TP - Từ cuối năm 2014, tỉnh Quảng Nam triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng nhà phòng, chống thiên tai theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay nhiều nhà vẫn chưa thể khởi công, một số nơi người dân từ chối nhận hỗ trợ vì mức hỗ trợ quá thấp, không đủ để xây dựng nhà kiên cố, dù rằng tỉnh đã chủ trương tăng mức hỗ trợ.
Một căn nhà phòng tránh lũ ở xã Đại Lãnh (Đại Lộc) được xây dựng nhưng chủ hộ phải vay mượn hàng chục triệu đồng. Ảnh: N.T.
Theo đề án hỗ trợ xây dựng nhà phòng chống thiên tai của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, toàn tỉnh sẽ có 3.563 hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai sẽ có cơ hội ổn định chỗ ở. Theo đó, nhà nước hỗ trợ mỗi hộ từ 12-16 triệu đồng, được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay tối đa 15 triệu đồng.
Dân nghèo sợ gánh nợ
Thành phố Tam Kỳ, theo đề án đã duyệt có 30 hộ được hưởng lợi xây nhà, tuy nhiên đến nay chưa có hộ nghèo nào khởi công xây dựng nhà ở theo đề án vì số tiền hỗ trợ thấp. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch xã Tam Thanh (Tam Kỳ), cho biết: “Với số tiền đó thì quá thấp, dân nghèo làm sao làm được nhà kiên cố. Vay mượn thêm thì dân nghèo biết lấy gì trả. Vì tiền hỗ trợ thấp nên nhiều hộ dân đã từ chối nhận tiền”.
Tại Hội An, theo đề án đã phê duyệt, thành phố có 127 nhà hộ nghèo được phân bổ hỗ trợ trong 2 năm 2015 - 2016, sau khi kiểm tra, rà soát hiện trên địa bàn còn 87 nhà thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Theo kế hoạch năm 2015 Hội An phải hoàn thành thực hiện 60% tổng số nhà của đề án, tuy nhiên đến nay mới giải quyết hỗ trợ xây dựng cho 3 trường hợp với số tiền 30 triệu đồng.
Ông Lê Viết Phúc, Trưởng phòng LĐTB&XH thành phố Hội An, cho biết: hầu hết hộ nghèo trên địa bàn là các hộ thuộc diện già cả và ốm đau, trong khi hỗ trợ thấp, điều kiện kinh tế của các hộ rất khó khăn, không có sự tích lũy để đảm bảo tiến hành xây dựng mới ngôi nhà. Do đó, khi được đặt vấn đề về hỗ trợ kinh phí thì một số hộ còn ngần ngại tiếp nhận kinh phí.
Ngoài ra, do đặc trưng, hầu hết nhà ở hộ nghèo là nhà đã xuống cấp trầm trọng nên khi tiến hành tháo dỡ để sửa chữa thì không đảm bảo kết cấu theo quy định… Để đảm bảo hoàn thành theo số lượng đề ra, Hội An cần có thời gian để tổ chức tuyên truyền, vận động hộ gia đình, kêu gọi sự đóng góp hỗ trợ của tộc họ và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ các hộ dân.
Chờ vốn trung ương
Tương tự, nhiều hộ nghèo ở xã Quế Trung (Nông Sơn) có nhà cửa xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ nhưng họ vẫn một mực từ chối nhận tiền theo QĐ 48. Theo người dân nơi đây, muốn xây nhà tối thiểu 60 triệu đồng, nhưng tiền nhà nước hỗ trợ và tiền vay ngân hàng chỉ mới được 30 triệu, trong khi dân nghèo còn phải chạy ăn từng bữa.
Vì không muốn dính vào nợ nần nên nhiều gia đình ở Quế Trung kiên quyết không nhận tiền hỗ trợ khiến chính quyền địa phương lúng túng. Qua khảo sát, trên địa bàn huyện Nông Sơn có 702 đối tượng hưởng lợi QĐ48, năm 2015 có 67 hộ được duyệt xây nhà.
Nếu vận dụng chính sách cứng nhắc xây nhà mới ở vị trí cao ráo, thì số hộ thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, chính quyền địa phương chủ yếu hỗ trợ để người dân cải tạo, nâng cấp nhà ở là chính.
Xã Đại Lãnh (Đại Lộc) là địa phương thí điểm xây nhà phòng chống thiên tai của chương trình trước khi QĐ48 từ năm 2013, đến nay các căn nhà đã giúp người dân vùng rốn lũ vơi bớt nỗi lo mưa lũ. Tuy nhiên, để làm nhà, hầu hết các hộ phải vay mượn,đầu tư thêm từ 30–50 triệu đồng. Nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần.
Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết, đã rà soát còn 2.587 hộ được hỗ trợ xây nhà phòng chống thiên tai theo QĐ48, trong đó, có 1.837 hộ cần xây mới, 750 hộ cải tạo nhà ở. Tổng kinh phí thực hiện gần 138 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay ngân sách Trung ương mới phân bổ qua 2 đợt là 10 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng, việc thực hiện Quyết định 48 còn ách tắc do chờ đợi vốn Trung ương cấp về, trong khi các địa phương mất thời gian rà soát, lựa chọn đối tượng.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: để tháo gỡ khó khăn cho người nghèo xây nhà, ngoài mức hỗ trợ, mức vay theo đề án được duyệt, UBND tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ đối tượng thuộc diện xây mới tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn 3 triệu đồng/hộ, tại các vùng còn lại hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ; hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc diện sửa chữa nhà tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn 1,5 triệu đồng/hộ.Ngoài ra, có thể huy động thêm các nguồn vốn từ chương trình “Quỹ vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ VN tỉnh phát động. Hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn các chi nhánh ngân hàng cấp huyện, thành phố trực thuộc tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết nhanh thủ tục cho vay.
No comments:
Post a Comment