Kết quả của một lịch sử đáng buồn
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Hai câu thơ của thi sĩ Vũ Đình Liên viết cách đây gần tròn 80 năm chợt hiện ra trong tâm trí blogger Hạ Đình Nguyên trong một ngày mà ông gọi là Một ngày nghiêm trang của tháng chín, ngày lễ quốc khánh. Ông nhớ hai câu thơ cũ trong lúc âm thanh của đài truyền hình đang phát đi bài diễn văn của chủ tịch nước.
Hai câu thơ vừa hoài cảm, tiếc nuối quá khứ, vừa ngỡ ngàng lạc lõng trước hiện tại, một hiện tại mà Hạ Đình Nguyên dường như cũng ngỡ ngàng nhận ra trong câu chữ của Ngài chủ tịch nước. Những ngôn từ mạnh mẽ làm đọng lại những ý niệm mơ hồ: quá khứ vô cùng vẻ vang, thành tích vô cùng to lớn, hiện tại vô cùng phức tạp và nhiều thách thức, tương lai thì rất xán lạn đang đón chờ… Cái chìa khóa mở ra Thiên đường là… Đảng đang nắm giữ.
Và cái cuối cùng Hạ Đình Nguyên tìm kiếm sau buổi sáng tháng chín nghiêm trang ấy là cái hồn phách trong bài thơ của Vũ Đình Liên. Hạ Đình Nguyên đặt câu hỏi:
Cái hồn ấy là hồn của nước, hồn của dân tộc, của muôn năm cũ.
Cái hồn ấy ở đâu bây giờ?
Nhường như để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi của Hạ Đình Nguyên, cây bút Nguyễn Quang Dy viết bài Tranh giành quyền lực và hòa giải dân tộc.
Trong bài này tác giả đi ngược lại dòng lịch sử đục ngầu của dân tộc để tìm ra những nguyên nhân nào dẫn đến kết cục khá bi thảm của hiện trạng ngày nay:
Lịch sử Việt Nam từ thời Hậu Lê đến nay là một thời kỳ đáng buồn, có nhiều cuộc nội chiến và xung đột, làm đất nước suy yếu dễ bị ngoại bang đô hộ. Những cuộc nội chiến và xung đột đầy bạo lực và cực đoan đã phá hủy nhiều tài sản quốc gia, và nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, để lại nhiều hậu quả tiêu cực cho tương lai.
Tác giả giải thích những gì đang diễn ra hiện nay, cũng như phải làm gì cho tương lai:
Những gì đang diễn ra hiện nay có thể là “hệ quả không định trước” của lịch sử, và có thể được lặp lại. Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có thể làm gì đó để sắp xếp lại tương lai, để tránh lặp lại những sai lầm ngu ngốc.
Và Nguyễn Quang Dy viết tiếp rằng nếu không khéo thì người Việt lại rơi vào một thảm họa mà trong lịch sử dài lâu của mình, không phải là lần đầu tiên biết đến, đó là thảm họa Bắc thuộc mới.
Chúng ta không thể thoát khỏi nghiệp chướng đánh lộn lẫn nhau một cách cực đoan và bạo lực, để rồi trở thành nạn nhân của Bắc thuộc (nếu không xem lại lịch sử bất ổn để học bài học nghiêm túc). Chúng ta không thể lấy lại lòng tự hào và tử tế, đứng trên đôi chân của mình để xây dựng lại đất nước hùng mạnh và độc lập (nếu không hòa giải dân tộc).
Giáo dục và bạo lực giai cấp
Trong một bài viết khác về hiện trạng giáo dục hiện nay, Nguyễn Quang Dy mô tả lại cái cảnh người ta chen lấn nhau hàng năm trước cổng trường nhân dịp khai trường. Ông lấy một hình ảnh mà những người cộng sản rất yêu thích là cảnh tấn công Cung điện mùa Đông của cuộc cách mạng Nga cách đây gần 100 năm, để so sánh rằng những người Việt nam ở thế kỷ 21, sống dưới một chế độ cũng xuất phát từ tư tưởng của cuộc cách mạng Nga làĐạp cổng trường giống như tấn công cung điện mùa đông.
Theo ông thì chính cái tư tưởng ấy là trở ngại chính cho công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà hiện nay:
Nếu không thoát khỏi hệ tư tưởng lỗi thời (Mác-Lê-Mao) giáo điều và hủ nho, không tôn trọng trí thức, thì không thể nâng cao dân trí. Mọi cố gắng cải cách giáo dục chỉ chạy lòng vòng luẩn quẩn, như dậm chân tại chỗ.
Tác giả Đỗ Kim Thêm thì nói cụ thể hơn là nền giáo dục theo chủ nghĩa Mác Lê ấy không tạo nên được những thế hệ có tinh thần dân chủ và dấn thân chính trị để cải cách và canh tân đất nước. Ông nhận xét về những thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên trong 40 năm qua, sau khi đất nước thống nhất và hết chiến tranh:
Vì đã sống 40 năm trong một chế độ toàn trị nên thế hệ hậu chiến ít có ý thức về khái niệm dân chủ và chưa có kinh nghiệm sống với chế độ dân chủ. Đa số lại không có đủ năng động để tự khai sáng và không có dịp so sánh, nên cũng chưa có thể làm quen và mến yêu các giá trị dân chủ và có động lực khích lệ để đòi hỏi dân chủ.
Do đó, giá trị mới chưa thành hình trong khi giá trị cũ không còn nữa. Khi bế tắc này còn kéo dài, thì bịnh vô cảm chính trị của dân chúng sẽ còn trầm trọng hơn.
Nền giáo dục mà Đỗ Kim Thêm đề cập ở đây không phải hạn hẹp trong khuôn viên các trường học, mà là một nền giáo dục xã hội. Một nền giáo dục mà nhà báo Đoan Trang nhận xét là nó đã tạo ra những con người chỉ biết có bạo lực, mà lại là những người đại diện cho cơ quan công quyền.
Nền giáo dục cộng sản này dựa trên hai nguyên tắc rất cơ bản là đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng.
Theo blogger Viết từ Sài gòn thì chính cái nguyên tắc đấu tranh giai cấp đó nó chia rẽ dân tộc Việt nam. Sự chia rẽ này đã bắt đầu từ khi những người cộng sản bắt đầu nắm quyền bằng những phiên đấu tố chống địa chủ của cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu ở miền Bắc trong những năm 1950. Và sự chia rẽ ấy vẫn không chấm dứt trong cách hành xử của đảng cầm quyền ngay trong thế kỷ 21 này.
Từ chuyện mở đường cho đến cưỡng chế nhà đất, dẹp chợ, dẹp tiệm, dẹp quán, tịch thu bảng hiệu, đập phá đền đài lăng tẩm hay đập phá tịnh thất, chùa, trung tâm sinh hoạt tôn giáo… đảng Cộng sản đều lấy “cây đậu nấu trái đậu” , đều tạo ra một mối hiềm khích hoặc oán hận giữa nhân dân với nhau và họ làm như họ vô can.
Trang blog Triết học đường phố thì cho rằng Quyền lực cộng sản đến từ số đông nhưng để duy trì quyền lực đó họ cần nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ.
Một khía cạnh khác của nền giáo dục cộng sản là giáo dục cho dân chúng sự căm thù thay vì sự tha thứ. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận thấy rằng ở Việt nam có nhiều… Bia căm thù. Dù là quan hệ ngoại giao và kinh tế với nước Mỹ ngày càng nồng ấm, trước mặt tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Thành phố HCM vẫn có một cái bia căm thù. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn mượn lời nhà văn Anh Shakespeare để nói rằng Những tấm bia căm thù đó chẳng làm cho người Việt mạnh hơn chút nào; ngược lại, nó nói cho người nước ngoài biết rằng người Việt vẫn còn sợ hãi.
Giáo dục sự căm thù cũng là một điều lạ với một dân tộc mang đậm tinh thần Phật giáo với hai câu kinh nổi tiếng
Lấy oán báo oán, oán ấy chất chồng
Lấy ân báo oán oán ấy tiêu tan.
