2015-04-15
Phòng thi môn sử chỉ có hai thí sinh tại HĐT trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Q3, TP.HCM chiều 2-6- Ảnh: Như Hùng/TT
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt tròn 40 năm. Cho đến nay những ký ức và hậu quả của cuộc chiến đó vẫn chưa phai nhòa. Giới trẻ trong nước và hải ngoại có cái nhìn thế nào về câu chuyện lịch sử đau thương này và suy nghĩ của họ về sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc trong hiện tại và tương lai ? Đó chính là những điều mà tạp chí diễn đàn bạn trẻ mong muốn được truyền tải đến các bạn cho đến hết ngày 30/4/ 2015.
Tuần này chúng tôi mời các bạn đến với việc tuyên truyền và dạy lịch sử và tác động của việc này đến sự hòa giải dân tộc ra sao?
Chân Như: Nhìn nhận từ khía cạnh hòa giải dân tộc, các bạn đánh giá thế nào về nội dung tuyên truyền và dạy học lịch sử tại Việt Nam về cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975? Những nội dung đó là khách quan hay phiến diện ? có lợi hay có hại cho quá trình hòa giải ?
Tiến Trung: Theo quan điểm của tôi, sách giáo khoa lịch sử chỉ phản ánh những quan điểm một chiều. Do đó, nó không phản ánh được lịch sử khách quan. Điều này không đem lại những đóng góp tích cực cho quá trình hòa giải; Phải tôn trọng sự thật thì mới hòa giải được.
Nhật Thành: Thành cũng đồng ý với ý kiến Trung. Thành cũng xin bổ sung là ngoài vấn đề sự thật thì vấn đề lịch sử cần phải có góc nhìn đa chiều vì với góc nhìn đa chiều những thế hệ sau người ta mới nhìn rõ được những diễn biến trước đó đã xảy ra với cha ông. Từ đó họ mới có những kinh nghiệm và những nhận định chính xác để việc đóng góp cho tương lai và hiện tại được hợp lý và được tốt đẹp hơn.
Duy Lâm: Tôi cũng có ý kiến giống như lời của anh Trung và anh Thành. Tức là để có cái nhìn tổng quan và đúng đắn về lịch sử như những gì đã diễn ra; Không tô hồng, không bóp méo, không cường điệu. Chúng ta cần có một cách viết sử và một cách dạy và học lịch sử một cách hoàn toàn khác so với những gì “lịch sử” ở Việt Nam đang giảng dạy ở nhà trường.Tôi nghĩ là phải xuất phát từ những thông tin mà đúng đắn và nó phải thuộc về bản chất một cách khách quan nhất của lịch sử thì người ta mới có thể có căn cứ để mà thực hiện hòa hợp hòa giải dân tộc được.
Kathy Nguyễn: Mình cũng đồng ý với ý kiến của ba bạn vừa rồi. Tuy nhiên, theo ý kiến của mình thì sách lịch sử mình đã từng học qua rồi thì họ chỉ nêu phiến diện một chiều thôi và miệng thì cứ hô hòa hợp hòa giải nhưng trong quá trình giáo dục họ không có làm một việc gì đó cụ thể để chứng minh cho mục tiêu là hòa hợp hòa giải dân tộc. Với giáo dục như vậy thì khó mà thực hiện việc hòa hợp hòa giải.
Chân Như: Khi nhắc tới các chủ đề liên quan đến lịch sử, ngay như trên các diễn đàn và đặc biệt trên Facebook, chúng ta đều thấy có những cuộc tranh luận bởi nhiều phía, từ nhẹ nhàng cho đến gay gắt, từ có văn hóa cho đến văng tục, chửi bậy. Các bạn cảm nhận thấy điều này do đâu ?
"Theo quan điểm của tôi, sách giáo khoa lịch sử chỉ phản ánh những quan điểm một chiều. Do đó, nó không phản ánh được lịch sử khách quan. Điều này không đem lại những đóng góp tích cực cho quá trình hòa giải; Phải tôn trọng sự thật thì mới hòa giải được"-Tiến Trung
Duy Lâm: Tôi nghĩ là, đối với những người trẻ mà tôi có dịp tiếp xúc trên facebook thì hễ có một sự kiện nào liên quan tới lịch sử thì họ có những nhận định hoàn toàn trái ngược nhau, và hai bên đó thì không bên nào chịu bên nào. Đối với tôi là cách nhìn của một người sinh sau đẻ muộn sau năm 1975 thì hầu hết những gì mà tôi biết được ở lịch sử diễn ra thì nó đều là những sự kiện mà được kể lại. Tuy nhiên, những người sinh sau như tôi người ta có dịp tiếp xúc với lịch sử từ những cách tuyên truyền như thế nào đó, có lợi cho phe nào đó thì họ sẽ như là một tờ giấy trắng họ ghi dấu vào đó những niềm tin mà từ trước tới giờ họ cứ nghĩ như thế là đúng. Vì vậy, giữa họ sẽ xuất hiện những xung đột niềm tin mà tôi tạm gọi là mâu thuẫn về niềm tin. Thật ra cũng là về mâu thuẫn của chuyện viết lịch sử nó không được khách quan mà ra. Tôi cho rằng để những người này có được những cuộc tranh luận mà tôi nghĩ mang tính chất xây dựng hơn và có được những thông tin khách quan hay đa chiều hơn thì mọi người từ mọi phía cần tìm hiểu nhiều hơn là những gì từ trước đến giờ mình vẫn tin là đúng.
