Friday, September 11, 2015

Sapa: Kẻ ăn không hết người làm không ra

Nhóm phóng viên tường trình từ VNTheo RFA-2015-09-11
 
sapa-622.jpg
Lượng khách đổ về Sapa ngày càng nhiều sau khi thông xe tuyến cao tốc Hà Nôi - Lào Cai-RFA
Đến Sapa hôm nay, đến một thị trấn nhỏ xứ Tây Bắc với thời tiết se lạnh vào mùa hè và băng tuyết vào mùa đông, một điểm du lịch lý tưởng cho nhiều người. Đó là điều hiển nhiên, nét thơ mộng của thị trấn sương mù Sapa không chê vào đâu được. Và cũng là một hiển nhiên trong thời đại xã hội chủ nghĩa, thị trấn này đã chuyển mình, người giàu thì giàu hết cỡ, người nghèo thì phải bươi móc từng bịch rác để kiếm cái ăn. Một Sapa kẻ ăn không hết người làm không ra.

Kẻ ăn không hết

Ông Hùng, chủ một khách sạn khá nổi tiếng ở Sapa chia sẻ: “Tối thứ sáu và ngày thứ bảy đông. Khách ở dưới xuôi lên, như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Vinh, Hải Phòng… Họ chạy xe hơi lên chút rồi về. Họ đậu xe đầy đường đó. Nhiều hơn mọi năm nhiều. Phát triển hơn nhiều chứ, người Kinh mình lên thì phải phát triển chứ… Người dân tộc thì họ vô tư hơn, không lo đến tuông lai ngày mai mấy. Người Kinh mình làm phát triển rồi thì phải hưởng thụ hơn chút chứ. Người dân tộc khác, người Kinh khác. Người Kinh nhiều thằng giàu chứ!”
Người dân tộc thì họ vô tư hơn, không lo đến tuông lai ngày mai mấy. Người Kinh mình làm phát triển rồi thì phải hưởng thụ hơn chút chứ. Người dân tộc khác, người Kinh khác. Người Kinh nhiều thằng giàu chứ!
-Ông Hùng
Ông Hùng cho biết thêm trong thời gian gần đây lượng khách du lịch của thị trấn Sapa tăng vọt, có lúc mọi khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ ở đây đều cháy phòng, những khu du lịch sinh thái và nhà dân cũng không đủ cho khách trọ. Chỉ riêng ba tháng đầu năm này đã lên 327 ngàn lượt khách. Trung bình, mỗi năm có đến một triệu lượt khách đến đây. Như vậy, trung bình, mỗi ngày có hai ngàn bảy trăm bốn mươi  khách đến thị trấn này.
Với số lượng khách như vậy, nghề kinh doanh du lịch ở thị trấn Sapa, Lào Cai luôn đạt doanh thu rất cao và đây là nghề hái ra tiền. Bởi ngoài vấn đề lưu trú, ở trọ, khách còn dùng đến các dịch vụ, đặc biệt dịch vụ ăn uống ở thị trấn Sapa khá đắt đỏ. Bước vào bất kì nhà hàng loại vừa hay khách sạn loại vừa nào, một bữa ăn dành cho hai người đều có giá từ 500 ngàn đồng trở lên mới có thể ăn tạm được theo tiêu chuẩn khám phá ẩm thực vùng miền. Và một đêm khách sạn loại vừa ở Sapa có thể dao động từ ba trăm ngàn đồng đến một triệu đồng.
Chính vì mọi việc đều thuận lợi nên ngành du lịch Sapa phát triển khá nhanh, nhà hàng khách sạn mọc ra không kịp để phục vụ khách, yếu tố cạnh tranh cũng không gay gắt như những thành phố du lịch khác. Và việc kiếm tiền từ công nghiệp du lịch tại thị trấn Sapa khá thuận lợi, đời sống của người làm kinh doanh ở đây nhanh chóng khấm khá. Nhưng, bên cạnh sự giàu có của một bộ phận người có thế lực, có tiền bạc và có đường dây làm ăn, kinh doanh, số còn lại, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn, nghèo khổ.
sapa-400.jpg
Ở Sapa, muốn vào Bản thì phải mua vé tham quan. RFA PHOTO.
Những người đồng bào thiểu số càng nghèo khổ, càng hoang dã bao nhiều thì ngành du lịch càng có cơ may hái ra tiền bấy nhiêu. Bởi đây là phông nền của ngành du lịch Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung. Thay vì nâng cao đời sống từ vật chất đến tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số theo khuynh hướng tự nhiên, theo bản năng và tín ngưỡng của họ thì nhà cầm quyền luôn tác động bằng cách hoặc là người đồng bào thiểu số ngày càng lùi vào rừng sâu với đời sống hoang dã, hoặc là cách tân theo chỉ định, theo định hướng của nhà nước.
Chính vì kiểu quản lý áp đặt từ phía nhà nước như vậy nên chỉ có một số rất nhỏ gia đình đồng bào thiểu số tiến dần ra thị trấn, ra phố bởi lý lịch và nhân thân của họ gần với đảng Cộng sản, họ có công với đảng Cộng sản, được ưu tiên nhiều thứ. Số còn lại tiếp tục lùi vào đời sống rừng rú và yếu đuối. Song song với vấn đề này, ngành du lịch Sapa, đặc biệt là các dịch vụ du lịch ở đây đã khéo léo khai thác được công dụng của những vùng đệm đồng bào thiểu số rừng rú để làm cho ngành du lịch, tour lữ hành thêm hấp dẫn, mới lạ.
Bên cạnh đó, một số gia đình khi đã dư ăn dư để, họ xuống Hà Nội, Hải Phòng mua đất xây biệt thự và cuối tuần lại đánh xe về Sapa nghỉ mát. Từ ngày đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông xe, số lượng xe hơi về nghỉ mát cuối tuần ở thị trấn Sapa tăng vọt. Thị trấn núi này trở nên chật chội, ngột ngạt vì xe hơi. Hình ảnh những chiếc xe hơi đời mới sang trọng, bóng lộn đậu khắp thị trấn Sapa trở nên đối lập với hình ảnh nheo nhóc, khổ sở, đói khổ của người đồng bào thiểu số nơi đây.

