Dư luận trong ngành QLTT và công chức Đắk Lắk gần đây xôn xao về việc QLTT tỉnh nhà bỗng tăng thêm 1 người cấp phó mà theo quy định thì không được quá 3 phó giúp việc cho 1 chi cục trưởng.
PV Báo Lao Động và Đời sống đã vào cuộc tìm hiểu sự việc lùm xùm này thì được biết, chuyện có thật này xảy ra tại QLTT tỉnh Đắk Lắk. Theo Nghị định số 10, năm 1995 của Chính phủ về quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của QLTT; Nghị định số 27/2008/NĐ/CP ngày 13.3.2008 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 10 về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng QLTT ở các địa phương và Quyết định 50/2008 của Bộ Công thương, thì cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi cục QLTT ở các tỉnh (trực thuộc Sở Công thương) trong cả nước hiện nay quy định chỉ có 1 chi cục trưởng làm nhiệm vụ quản lý điều hành chung và không có quá 3 phó chi cục giúp việc.
Tuy nhiên, quy định này cũng nêu rõ, tùy vào tình hình hoạt động thực tế của mỗi địa phương mà bộ máy Chi cục QLTT có thể được tinh giảm hơn, chẳng hạn chỉ có 1 chi cục trưởng và 2 phó chi cục như ở một số tỉnh Bình Thuận, Bạc Liêu, Quảng Trị, Thái Bình…
Như vậy, ông Trương Văn Nhương - vốn là Phó Chánh thanh tra Sở Công Thương - vừa được ông Phạm Thái - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk - ban hành quyết định “Về việc luân chuyển công chức” ngày 23.7.2015, nhưng tại điều 1 lại ghi: “Đến nhận công tác và giữ chức vụ phó chi cục trưởng QLTT từ ngày 1.8.2015” (!?). Điều bất thường và kỳ lạ với quyết định này là việc bổ nhiệm chức vụ phó chi cục QLTT đối với ông Nhương trong thời hạn bao lâu (thường nhiệm kỳ là 5 năm) thì trong quyết định này lại chẳng thấy đề cập?
Theo quyết định này, vị phó chi cục QLTT nhận nhiệm vụ vô thời hạn kể từ ngày 1.8.2015 hay sao? Dư luận đặt vấn đề, chưa cần bàn tới quyết định “luân chuyển” nhưng bên trong lại là “bổ nhiệm” có đúng hay sai về mặt quy chuẩn văn bản pháp luật, nhưng với cơ cấu trước đây (từ năm 2008 đến thời điểm 31.7.2015) chỉ có 3 phó chi cục QLTT vốn đã là tối đa theo quy định, bây giờ bỗng tăng thêm 1 ông phó “giúp việc” nữa, mà ông Nhương có nghiệp vụ chuyên môn là kỹ sư điện kỹ thuật thì không hiểu có phù hợp với nghề mình lãnh đạo?
Hơn nữa, theo Thông tư số 09 ngày 2.5.2013 của Bộ Công thương quy định về hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của QLTT, trong đó tại khoản 4, điều 7 thì ngay cả tổ kiểm tra thị trường bắt buộc phải có “Thẻ kiểm tra thị trường” do Cục trưởng Cục QLTT cấp trong quá trình thực thi nhiệm vụ, trong khi đó, ông Nhương là một lãnh đạo chi cục QLTT hiện nay lại không có “Thẻ kiểm tra thị trường” thì làm sao có thể ký quyết định cho tổ kiểm tra thị trường thực hiện theo các chuyên đề kế hoạch?
Ngay trên tiêu đề quyết định bổ nhiệm chức vụ của ông Nhương cũng có điểm lạ, ghi là: “Về việc luân chuyển công chức”. Trong khi đó, cũng tại quyết định bổ nhiệm khác vào năm 2014 đối với một phó chi cục trưởng QLTT hiện đang đương chức, Giám đốc Sở Công thương - lúc đó là ông Võ Thanh - đã ký và ghi rõ, đầy đủ trên tiêu đề quyết định là: “Về việc bổ nhiệm công chức”.
Mặt khác, theo Quyết định số 30 ngày 7.8.2012 của UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh thì các sở, ngành trước khi ban hành quyết định bổ nhiệm cán bộ công chức với chức danh phó chi cục trưởng chi cục (thuộc sở, ngành) thì phải thực hiện đúng quy trình, đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định, đồng thời phải báo cáo về cho Sở Nội vụ để theo dõi, quản lý. Thế nhưng, theo phản ánh của cán bộ công chức trong ngành và thể hiện ngay trong quyết định bổ nhiệm ông Trương Văn Nhương, trước khi bổ nhiệm ông Nhương giữ chức chi cục phó QLTT, Sở Công thương không báo cáo với Sở Nội vụ theo quy định… Liệu có gì không bình thường ở đây?