Báo VNExpress đăng bài - Lịch sử không phải để thù hận.
Tiến Trung: Theo quan điểm của tôi đây là hậu quả của một nền giáo dục vừa thừa và vừa thiếu: thừa sự áp đặt và thiếu tự do trong thể hiện tư tưởng cá nhân nên mới dẫn đến tình trạng như vậy.
Nhật Thành: Thành cũng đồng ý kiến với Trung. Sở dĩ việc chửi bậy thì thật ra nó cũng xuất phát từ giáo dục vì trong môi trường giáo dục ở Việt Nam thì nó không tạo được cho mọi người một cái gọi là văn hóa tranh luận và vấn đề đặt câu hỏi trong những vấn đề về lịch sử. Lịch sử họ thu nhận theo cái hướng chỉ nghe mà không phản biện nên dần già thành như một niềm tin; Nó tạo ra tâm lý chán sử và chính vì chán sử họ không tìm hiểu sử và như thế không có nhiều góc nhìn khách quan. Vấn đề nữa là vấn đề tâm lý, khi bàn về sử thường tâm lý là muốn thắng chứ không phải tâm lý muốn tìm ra vấn đề. Do tâm lý như vậy nên sẽ chỏi lẫn nhau và sinh ra mâu thuẫn hơn. Còn nếu tranh luận trên phương diện để tìm ra hoặc bổ sung thêm kiến thức mình đang thiếu thì cái tranh luận sẽ đi đến một kết quả tốt hơn. Hiện nay tranh luận gần như là để bảo vệ quan điểm của mình chứ không phải để tìm ra hướng để mà để biết nhận biết lịch sử mới hơn.
Kathy Nguyễn: Theo em, các cuộc tranh luận trên facebook hoặc trên diễn đàn mạng xã hội về vấn đề lịch sử có một số bạn tạm gọi là hồng vệ binh tranh luận rất gay gắt, rất khó chịu; thậm chí buông những lời thấp kém. Em nghĩ đó là do từ nền giáo dục nhồi sọ, mang tính chất cực đoan nhìn về một phía làm cho các bạn không chịu mở lòng ra để tiếp thu những ý kiến mới, những điều tốt đẹp hơn. Theo em, đây là hệ quả của việc giáo dục mà ra.
Chân Như: Về những chủ đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, các cuộc tranh luận cũng diễn ra tương tự. Các bạn có cảm nhận được rằng, dường như người Việt chúng ta có nhiều điểm khác nhau về các quan niệm, cách nhìn nhận về dân chủ, nhân quyền? Do đâu lại vậy ?
Tiến Trung: Theo tôi căn nguyên của vấn đề là do có sự tồn tại của hai luồng thông tin trái chiều tại Việt Nam. Một là từ phía nhà cầm quyền và một từ nguồn thông tin tự do trong thời đại thế giới phẳng ngày nay.
Duy Lâm: Tôi nghĩ sở dĩ có những cách nhìn khác và thậm chí là mâu thuẫn đi đến văng tục hay là xung đột thì thật ra cũng từ việc là do giáo dục mà nên. Tôi lấy ví dụ nền giáo dục mà tôi nói cụ thể là môn lịch sử được giảng giạy từ tiểu học cho tới đại học thì không có tập cho sinh viên hay học sinh một cách một thói quen đặt vấn đề tức là họ hoàn toàn tiếp nhận thông tin một cách một chiều và chính từ những hiểu biết một chiều đó họ sẽ có những niềm tin rằng từ trước tới giờ những gì họ học những gì thầy cô giảng cho họ là đúng. Vì thế, khi họ tiếp cận với những luồng thông tin trái ngược thì họ sẽ có những cú sốc và họ sẽ phản ứng để bảo vệ những niềm tin của họ. Tôi nghĩ để thay đổi vấn đề này, cái vấn đề về tư duy phản biện nó như là một điều bình thường ở trong bất kỳ một xã hội bình thường nào, nhưng nó lại rất thiếu tại Việt Nam và tôi nghĩ chính việc thói quen đặt vấn đề sẽ giúp hóa giải mâu thuẫn này.
Nhật Thành: Thành xin bổ sung thêm về vấn đề tinh thần dân chủ và vấn đề văn hóa dân chủ. Cái đó nó quan trọng và nhiều người chưa nhận ra vấn đề đó vì cuối cùng dân chủ là tôn trọng sự khác biệt chứ, chứ dân chủ không phải là vấn đề một thể chế dân chủ hay một khái niệm về dân chủ mà dân chủ thì chung quy tôn trọng sự khác biệt. Nhiều người vẫn chưa có tinh thần như vậy nên trong mọi cuộc tranh luận đều đi đến vấn đề mâu thuẫn.
"Tôi nghĩ chính việc tôn trọng tự do ngôn luận, tự do học tập nó sẽ là một trong những yếu tố cần thiết để đi đến những công trình khảo cứu hay những công trình nghiên cứu để có những bộ sách giáo khoa lịch sử hay có những cách nhìn lịch sử đúng đắn hơn và từ đó sẽ đi đến hòa hợp và hòa giải dân tộc được"-Duy Lâm
Kathy Trần: Mình cũng đồng ý với ý kiến của Duy. Mình xin bổ sung thêm là với cách giáo dục ở Việt Nam không khuyến khích cho sinh viên học sinh đặt câu hỏi ngược lại mà chỉ chấp nhận điều đó là đúng, là định lý. Do vậy, sinh viên ở Việt Nam bị rơi vào trạng thái là bị động, phụ thuộc vào giáo viên quá nhiều nên khi có thắc mắc một câu hỏi nào đó được đưa ra thì họ sẽ không có khả năng phản biện lại mà bảo vệ lập luận của họ. Từ đó, tạo ra một thói quen chung cho mọi người ở Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ hiện nay khi bước vào cuộc tranh luận. Đặc biệt là vấn đề nhìn nhận về dân chủ hiện nay thì họ bất đồng quan điểm và họ cảm thấy khó chịu khi mà những đề tài này được đưa ra.
Chân Như: Theo các bạn, để quá trình hòa hợp dân tộc, hàn gắn vết thương sau chiến tranh diễn ra thuận lợi, bền vững hơn, thì cần có thái độ thế nào với lịch sử và nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, cũng như đối với các giá trị phổ quát của nhân loại về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam?
Tiến Trung: Theo tôi phải có cái nhìn khách quan, trung thực toàn diện và nhiều chiều đối với lịch sử cũng như là với các giá trị phổ quát của nhân loại về dân chủ nhân quyền như vậy mới có thể hòa hợp dân tộc thật sự được.
Nhật Thành: Em nghĩ vấn đề để hòa hợp thì tôn chỉ đầu tiên vẫn phải tôn trọng sự thật và trong tôn trọng sự thật đó phải tôn trọng sự khác biệt. Tôn trọng sự thật và tôn trọng sự khác biệt thì mới dẫn đến việc thông hiểu nhau và thông cảm thì mới hòa hợp được.
Duy Lâm: Đối với việc hòa hợp hòa giải dân tộc thì tôi nghĩ đây là cả tiến trình và vì vậy phải có yếu tố “cần và đủ”để nó xảy ra. Trong suốt quãng thời gian dài nhà nước Việt Nam kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc nhưng họ chưa có chuẩn bị những yếu tố “cần và đủ” để đi tới được cái điều mà họ muốn. Tất nhiên là một trong những yếu tố “cần và đủ” đó là tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử khách quan như là những gì đã xảy ra, không tô hồng, không đánh bóng, không bóp méo; Giữa một giới hạn về không gian tự do ngôn luận và tự do học thuật nó bị trói buộc và bó hẹp như ở Việt Nam thì tôi nghĩ rằng dẫu người ta có nhìn nhận lịch sử theo cách mà không giống như là lịch sử của chính quyền viết thì nó vẫn là điều rất khó khăn. Tôi nghĩ chính việc tôn trọng tự do ngôn luận, tự do học tập nó sẽ là một trong những yếu tố cần thiết để đi đến những công trình khảo cứu hay những công trình nghiên cứu để có những bộ sách giáo khoa lịch sử hay có những cách nhìn lịch sử đúng đắn hơn và từ đó sẽ đi đến hòa hợp và hòa giải dân tộc được.
Kathy Trần: em đồng tình với ý kiến anh Thành là để tiến tới tiến trình hòa hợp hòa giải dân tộc thì trước tiên chúng ta phải biết tôn trọng sự thật. Sau đó, các bạn phải mở lòng ra trong các cuộc tranh luận để tiếp thu ý kiến mới, từ đó có cách nhìn nhận tốt hơn, đa chiều hơn về một vấn đề.
Xin cám ơn phần chia sẻ của bốn bạn Kathy Trần, Nhật Thành, Duy Lâm và Tiến Trung.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/reconciliation-part-2-04152015060219.html/04152015-reconciliation-part-2.mp3
No comments:
Post a Comment