Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội Theo RFA-2015-10-1
Đại hội toàn quốc của Đảng cộng sản Việt nam lần thứ XII sắp tới sẽ diễn ra vào quý I năm 2016. Quá trình chuẩn bị cho đại hội là thời kỳ mà đảng cộng sản được sự quan tâm nhiều nhất của truyền thông, dư luận và của quốc tế. Thông thường, đó cũng là dịp các cơ quan truyền thông của nhà nước ra sức tuyên truyền, đánh bóng những thành tích cũng như cổ động cho đường lối, chính sách trong dự thảo văn kiện trình đại hội.
Bối cảnh diễn ra đại hội XII lần này có nhiểu điều đặc biệt. Vấn đề quan trọng nhất, sau 30 năm đổi mới, những sai lệch và khác biệt về nguyên lý, cơ chế, cấu trúc cũng như các chính sách kinh tế của nền kinh tế Việt Nam so với nền kinh tế thị trường lành mạnh, bình thường đã bộc lộ toàn diện và đưa tới sự cạn kiệt, cùng cực của nền kinh tế. Để diễn đạt một cách ngắn gọn và dễ hiểu, tổng giá trị sản phẩm của nền kinh tế hiện nay làm ra không đủ cho chi tiêu của quốc gia trong cùng một thời gian (ví dụ một năm). Trong khi đó, số nợ (nợ nước ngoài và nợ dân) đang ở con số gấp đôi GDP, và hoàn toàn không có khả năng thanh toán. Các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, số còn lại chỉ tồn tại ngắc ngoải. Điều quan trọng hơn, các chuyên gia kinh tế, những người có tìm hiểu và nghiên cứu đều thống nhất một nhận định: nền kinh tế phải cải tổ ở mức cao nhất, về thể chế. Tất cả những giải pháp chắp vá đều không thể giải quyết được vấn đề và không đưa được nền kinh tế ra khỏi đại khủng hoảng.
Về mặt xã hội và chính trị, những dồn nén cùng cực của người dân khắp mọi miền đất nước vì mất đất, vì oan khuất, vì sự chèn ép của các cơ quan và nhân viên công quyền đã và đang ở mức báo động. Quá trình đàn áp các tôn giáo không hề có dấu hiệu thuyên giảm...thanh niên, sinh viên ra trường không có công ăn việc làm, không có thu nhập...tất cả đều đang ở trạng thái tuyệt vọng và giận dữ. Trong khi đó, việc Trung quốc tiếp tục các hoạt động xâm lấn và xây dựng ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng như dồn ép, tấn công ngư dân trên biển, ngư trường của Việt Nam càng làm cho người dân phẫn uất. Sự trở mặt của đồng minh Trung quốc cũng đã biến tranh chấp trên biển Đông thành tranh chấp địa chiến lược khu vực và toàn cầu. Một lần nữa, Việt Nam lại ở trọng tâm tranh chấp giữa các nước lớn, một vị thế đầy rủi ro và không nên có.
Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, sự chuẩn bị của Đảng cộng sản Việt Nam là gì? trước hết, Đảng cộng sản Việt nam vẫn thống nhất tuyệt đối trong việc duy trì sự độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, kiên quyết không nhượng bộ về nguyên tắc, trong khi có những nới lỏng về mặt truyền thông và xã hội dân sự. Những cam kết quốc tế nói chung, cũng như cam kết để tham gia TPP chỉ là những thủ đoạn qua cầu quen thuộc. Việc xử lý vấn đề xâm lấn của Trung Quốc bằng cách kéo các cường quốc làm đối trọng để đu dây vẫn tỏ ra có hiệu quả mặc dù vẫn có những vấn đề đối ngoại lệ thuộc Trung quốc khiến người dân bất bình.
Có hai vấn đề nổi bật trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt nam. Thứ nhất, xem nhẹ và bỏ qua những khuyết tật cấu trúc, thể chế của nền kinh tế. Như trên đã đề cập, nền kinh tế hiện nay đang trong quá trình khủng hoảng về nguyên lý, cơ chế và cấu trúc. Những cải cách nửa vời trước đây, chỉ có tác dụng cởi trói nhất định cho người dân đã hết hiệu nghiệm. Toàn bộ sự bế tắc, khủng hoảng của nền kinh tế đều do những lệch lạc về nguyên lý, về cơ chế và cấu trúc gây ra. Sự cải tổ nền kinh tế là không thể tránh được, và quan trọng hơn, cần thực hiện triệt để về nguyên lý, cơ chế và cấu trúc của nền kinh tế. Tức là cải tổ toàn diện thể chế kinh tế. Tuy nhiên, Đảng cộng sản lại một lần nữa bỏ qua cơ hội để cải tổ thực sự nền kinh tế. Có lẽ, việc vượt qua các thời điểm khủng hoảng trước đây cộng với ảo tưởng khi Việt Nam tham gia vào TPP khiến cho người ta thực sự bỏ qua vấn đề nghiêm trọng này. Việc xem nhẹ và bỏ qua cải cách thể chế kinh tế chính là nguyên nhân gốc rễ của quá trình sụp đổ chế độ trong tương lai gần.
Thứ hai, nét đậm trong sự chuẩn bị Đại hội XII Đảng cộng sản Việt Nam lần này chính là sự chuẩn bị về nhân sự, tức là đấu đá phe cánh. Phe cánh ở đây chỉ đơn thuần kết hợp bằng lợi ích, chứ không phải về quan điểm, lý tưởng. Quá trình đấu đá giữa một bên sử dụng các nguyên tắc tổ chức của Đảng và một bên sử dụng quyền lực hành pháp có lẽ sẽ đi tới một sự thỏa hiệp nào đó. Những hi vọng đột phá về chính trị rất khó xảy ra khi cả hai phía đều chuẩn bị những phương án tấn công ngay khi đối phương có dấu hiệu “chệch hướng” nào đó. Dường như họ vẫn ý thức được, mặc dù đang là đối thủ một mất một còn, nhưng cả hai bên đều đang trên cùng một con thuyền.
Những may mắn đã từng liên tiếp xuất hiện khiến cho niềm tin chung vào sự phục hồi về kinh tế, hoặc sự ổn vững của chế độ vẫn đang chi phối phần lớn những đánh giá hiện nay. Đặc điểm chung của sự sụp đổ hoặc thay đổi chế độ mà chúng ta chứng kiến gần đây là sự bất ngờ. Việc bỏ qua cải tổ triệt để thể chế kinh tế trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII của Đảng cộng sản chính là thách thức lớn nhất cho sự tồn vong của chế độ trong tương lai gần./.
Hà Nội, ngày 18/10/2015
N.V.B
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment