Theo NLĐO-13/04/2015 22:06
Cực chẳng đã người lao động phải khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi song dù tòa tuyên thắng kiện, quyền lợi của họ vẫn bị “treo”
“Sau khi bản án có hiệu lực, do công ty không tự nguyện thi hành án (THA) nên tôi có đơn đề nghị Chi cục THA dân sự quận Bình Tân, TP HCM thi hành án. Tuy nhiên, đã gần 2 năm kể từ khi có quyết định THA, tôi vẫn chưa nhận được quyền lợi của mình”. Anh Đ.T.T (quận 8, TP HCM) phản ánh trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng TP HCM.
Không thể thi hành án
Do bị Công ty N.T đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật, anh Đ.T.T khởi kiện ra tòa. Ở cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, anh đều được tòa tuyên thắng kiện, buộc công ty phải bồi thường cho anh gần 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chuyển qua THA, trong lúc tìm hiểu, chấp hành viên cho biết tài khoản ngân hàng của công ty trống rỗng. Mặt khác, công ty chỉ làm dịch vụ bảo trì, sửa chữa nên cũng không có tài sản để THA. Do vậy, phía THA trả lại hồ sơ cho anh T. “Bên THA quận Bình Tân nói khi nào tôi có thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của công ty thì tiếp tục gửi đơn yêu cầu THA. Đối với những lao động chân tay như tôi thì việc có được thông tin về tài sản của công ty còn khó hơn lên trời!” - anh T. rầu rĩ.
Sợ mất trắng quyền lợi, các công nhân Công ty D.K đã chấp nhận nhận 50% số tiền bồi thường
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, một trong những điều kiện quan trọng khi yêu cầu THA dân sự là phải cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA cho cơ quan THA; nếu không cung cấp được thông tin thì làm đơn yêu cầu chấp hành viên xác minh kèm theo tài liệu, chứng cứ cho thấy người được THA đã tiến hành xác minh nhưng không có kết quả. Căn cứ vào đó, cơ quan THA sẽ tiến hành xác minh và tổ chức THA theo quy định. Trường hợp người phải THA có điều kiện mà không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế.
Dù vậy, một cán bộ ở Chi cục THA dân sự quận 3, TP HCM nhận định: “Một số doanh nghiệp rất ranh ma, khi dính vào kiện tụng, họ luôn tìm cách phong tỏa tài khoản và tẩu tán tài sản. Do đó, không riêng gì người lao động (NLĐ) mà kể cả các chấp hành viên cũng khó xác minh được điều kiện THA của doanh nghiệp nên không thể THA, cũng không thể cưỡng chế. Hiện pháp luật chưa có biện pháp chế tài hữu hiệu nên việc án đã tuyên nhưng NLĐ không đòi được quyền lợi vẫn xảy ra thường xuyên”.
Trần ai đòi quyền lợi
Ngoài khó khăn xác minh điều kiện THA, còn vô số khó khăn khác mà NLĐ phải đối mặt trong hành trình đòi quyền lợi của mình. Chẳng hạn như trường hợp của anh Lê Duy Khang, ngụ thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đến nay đã 7 tháng kể từ khi án có hiệu lực, anh vẫn phải chạy lòng vòng giữa các cơ quan THA và vẫn chưa biết khi nào mới đòi được quyền lợi.
Anh Khang kể: Tháng 2-2012 vì từ chối tăng ca nên anh và 10 công nhân (CN) khác bị Công ty Sắt thép Vinh Đa (trụ sở đặt tại quận Tân Bình, TP HCM) “cấm cửa”. Cho rằng bị công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, anh kiện ra tòa. Hơn 1 năm sau, tháng 7-2013, vụ án mới được TAND quận Tân Bình, TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên buộc công ty phải bồi thường cho anh hơn 80 triệu đồng.
Do công ty không tự nguyện, anh Khang yêu cầu THA. Sau khi thụ lý, cho rằng công ty đã dời trụ sở về quận 5, Cơ quan THA quận Tân Bình đề nghị anh Khang chuyển hồ sơ sang quận 5. Sau hơn 2 tháng “nghiên cứu hồ sơ”, phía THA quận 5 cho rằng công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký trụ sở mà xưởng sản xuất đang hoạt động tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nên đề nghị anh Khang chuyển hồ sơ về Tân Uyên giải quyết. “Cứ mỗi lần chuyển nơi THA, tôi phải bỏ công việc, chạy ngược chạy xuôi làm lại hồ sơ. Điều lạ là một CN khác cùng kiện với tôi và cũng thắng kiện thì lại được Cơ quan THA quận Tân Bình giải quyết” - anh Khang thắc mắc.
Có còn hơn không!
Thấm thía những gian truân trong quá trình đòi THA, mới đây dù biết thiệt thòi nhưng 6 CN Công ty D.K (quận 12, TP HCM) vẫn chấp nhận từ bỏ 50% quyền lợi. Bị công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, các CN khởi kiện, tòa tuyên buộc công ty phải bồi thường cho họ gần 400 triệu đồng. “Chuyển qua THA một thời gian, tuy công ty vẫn hoạt động bình thường nhưng cán bộ THA nói công ty đang gặp khó khăn, tài khoản không còn nhiều tiền nên khó thi hành 100% bản án, nếu chúng tôi đồng ý nhận 50% và cam kết từ bỏ 50% còn lại thì may ra mới lấy được tiền. Chúng tôi đành phải chấp nhận, thà có còn hơn không” - CN Tạ Thị Xuân Liễu cho hay.
Bài và ảnh: Mai Chi
No comments:
Post a Comment