Người làm không ra

Ông Vàng A Phùng, cư dân ở bản Tả Van, Lào Cai, cách thị trấn Sapa chừng 7km đường bộ, chia sẻ: “Cái bản Tả Van này không xa thị trấn Sa Pa lắm đâu. Nhưng mấy phiên chợ tình bây giờ thì mấy thiếu nữ đi chợ tình hoài à. Khách du lịch họ đến đây xem mình trồng cây lúa. Họ mua trái cây đến đây họ ăn. Khách du lịch đến đây nhiều lắm chứ, ngày nào chẳng có người vào đây, họ vào họ xem mình đó chứ. Họ thấy áo quần mình mặc họ thích lắm nhưng họ không mua, họ chỉ cười thôi!”
Khách du lịch đến đây nhiều lắm chứ, ngày nào chẳng có người vào đây, họ vào họ xem mình đó chứ. Họ thấy áo quần mình mặc họ thích lắm nhưng họ không mua, họ chỉ cười thôi!
-Ông Vàng A Phùng
Theo ông Phùng, đời sống của người dân bản Tả Van vẫn chưa có gì thay đổi nếu không muốn nói là đang đi thụt lùi. Thật ra, nhìn bên ngoài thì có vẻ như vấn đề điện – đường – trường – trạm, có nghĩa là mạng lưới điện chiếu sáng, đường nhựa hoặc bê tông trong bản, trường học và trạm y tế ở đây đều đầy đủ, tốt đẹp. Nhưng trong thực tế thì có quá nhiều vấn đề để nói, để buồn.
Mà vấn đề cơ bản nhất là những thứ như điện, đường, trường, trạm là cái cớ để người ta tham nhũng, rút ruột công trình trắng trợn, một con đường bê tông đi vào bản dài chưa tới hai cây số, rộng chưa đầy ba mét mà số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng trước đây. Nếu qui ra số tiền hiện tại, có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng. Trường học và trạm y tế cũng vậy. Trong khi đó, một khi trường học, công trình đường sá hay mọi thứ lại được làm theo định hướng nhà nước chứ không hề tham khảo nguyện vọng của người dân, điều này tạo ra một sự đảo lộn đáng kể trong sinh hoạt của người đồng bào thiểu số.
Mỗi đợt rét về, bản Tả Van cũng như mọi bản khác đều bị thiệt hại nặng nề bởi trâu bò, lợn gà lăn ra chết, vườn tược phủ đầy tuyết, su hào, rau cải đều dập mũn ra. Ngoài hạt lúa dự trữ nhờ làm được từ các đám ruộng bậc thang và vài ký ngô làm trên sườn đồi, hầu như không còn gì để sống. Phần đông người dân lúc này nếu là người già dưới 80 tuổi, chưa nhận được tiền trợ cấp người già thì đi lên thị trấn lượm rác, thu nhặt ve chai, có khách du lịch nào thương tình cho vài đồng thì dành mua gạo. Những người trẻ thì đi bán hàng lưu niệm. Thậm chí nhiều cô gái lên chợ tình hoặc lên các chợ phiên để chờ cơ hội bán mình cho dịch vụ “chơi mọi”.
Tất cả cũng vì thiếu đói, khốn khổ mà ra. Ông Phùng nói rằng nếu không tin lời ông thì hãy ghé thăm bản Tả Van của ông, một bản giàu nhất, đẹp nhất trong các bản Tây Bắc, rồi sau đó tiếp tục thăm nhiều bản làng khác ở đây thì sẽ hiểu được người đồng bào thiểu số phải khó khăn ra sao.
Và ông Phùng nhắc nhỡ phải mua vé vào thăm bản, nếu không mua, rất có thể bị đuổi ra khỏi bản hoặc không thể vào bên trong bản. Đương nhiên bà con dân bản không ai đuổi khách. Thậm chí, bà con vẫn rất hiếu khách. Nhưng không mua vé thì không đến bản được, mặc dù đến để cứu đói cho bà con!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment