Theo VOA-18.10.2015
Sáng 13/10, tôi nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an Hà Nội. Anh ta nói là đã gửi giấy mời cho tôi đến địa chỉ thường trú của tôi và hỏi tôi đã nhận được chưa. Tôi nói, đó là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, còn địa chỉ nơi ở thì tôi đã ghi rõ trên phong bì đựng đơn khiếu nại rồi.
Anh ta mời tôi 2 giờ chiều ngày 15/10 đến làm việc về việc tôi bị cấm xuất cảnh và tước đoạt hộ chiếu tại sân bay Nội Bài vào ngày 7/5/2015, theo nội dung của đơn khiếu nại mà tôi đã gửi tới Bộ trưởng Công an, Phòng PA67 Công an Hà Nội và Đồn Công an Cửa khẩu Sân bay Nội Bài ngày 20/8/.2015.
Tiếp tôi tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh là trung tá Nguyễn Trường Giang, người đã gọi điện thoại cho tôi, và trung tá Hoàng Anh Tuấn.
Trung tá Giang chủ trì cuộc làm việc. Anh ta nói qua lý do mời tôi đến làm việc. Tôi phản đối việc họ cấm xuất cảnh đối với tôi, vì theo mục (d) khoản 1 Điều 22 Nghị định 136/2007/NĐ-CP thì “Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 6 Điều 21 Nghị định này” nên việc Đồn Công an Cửa khẩu Sân bay Nội Bài cấm tôi xuất cảnh chỉ với lý do “theo đề nghị của Phòng PA67 Công an Hà Nội” là hoàn toàn trái pháp luật. Họ chỉ phân bua rằng cái này là do trên Bộ Công an đề nghị xuống, họ chỉ chấp hành.
Tôi phản đối việc họ cướp đoạt hộ chiếu của tôi hôm 7.5, vì họ tước đoạt hộ chiếu của tôi nhưng lại không chịu lập biên bản theo yêu cầu của tôi. Họ nói đó không phải là cướp đoạt mà là “thu giữ” (!).
Tôi yêu cầu họ giải thích vì sao tôi lại có tên trong danh sách không được xuất cảnh “vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia”, như khoản 6 Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định. Đây là điều khoản mà Đồn Công an Cửa khẩu Sân bay Nội Bài đã viện dẫn như cái cớ để không cho tôi xuất cảnh. Và tôi gây nguy hại cho “an ninh quốc gia” như thế nào? Viên trung tá Nguyễn Trường Giang lại giải thích: “Những chuyện này trên Bộ người ta quyết định, chúng tôi chỉ là cấp thừa hành nên không biết.”
Cuối cùng, họ dẫn Điều 24 của Nghị định 136 – “Người thuộc diện nêu tại Điều 21 và Điều 23 Nghị định này chưa được cấp giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam. Trường hợp đã cấp thì Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an thực hiện việc huỷ giá trị sử dụng giấy tờ đó.” – để thông báo với tôi rằng hộ chiếu của tôi sẽ bị tiêu huỷ.
Họ lập biên bản với những nội dung như trên. Viên trung tá Nguyễn Trường Giang đọc biên bản, ký vào bên dưới rồi yêu cầu tôi ký. Tôi yêu cầu anh ta lập thêm một bản nữa để tôi giữ, nhưng anh ta nói tôi ký xong họ sẽ photo và giao cho tôi một bản.
Tôi ghi vào dưới biên bản: “Tôi phản đối việc cấm xuất cảnh và thu giữ hộ chiếu của tôi. Tôi yêu cầu làm rõ việc tôi bị đưa vào danh sách cấm xuất cảnh “vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia’ và trả lại hộ chiếu cho tôi.” Tôi ký xong, đưa lại cho trung tá Giang và đề nghị anh ta photo cho tôi một bản. Tuy nhiên, thái độ của anh ta lại khiến tôi hết sức bất ngờ. Anh ta điềm nhiên xếp tờ biên bản vào cặp rồi nói: “Chúng tôi sẽ gửi cho anh theo địa chỉ của anh sau” (!!!).
Quá bức xúc, tôi nói thẳng vào mặt hai viên sỹ quan an ninh: “Đây là hành động lừa đảo của những tên lưu manh.” Với vẻ mặt lạnh tanh, hai viên sỹ quan nói nhát gừng rằng họ đang bận, rằng họ sẽ gửi cho tôi qua đường bưu điện…
--
Ngày công an Hà Nội mời tôi đến “làm việc” cũng là ngày trang mạng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đăng bài viết mới nhất của tôi – “Hà Tĩnh trước làn sóng ‘Hán hoá’ mới”. Trước đó, tôi đã viết rất nhiều bài báo để đánh động dư luận về hiểm hoạ Trung Quốc ở Quảng Trị, ở Thừa Thiên - Huế, ở Hải Vân, ở Đà Nẵng, ở Bình Thuận, ở Lào Cai, ở Quảng Ninh, ở Hà Nội, ở trong bộ máy điều hành chính phủ… và trên hết là vạch trần những tội ác khủng khiếp của bè lũ cướp nước và bán nước do Phó Thủ tướng gốc tàu Hoàng Trung Hải đứng đầu.
Lẽ ra lực lượng công an nói chung cũng như những Nguyễn Trường Giang hay Hoàng Anh Tuấn kia nói riêng phải bảo vệ tôi mới đúng, bởi tôi đang phải làm thay nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia của họ. Nhưng không, hết tống tôi vào trại giam họ lại nhốt tôi vô trại tâm thần; hết đưa tôi vào danh sách cấm xuất cảnh “vì lý do an ninh quốc gia” họ lại giở trò lưu manh với tôi ngay giữa chốn công đường.
Rời khỏi trụ sở Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, nỗi bức xúc trong tôi dần lắng xuống, nhường chỗ cho một nỗi buồn thương man mác cứ mỗi lúc một xâm chiếm tâm hồn.
Tôi không buồn cho tôi, bởi cho dù bao phen bầm dập, tan nát cả nhà cửa lẫn hạnh phúc gia đình trong cuộc chiến vô cùng gian nan và nguy hiểm vì tương lai giống nòi, tôi vẫn còn may mắn giữ được mạng sống, chứ chưa đến nỗi chết không toàn thây trong tay hung thần “công an nhân dân” như bao người khác, mà em Đỗ Đăng Dư 17 tuổi mới đây là một ví dụ.
Tôi chỉ buồn cho đất nước tôi. Tôi chỉ thương nhân dân tôi.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment