nước tràn ngập phố phường, người dân di chuyển bằng thuyền hết sức “lãng mạn”. Kèm theo mưa, lũ, giá cả rau xanh tăng cao ngất trời, xe cộ không thể đi lại dựng đầy trên phố, gara để xe của các chung cư cũng ngập lênh láng làm hỏng hóc hàng loạt ô tô, xe máy gây thiệt hại hơn tỉ đồng, chưa kể nhà sập, đường xá hỏng hóc.
Trận lụt vừa qua khiến mọi người liên tưởng ngay lập tức đến trận lụt lịch sử năm 2008. Sau hơn 7 năm, Hà Nội vẫn là Hà Nội, không thay đổi, vẫn bập bềnh sông nước. 7 năm trôi qua, tôi đã sống ở thành phố này, đã đi xa, đã trở về. Đối với một người xa nhà lâu ngày, đôi khi muốn quê hương đừng thay đổi quá nhiều, để mình bớt hẫng hụt nhưng vào những thời điểm như thế này, đó lại là một điều đáng buồn. Mỗi năm, ngân sách chống ngập lụt được đầu tư đến hàng ngàn tỉ đồng, biết bao những công trình cầu đường được dự kiến, được công bố để khởi công, để sửa sang lại, nhưng sửa mấy vẫn hỏng, mưa xuống cống lại tắc, đường lại lụt.
Người dân bất lực chỉ biết ngửa mặt lên mà than mà trách mà cầu ông trời đừng mưa nữa. Tôi ở xa gọi điện về có dặn bố mẹ đừng ra ngoài đường nhỡ chẳng may có chuyện nguy hiểm, mẹ bảo đã dự trữ đầy đủ lương thực trong tủ lạnh, không thiếu thứ gì. Thì riết rồi, dân mình cũng đều tự chuẩn bị kỹ năng sống qua mùa lũ như thế, từ ngoài Bắc vào đến trong Nam. Phải chăng các “ông lớn” cứ dùng chiêu “sống chết mặc bay” từ xưa thế mà lại hay? Người dân cứ kiên cường mà tự chống tự chọi để sống sót. Miền Trung gặp lũ hàng năm như gặp bạn bè, tuổi thơ của họ là lũ, trưởng thành và kiên cường cũng là nhờ lũ. Những thời điểm như thế, “khúc ruột miền Trung” lại lên tiếng kêu gọi anh em Nam Bắc, mà giờ cũng đang loay hoay lo lụt lội, liệu có còn tâm trí mà đáp lại miền Trung?
Tôi nhớ một bài báo đọc đã lâu về hệ thống chống lụt tại đất nước Hà Lan, một đất nước khoảng một nửa lãnh thổ chỉ cao hơn 1m so với mực nước biển, còn lại hầu như thấp hơn mực nước biển. Dự án Delta của Hà Lan từ năm 1958 đã, đang và chắc chắn sẽ là một công trình chống lũ lụt hoàn hảo và cực kỳ hiệu quả. Hệ thống đê được xây dựng khoảng 3.000km bao biển và 10.000km bao sông có sức chịu đựng vô cùng vững chắc. Hà Lan nổi tiếng với đê biển Afsluitdijk dài gần 35km, rộng 90m, cao 7,25m trên mực nước biển, được sử dụng đồng thời như đường cao tốc và là điểm đến thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Năm ngoái, vào đợt lụt lịch sử khi nước sông Thames dâng cao nhất trong vòng 60 năm trở lại đây, nước Anh cũng phải “cầu cứu” chính phủ Hà Lan 8 máy bơm nước công suất cao và đội ngũ kỹ sư Hà Lan để hỗ trợ chống lụt. Khoảng thời gian này, hai hoàng tử nước Anh đã lội nước 6 tiếng đồng hồ để giúp người dân chống lụt. Trong khi đó, chủ tịch nước Việt Nam gửi thư cho đồng bào nhân ngày phòng, chống lụt bão đồng thời đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể… thực hiện tốt luật phòng, chống thiên tai.
Biết đến bao giờ chúng ta mới có một vị lãnh đạo bước ra khỏi tòa nhà Quốc Hội, ngừng viết thư, nhìn vào mênh mông sông nước, nhìn từng người dân thủ đô đang “chổng mông” dùng xô dùng chậu hất nước ra khỏi sân nhà một cách vô vọng, nhìn hàng ngàn gia đình Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Trị… đang còm cõi ngồi trên mái nhà đợi nước xuống, ngóng viện trợ, đau xót vì mất người thân, nhìn dòng người và xe đang bì bõm đi qua dòng nước đen ngòm trên những tuyến đường Sài Gòn. 5 năm gần đây, Việt Nam công bố lọt vào danh sách những nước thoát nghèo, không biết đến bao giờ, nước ta trở thành nước thoát ngập?
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment