ĐÀ NẴNG (NV) - Công an Việt Nam và biên phòng Đà Nẵng vừa phát giác một vụ buôn lậu hai tấn ngà voi. Chỉ trong một tuần có hai vụ buôn lậu ngà voi, số lượng đến cả tấn bị phát giác.
Công an Việt Nam và biên phòng Đà Nẵng đang kiểm tra số ngà voi giấu trong ba container chứa gỗ. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo báo chí Việt Nam thì chiều 21 Tháng Tám, 2015, hai lực lượng vừa kể tiến hành kiểm tra ba container đang để tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Trên giấy tờ, đây là ba container chứa gỗ được gửi từ Nigieria đến Việt Nam cho một công ty có trụ sở đặt tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, có tới 60 túi ngà voi, tổng trọng lượng lên tới hai tấn được giấu kỹ sau hàng ngàn thanh gỗ. Tuy nhiên doanh nghiệp được gửi ba container này phủ nhận họ là chủ lô hàng.
Trước đó đúng một tuần, hôm 14 Tháng Tám, hải quan và công an Việt Nam từng khám phá khoảng một tấn vừa ngà voi, vừa sừng tê giấu trong hai container chứa đá cẩm thạch, được gửi từ Mozambique đến cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng cho một doanh nghiệp có tên là Vạn An. Trụ sở của công ty Vạn An cũng tọa lạc tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Chưa rõ hai vụ buôn lậu ngà voi vừa kể có liên quan đến nhau hay không. Tuy nhiên có thể khẳng định, ngà voi và sừng tê vẫn tiếp tục ồ ạt chảy vào Việt Nam với số lượng càng ngày càng lớn. Từ vài ký lên tới vài chục ký rồi hàng tạ và gần đây là hàng tấn. Hôm 12 Tháng Tám, 2015, hải quan và công an Việt Nam phát giác một lô hàng chứa 100 ký ngà voi và năm ký sừng tê được mang vào Việt Nam bằng đường hàng không. Đây là lô hàng do hai người Việt vận chuyển từ Châu Phi qua Nam Hàn rồi tiếp tục được đưa từ Nam Hàn về phi cảng Nội Bài ở Hà Nội.
Với số lượng ngà voi và sừng tê như vừa kể, báo chí Việt Nam xem vụ buôn lậu này là “kỷ lục.” Tuy nhiên “kỷ lục” vừa kể liên tục bị các container gửi về cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng phá vỡ. Ngà voi và sừng tê nằm trong danh mục mà cộng đồng quốc tế đã thỏa thuận là cấm mua bán, xuất cảng, nhập cảng, nhằm bảo vệ những loại động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.
Có một công ước quốc tế riêng về vấn đề này, vẫn được gọi tắt là CITES. Việt Nam là một thành viên của CITES. Tuy nhiên trong thập niên vừa qua, các tổ chức bảo vệ hoang dã trên thế giới liên tục bày tỏ sự lo ngại về việc Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ cả ngà voi lẫn sừng tê.
Để loại trừ việc mua bán ngà voi và sừng tê, giữ cho voi và tê giác không tuyệt chủng, CITES đề nghị các quốc gia thành viên không tổ chức đấu giá ngà voi và sừng tê đã tịch thu từ các vụ buôn lậu. Đáp ứng đề nghị này, nhiều quốc gia đã tổ chức tiêu hủy ngà voi và sừng tê. Riêng Việt Nam thì không. Khi xét xứ các vụ buôn lậu ngà voi và sừng tê, đến nay, hệ thống tòa án Việt Nam vẫn tuyên bố sung công toàn bố số ngà voi và sừng tê đã tịch thu được.
Về nguyên tắc, số ngà voi và sừng tê đã được hệ thống tòa án tuyên bố sung công phải do Cục Quản Lý Công Sản của Bộ Tài Chính Việt Nam quản lý nhưng hồi cuối năm 2013, một viên của cơ quan này tiết lộ với tờ Tuổi Trẻ, số ngà voi được tuyên bố sung công khoảng 25 tấn nhưng Bộ Tài Chính Việt Nam không gom về được. 25 tấn ngà voi đó đang nằm rải rác trong kho của nhiều ngành như hải quan, công an, thi hành án... thuộc nhiều cấp và không ai rõ chúng còn đủ hay không. (G.Đ)
08-23-2015 3:18:29 PM
No comments:
Post a Comment