Wednesday, April 15, 2015

Chặt 12 cây tràm bị tội, chặt cây Hà Nội thì sao?

(PL)- Nếu chặt 12 cây tràm mà phải đi tù thì chuyện đốn hạ 500 cây cổ thụ ở Hà Nội chắc phải ở tù rục xương!
Tám người ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) sau khi nhận chuyển nhượng (trái phép) đất lâm nghiệp của Nhà nước mà cứ tưởng là đúng luật nên tiến hành “dọn cỏ, chặt cây” để canh tác. Thế là họ bị kết tội hủy hoại tài sản vì đã chặt 12 cây tràm (trị giá hơn 10 triệu đồng) của Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa.
12 cây tràm này trung tâm đã thu hồi, đã bán và lấy lại đúng bằng số tiền thiệt hại mà cơ quan tố tụng đã quy kết. Trung tâm nói không còn thiệt hại nữa, đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai cũng nói không xác định được hành vi phạm tội của các bị cáo nên đề nghị tòa hủy án để yêu cầu điều tra lại. Nhưng HĐXX TAND tỉnh Đồng Nai vẫn tuyên y án sơ thẩm kết tội tám bị cáo (trong đó có năm bị cáo từng bị tạm giam, tòa tuyên phạt tù đúng bằng số ngày tạm giam này).
Sự việc này khiến dư luận thắc mắc, rằng tòa làm vậy là đúng hay sai, có phù hợp với logic cuộc sống hay không…
Tòa trên “cứu” tòa dưới
Đây lại thêm một trường hợp tòa án cấp phúc thẩm đã “cứu” tòa án cấp sơ thẩm nhưng lần này tòa án cấp phúc thẩm đã cứu “đúng luật” nên cũng chẳng có gì để trách cứ tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm không bị mang tiếng là án bị sửa, bị hủy; thành tích của tòa án cấp sơ thẩm không bị sứt mẻ gì, thẩm phán không bị kiểm điểm, giải trình. Thế là trên dưới đều vui vẻ!
Tuy nhiên, 12 cây tràm bị chặt hạ, tám người bị ra tòa, năm người bị tù giam, còn lại cũng bị án tù nhưng được hưởng án treo. Cứ nhìn vào “đội ngũ” bị cáo đứng trước tòa và nội dung vụ án thì thấy có cả bà già tóc bạc, còn lại đều là những người còn rất trẻ, mới thấy thương xót cho những người dân thấp cổ bé họng!
Có lẽ cũng chẳng có ở nước nào như nước ta, luật tố tụng lại cho phép tòa án vẫn xét xử khi VKS (công tố) rút quyết định truy tố. Ở các nước khác khi công tố đã rút truy tố thì lập tức tòa án phải đình chỉ vụ án. Nhưng BLTTHS hiện hành của nước ta thì lại khác, nếu VKS rút cáo trạng trước khi mở phiên tòa thì tòa án mới đình chỉ, còn VKS mà rút truy tố tại phiên tòa thì tòa án vẫn tiến hành xét xử. Chẳng hiểu lý luận này học ở đâu nhưng rõ ràng là không có căn cứ khoa học. Không biết sắp tới sửa đổi, bổ sung BLTTHS có ai quan tâm đến quy định này không! Không hiểu sao luật ở ta cứ phải “khác người” thì mới được gọi là “sáng tạo”!
Không đáng để xử lý hình sự
Trở lại vụ án này, nếu so với việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội thì có lẽ sắp tới phải có hàng trăm người (liên quan vụ chặt cây) sẽ phải hầu tòa. Thế nhưng đó là chuyện của ngày mai, người dân cả nước chờ xem TP Hà Nội sẽ xử lý như thế nào đối với những người chủ trương và thực hiện chủ trương “triệt hạ” hàng loạt cây xanh của thủ đô.
Còn trong vụ án này, 12 cây tràm bị chặt hạ, cơ quan bị thiệt hại là Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa cũng khẳng định không bị thiệt hại và không yêu cầu bồi thường. Đành rằng vấn đề thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra với việc nguyên đơn dân sự không yêu cầu bồi thường không ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự đối với bị cáo nhưng dù sao thì hậu quả đã được khắc phục, các bị cáo đều là người lao động, có nhân thân tốt. Vậy hà cớ gì cứ phải truy cứu trách nhiệm hình sự?