Sắp xếp lại tương lai
Trở lại với mong muốn sắp xếp lại tương lai của Nguyễn Quang Dy, cũng như sự khẳng định của ông rằng phải hòa giải dân tộc mới có thể có được một tương lai tốt đẹp, nhiều tiếng nói cả ở Việt nam và ở hải ngoại cho rằng sự hòa giải nếu có chỉ là giữa đảng cộng sản đang cầm quyền với một thiết chế độc đảng và phần còn lại của cả dân tộc Việt nam.
Đó chính là tiến trình dân chủ hóa Việt nam. Dân chủ hóa nền kinh tế, dân chủ hóa xã hội, dân chủ hóa chính trị.
Nhưng đó là điều không dễ dàng. Một nguyên nhân lớn là từ ý thức dân chủ của các thế hệ trẻ như Đỗ Kim Thêm đã đề cập trong phần nói về nền giáo dục toàn trị 40 năm qua. Nguyên nhân thứ hai là ý chí duy trì quyền lực độc đảng.
Tác giả Thiện Tùng nhận xét rằng những tổ chức đối lập hiện nay ở Việt nam không hề có ý muốn lật đổ nhà cầm quyền, họ chỉ mong muốn sự cải tổ và thay đổi. Nhưng Thiện Tùng cho rằng đảng cộng sản lại đặt những nhà đối lập làm mục tiêu tấn công với lý lẽ có vẻ dễ nghe là đề phòng sự bất ổn.
Kính Hòa, phóng viên RFA -2015-09-21
Xin đừng quên các tấn bi kịch, các thảm hoạ dân tộc đã qua và hiện đang còn đang tiếp diễn dưới nền chuyên chính của Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)-File photo
Ngoài ra còn có cả những trở ngại ngay chính từ sự rụt rè của những người mong muốn cải tổ và thay đổi. Blogger Nguyễn Tường Thụy nhận xét về bài phát biểu của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, người chủ trương cải tổ kinh tế Việt nam theo hướng thị trường:
Đáng tiếc là có vẻ như ông lo khó thuyết phục hoặc động chạm đến vấn đề nhạy cảm nên ông phải kéo ông HCM về làm đồng minh cho đủ thiêng đối với những điều ông vừa nói. Vì vậy, gán ghép cho ông những tư tưởng này tư tưởng nọ nó trở thành khiên cưỡng. Ông HCM là một nhân vật lịch sử, có ảnh hưởng rất lớn đến số phận của dân tộc Việt Nam nhưng ông đâu có phải là thánh mà cái gì cũng giỏi, cái gì cũng biết và không bao giờ mắc sai lầm.
Lồng ghép ông Hồ Chí Minh vào trong những diễn từ về kinh tế cũng là điều khá lạ lẫm vì người ta chỉ biết rằng ông là một nhà cách mạng cộng sản, và hầu như ông chẳng để lại dấu ấn gì trong những ý tưởng về kinh tế.
Ý chí duy trì quyền lực của đảng mạnh đến mức mà những lực lượng thực thi quyền lực của đảng không hề ngần ngại những biện pháp trấn áp mà nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang gọi là nhỏ nhen và xảo trá. Ông không nói về chuyện tài khoản ngân hàng của ông cách nay không lâu vô cớ bị phong tỏa, mà ông nói về anh sinh viên Phạm Lê Vương Các bị một trường Đại học ở Hà nội khuyên bỏ học vì anh này không có tư tưởng cộng sản.
Phạm Lê Vương Các cùng các bạn và công luận đã không đầu hàng, cuối cùng trường đại học này phải nhận anh trở lại. Vương Các viết rằng hãy biết đấu tranh để đòi hỏi quyền của mình nếu bị vi phạm, và hãy đối xử với nhau trên tinh thần khoan dung thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn, không chỉ cho riêng bạn, mà cho cả những người xung quanh.
Từ thị xã Hội An cổ kính, nhà văn Nguyên Ngọc kêu gọi sinh viên dấn thân trên con đường giáo dục là giải phóng của chí sĩ Phan Chu Trinh hơn trăm năm trước. Bài diễn văn của Hiệu trưởng Nguyên Ngọc, cựu đại tá quân đội nhân dân Việt nam không có một từ nào về chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giai cấp.
No comments:
Post a Comment