Ở TP Biên Hòa, hằng năm có cả ngàn vụ án hình sự nhưng không hiểu sao cơ quan tiến hành tố tụng ở TP này lại cố làm cho vụ này to chuyện! Giả thiết, nếu có chủ trương giáo dục và phòng ngừa hành vi chặt phá cây rừng thì cũng chỉ nên phạt hành chính hoặc cảnh cáo các bị cáo này cũng có tác dụng đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Không hiểu vì lý do gì mà một việc như thế, cơ quan điều tra lại tích cực bắt tạm giam rồi tòa án cũng xét xử “bằng” thời gian tạm giam.
Nếu tất cả hành vi tham nhũng (dù lớn hay nhỏ) có trong xã hội này mà cũng được các cơ quan tố tụng tích cực lưu tâm, chứng minh và truy tố thì người dân được nhờ biết bao nhiêu!
Vụ này tòa án cấp phúc thẩm chỉ cần áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với các bị cáo thì cũng vẫn “cứu” được TAND TP Biên Hòa khỏi bị bồi thường oan sai chứ có gì mà phải làm to chuyện. Bởi xét cho cùng, hành vi chặt hạ 12 cây tràm không phải của mình của các bị cáo ai bảo là không sai. Đường lối xử lý đối với người phạm tội không chỉ được quy định tại BLHS mà TAND Tối cao cũng thường xuyên ban hành nghị quyết để hướng dẫn các tòa án địa phương cần phải khoan hồng đối với người dân nhất thời phạm tội, gây hậu quả không lớn.
Cứ tưởng tòa án cấp phúc thẩm nghị án đến năm ngày thì sẽ ra một bản án có tình, có lý, hợp lòng dân chứ ai ngờ vẫn y án sơ thẩm.
Với vụ án này thì chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao nên kháng nghị giám đốc thẩm để người dân thấy được sự khoan hồng của pháp luật và tin vào công lý hơn.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao
Theo luật, tòa được quyền xử tiếp
Trong giới hạn xét xử, nếu tại phiên tòa hình sự sơ thẩm mà kiểm sát viên rút cáo trạng truy tố thì tòa phải dừng phiên xử và có thể xem xét ra quyết định đình chỉ vụ án. Bởi tòa xét xử theo hành vi và tội danh mà cáo trạng đã truy tố, khi VKS rút cáo trạng có nghĩa là không còn đối tượng xét xử nữa, vì vậy việc xét xử phải dừng lại.
Nhưng nếu tại tòa kiểm sát viên chỉ đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại thì mỗi giai đoạn sẽ khác nhau. Nếu đề nghị đó diễn ra trong phiên tòa sơ thẩm thì tòa phải làm theo đề nghị đó vì bản thân nơi ban hành mà không bảo vệ được cáo trạng thì tòa không thể xử tiếp. Nhưng thực tế xét xử cho thấy rất hiếm trường hợp này, nếu có trả hồ sơ để điều tra lại thì VKS sẽ trả ngay trong lúc nghiên cứu hồ sơ vụ án chứ không chờ đến khi ra tòa mới yêu cầu.
Còn nếu đề nghị đó trong phiên tòa phúc thẩm thì tòa vẫn có quyền xử tiếp và đưa ra phán quyết của mình. Lý do, theo trình tự thủ tục, phúc thẩm là cấp xét lại bản án sơ thẩm về những phần và vấn đề có kháng cáo, kháng nghị. Lúc này án sơ thẩm đã có, việc đề nghị hủy án và có hủy hay không là nhận định và đường lối xét xử của từng cơ quan tố tụng, trong đó tòa án được quyền làm nhiệm vụ của mình là xét lại bản án sơ thẩm đó đúng trình tự thủ tục. VKS có thể cho rằng án sơ thẩm vi phạm tố tụng hoặc sai về nội dung nhưng tòa có quyền chấp nhận nhận định đó hoặc không. Do vậy về tố tụng, việc tòa tiếp tục xử và tuyên án là điều bình thường.
Thẩm phánPHẠM CÔNG HÙNG,Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
T.TÙNGghi

No comments:

Post a Comment